Thứ tư, 04/04/2018 14:16 GMT+7

Tỉnh Sóc Trăng: Ứng dụng các giải pháp KH&CN nhằm khai thác tiềm năng lợi thế sẵn có

Tình hình biến đổi khí hậu và ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ nhằm khai thác tiềm năng lợi thế sẵn có của địa phương là nông nghiệp và thủy sản là hai vấn đề mà tỉnh Sóc Trăng cần quan tâm hiện nay.

Toàn cảnh buổi làm việc.
 

Đây là hai vấn đề được Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Phạm Đại Dương đưa ra lại buổi làm việc của đoàn công tác của Bộ KH&CN với lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng về phát triển KH&CN phục vụ sản xuất, kinh doanh ở địa phương vào chiều ngày 30/3. Tiếp đoàn có ông Ngô Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng và lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành liên quan.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Ngô Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết: buổi làm việc là dịp để địa phương như tỉnh Sóc Trăng có cơ hội để trình bày những khó khăn vướng mắc về phát triển KH&CN của Tỉnh, cùng các chuyên gia của Bộ KH&CN tìm cách tháo gỡ nhằm đưa thế mạnh của tỉnh Sóc Trăng phát triển dựa trên nền tảng KH&CN.

Nghiên cứu, ứng dụng KH&CN gắn với thực tiễn địa phương

Tại buổi làm việc bà Vũ Thị Hiếu Đông - Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Sóc Trăng  đã báo cáo đã thông tin với Đoàn công tác của Bộ KH&CN về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Sóc Trăng năm 2017; hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của tỉnh thời gian qua. Trong thời gian qua, hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của Tỉnh đã từng bước được đổi mới và nâng cao hiệu quả theo hướng gắn kết với sản xuất và đời sống. Các nhiệm vụ KH&CN được xác định tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm của tỉnh, bước đầu đạt hiệu quả khá tốt, có phát triển hợp lý, đồng bộ giữa lĩnh vực khoa học tự nhiên, lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.

Từ năm 2011 đến nay, Sóc Trăng đã triển khai 78 đề tài, dự án, trong đó có 72 nhiệm vụ cấp tỉnh, 6 dự án thuộc Chương trình Nông thôn Miền núi. Kết quả của các đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng KH&CN đã cơ bản gắn với nhiệm vụ chính trị và thực tiễn của địa phương, có những đóng góp vào quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Bà Vũ Thị Hiếu Đông cho biết, trong thời gian tới, tỉnh Sóc Trăng sẽ tăng cường công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN, tập trung áp dụng những thành tựu mới về KH&CN vào sản xuất và đời sống phục vụ phát triển kinh tế  xã hội. Tập trung phát triển các sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh, có tiềm năng phát triển của tỉnh đồng thời tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia, thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng KH&CN tiếp cận chuỗi giá trị sản phẩm; khai thác cơ hội của kết nối toàn cầu trong xúc tiến thương mại, phát triển thị trường.

Nhân dịp này, tỉnh Sóc Trăng mong muốn Bộ KH&CN sẽ hỗ trợ tỉnh một số nội dung như: Đề xuất với Chính phủ xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng; Hỗ trợ tỉnh tham gia các nhiệm vụ KH&CN thuộc các Chương trình KH&CN quốc gia: Chương trình Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025; Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016 - 2020;  Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020 (Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia); Hỗ trợ và phối hợp với tỉnh Sóc Trăng triển khai ứng dụng kết quả thực hiện của các nhiệm vụ KH&CN thuộc các Chương trình KH&CN quốc gia đã được nghiệm thu nhằm khai thác, sử dụng được các kết quả nghiên cứu phù hợp với tình hình và điều kiện thực tế tại tỉnh Sóc Trăng, góp phần phục vụ cho hoạt động sản xuất và đời sống của người dân;...

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đề nghị Bộ KH&CN có văn bản chỉ đạo các tỉnh về sắp xếp lại tổ chức KH&CN theo Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 “Về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 “Về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”, có hướng dẫn việc sáp nhập các Trung tâm trực thuộc Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng với các Trung tâm khác trực thuộc Sở ở cấp tỉnh.

