Thứ năm, 24/09/2020 15:59 GMT+7

Trí tuệ nhân tạo - ''chìa khóa'' để Việt Nam bứt phá

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang được xem là một trong những công nghệ cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trên thế giới, các quốc gia đều xây dựng chiến lược phát triển riêng cho AI, lấy công nghệ AI làm cốt lõi cho sự tăng tốc của nền kinh tế và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này.

Sự kiện trực tuyến “Ngày Trí tuệ nhân tạo 2020” do Viện Nghiên cứu trí tuệ nhân tạo VinAI Research tổ chức thu hút hơn 20.000 lượt truy cập cùng hàng trăm câu hỏi cho các phần thảo luận.

Bước tiến của AI ở Việt Nam

Trí tuệ nhân tạo và ứng dụng của công nghệ này đang được nhắc đến ngày càng nhiều. Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp lớn như: Tập đoàn FPT, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel), Tập đoàn Vingroup... đã nắm bắt xu hướng, thành lập các dự án nghiên cứu về AI và cho ra đời nhiều giải pháp, ý tưởng phát triển sản phẩm ứng dụng AI vào thực tế cuộc sống trên nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục, nông nghiệp, giao thông, thương mại điện tử... Ông Lê Hồng Việt, Giám đốc Công nghệ Tập đoàn FPT cho hay: Quá trình nghiên cứu và ứng dụng nền tảng AI đã được thực hiện tại FPT để tích hợp sản phẩm và xây dựng nguồn nhân lực…

Nói về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán lao và bệnh phổi, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương, Chủ nhiệm Chương trình chống lao quốc gia cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ đã giao nhiệm vụ cho bệnh viện ứng dụng công nghệ vào việc sàng lọc, phát hiện bệnh nhân lao và lao phổi dựa trên chẩn đoán X quang. Trí tuệ nhân tạo đã giúp các bác sĩ nâng khả năng chẩn đoán bệnh chính xác, giúp giảm sức người.

Còn theo ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel: AI đã được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực. Như trong lĩnh vực y tế, Viettel là đơn vị đầu tiên triển khai ứng dụng AI trong chẩn đoán nội soi qua hình ảnh, giúp tự động xác định, khoanh vùng và đánh giá mức độ tổn thương của hệ tiêu hóa, vốn là nguyên nhân của nhiều căn bệnh phổ biến tại Việt Nam. Sử dụng AI giúp thời gian chẩn đoán nhanh gấp 5 lần so với phương pháp truyền thống, độ chính xác lên đến 90%. Còn trong quản lý rừng, nông nghiệp, Viettel tiên phong ứng dụng giải pháp thống kê diện tích rừng, tình trạng rừng hoàn toàn tự động với độ chính xác 80%, phản ứng kịp thời gấp 5 lần. Việc sử dụng AI để giải bài toán xây dựng cơ sở dữ liệu về rừng, bản đồ quản lý rừng đang được triển khai.

Tuy nhiên, việc ứng dụng AI vào sản xuất còn gặp nhiều khó khăn, bất cập, đặc biệt với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ông Nguyễn Thành Lâm, Giám đốc Khối sản phẩm ứng dụng, Viện Nghiên cứu trí tuệ nhân tạo VinAI Research (Tập đoàn Vingroup) cho biết, ứng dụng AI vào sản xuất kinh doanh vẫn ở giai đoạn sớm, tổng doanh số của ngành phần mềm AI trên toàn cầu chỉ đạt khoảng 20 tỷ USD, trong khi phần mềm truyền thống đạt trên 500 tỷ USD. Vì vậy, còn nhiều khó khăn trong việc ứng dụng AI vào doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 đang lan rộng trên toàn thế giới như hiện nay.

Giải bài toán về AI

Tại Việt Nam, từ năm 2014, Chính phủ đã xác định AI là công nghệ đột phá, mũi nhọn cần được triển khai nghiên cứu, được đưa vào danh mục công nghệ cao ưu tiên đầu tư phát triển. Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan được giao nhiệm vụ tham mưu, định hướng để thúc đẩy phát triển công nghệ, trong đó, tập trung nguồn lực cho phát triển AI. Bộ đã phê duyệt Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2025, đồng thời triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ phát triển công nghệ AI, tạo mối liên kết giữa các nhà nghiên cứu, nhà đầu tư, các doanh nghiệp nhằm thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng AI.

Việt Nam có những thuận lợi cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và phát triển công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực AI. Thời gian qua, tại Việt Nam, với môi trường kinh doanh mở và nguồn nhân lực đam mê công nghệ, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các lĩnh vực đã có bước phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy mối liên kết giữa các thành tố trong hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo trên cả nước.

Theo Tiến sĩ Trần Việt Hùng, người sáng lập Got It, về ứng dụng và phát triển AI, Việt Nam không ở khoảng cách quá xa so với thế giới nhưng cần có những biện pháp thúc đẩy để ngày càng có nhiều sự đầu tư vào AI. Các doanh nghiệp không cần quá quan tâm đến việc phải làm cái gì thật lớn mà cần lựa chọn những phân khúc nhỏ hơn nhưng vẫn có nhiều khách hàng. Tiến sĩ Trần Việt Hùng cũng cho biết, ở bất kỳ quốc gia nào, khi phát triển trí tuệ nhân tạo đều phải có cơ sở dữ liệu được xây dựng khoa học, bài bản, tin cậy, kết nối toàn bộ cả nước, bao phủ các lĩnh vực khác nhau. Theo nhiều chuyên gia, trở ngại lớn nhất đối với Việt Nam khi phát triển và ứng dụng các sản phẩm AI hiện nay là dữ liệu.

Để xây dựng cơ sở dữ liệu, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, trong thời gian tới, Bộ quán triệt với các sở khoa học và công nghệ phải xây dựng được cơ sở dữ liệu của ngành Khoa học và Công nghệ, sau đó xây dựng cơ sở dữ liệu và kết nối cho các sở, ban, ngành của từng tỉnh, thành phố. Việt Nam đã và đang làm hệ tri thức Việt số hóa - tích hợp các kết quả nghiên cứu khoa học, văn hóa, nghệ thuật - hướng tới trở thành một cơ sở dữ liệu lớn tích hợp trí tuệ của người Việt Nam.

Bộ Khoa học và Công nghệ đang xây dựng dự thảo Chiến lược trí tuệ nhân tạo quốc gia, theo đó sẽ tập trung chính vào các lĩnh vực giao thông, vận tải, logistics (thường được hiểu là một phần của quản trị chuỗi cung ứng bao gồm việc hoạch định, thực hiện, kiểm soát việc vận chuyển và dự trữ hiệu quả hàng hóa); du lịch; thương mại điện tử; viễn thông; giáo dục và quản lý đô thị, quản lý xã hội và hành chính công. Dự thảo Chiến lược cũng đề xuất xây dựng 3 trung tâm đổi mới sáng tạo về trí tuệ nhân tạo đặt tại 3 miền của đất nước.

Liên kết nguồn tin:

http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Oto-xemay/979076/tri-tue-nhan-tao---chia-khoa-de-viet-nam-but-pha

Nguồn: Báo Hànộimới

Lượt xem: 2456

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)