Cần tăng cường kênh thông tin để tăng tính kết nối

Tại buổi làm việc, các doanh nghiệp trong tỉnh cũng đã nhiệt tình trao đổi những kết quả đạt được cũng như những khó khăn còn gặp phải trong sản xuất tôm, lúa, bò sữa; thực trạng chất lượng nguồn lao động; vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ KH&CN thuộc Chương trình Nông thôn Miền núi…

Bên cạnh đó, lãnh đạo Công ty Công nghệ DTT cũng đã cung cấp các thông tin về hợp tác kinh tế giữa Việt Nam - Úc, Việt Nam - Malaysia mà tỉnh Sóc Trăng có thể triển khai, giải pháp nâng cao chất lượng nguồn lực lao động trong tương lai; lãnh đạo Tập đoàn Việt Úc chia sẻ thông tin về ngành tôm Việt Nam và đề xuất Bộ KH&CN xem xét ưu tiên nghiên cứu bốn giải pháp nhằm phát triển ngành tôm Việt Nam: Ứng dụng giải pháp đo lường tự động; Giải pháp khoa học công nghệ xử lý nước; Các nhóm giải pháp về công nghệ nhà màng; Ứng dụng công nghệ thông tin vào ngành tôm.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Công ty Công nghệ DTT cũng đã cung cấp các thông tin về hợp tác kinh tế giữa Việt Nam - Úc, Việt Nam - Malaysia mà tỉnh Sóc Trăng có thể triển khai, giải pháp nâng cao chất lượng nguồn lực lao động trong tương lai. Lãnh đạo Tập đoàn Việt Úc chia sẻ thông tin về ngành tôm Việt Nam và đề xuất Bộ KH&CN xem xét ưu tiên nghiên cứu bốn giải pháp nhằm phát triển ngành tôm Việt Nam như: Ứng dụng giải pháp đo lường tự động; giải pháp khoa học công nghệ xử lý nước; các nhóm giải pháp về công nghệ nhà màng; ứng dụng công nghệ thông tin vào ngành tôm.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Liễu, Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương cho biết, hiện có một số Chương trình KH&CN Quốc gia do Bộ KH&CN chủ trì mà Sóc Trăng có thể tham gia. Cụ thể, với thế mạnh của một tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, những nông sản, hải sản quý như cây lúa, con tôm và hành tím là thế mạnh của nông nghiệp Sóc Trăng. Hiện Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen, Chương trình Đổi mới công nghệ Quốc gia, Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia… đều là những địa chỉ mà các đề tài nghiên cứu của Sóc Trăng có thể nhận được hỗ trợ.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến tại buổi làm việc cũng cho rằng, phát triển KH&CN của Sóc Trăng nên làm từng bước, trước mắt nên tập trung phục vụ nhu cầu thiết thực của tỉnh. Khoa học tham gia giải quyết những bài toán dân sinh, những vấn đề phát sinh từ cuộc sống để tăng năng suất chất lượng, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng giá trị cây trồng, vật nuôi… 
 

Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đại Dương phát biểu tại buổi làm việc.
 

Ấn tượng với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đại Dương cho rằng, để có sự phát triển ấn tượng trong năm 2017, Sóc Trăng đã nhận được sự quan tâm lớn của lãnh đạo tỉnh về KH&CN. Ví dụ như Ban thường vụ tỉnh ủy Sóc Trăng đã tổ chức hội nghị trực tuyến về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự tham gia của 126 điểm cầu và truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình tỉnh. Điều này thể hiện Sóc Trăng đã sẵn sàng trong tâm thế cầu thị và sẵn sàng đối diện với những thời cơ và thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, xác định KH&CN là động lực phát triển kinh tế xã hội.

Thứ trưởng Phạm Đại Dương cũng nhấn mạnh hai vấn đề tỉnh Sóc Trăng cần quan tâm hiện nay là tình hình biến đổi khí hậu và ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ nhằm khai thác tiềm năng lợi thế sẵn có của địa phương là nông nghiệp và thủy sản. Thứ trưởng Phạm Đại Dương cũng lưu ý, cần tăng cường kênh thông tin giữa địa phương và Bộ để tăng tính kết nối. Bên cạnh đó, tận dụng những kinh nghiệm truyền thống và khai thác những đề tài nghiên cứu sẵn có đáp ứng giải quyết vấn đề địa phương, tránh lãng phí, trùng lặp đề tài nghiên cứu.

Nguồn: Trung tâm NC&PT truyền thông KH&CN

Lượt xem: 3495

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)