Thứ tư, 30/09/2020 15:18 GMT+7

Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ làm việc với Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh

Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị đi đầu trong cả nước ở cấp địa phương triển khai sáng tạo, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ nói chung và hỗ trợ, phát triển tài sản trí tuệ nói riêng. Từ công tác ban hành đến triển khai các văn bản trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ cho thấy hoạt động sở hữu trí tuệ và phát triển tài sản trí tuệ của TP. Hồ Chí Minh gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ phát triển thị trường khoa học và công nghệ, góp phần quan trọng nâng cao năng lực canh tranh, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ngày 22/9/2020, ông Đinh Hữu Phí - Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) đã làm việc với Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) thành phố Hồ Chí Minh nhằm trao đổi các vấn đề quan trọng trong lĩnh vực quản lý nhà nước về SHTT trong giai đoạn hiện nay. Tham dự buổi làm việc, về phía Cục SHTT còn có Lãnh đạo các đơn vị: Phòng Pháp chế và Chính sách, Văn phòng Cục, Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn và Văn phòng đại diện của Cục SHTT tại TP. HCM. Về phía Sở KH&CN TP. Hồ chí Minh có ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở và Lãnh đạo các phòng ban chức năng của Sở.



Lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ làm việc với Lãnh đạo Sở KH&CN TP. Hồ Chí Minh

 

Sở KH&CN TP. Hồ Chí Minh là địa phương đi đầu trong cả nước trong triển khai sáng tạo, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về SHTT và phát triển tài sản trí tuệ (TSTT), vì vậy Cục trưởng Đinh Hữu Phí đề nghị buổi làm việc tập trung vào ba vấn đề lớn của hoạt động SHTT trong giai đoạn hiện nay và trong thời gian tới. Thứ nhất là đánh giá kết quả hoạt động và kinh nghiệm của Sở trong triển khai Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ qua ba giai đoạn, định hướng cho giai đoạn tiếp theo và góp ý của Sở đối với dự thảo Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030. Thứ hai là kế hoạch của Sở trong việc triển khai Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thứ ba là trao đổi một số vấn đề liên quan đến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT từ thực tiễn bất cập trong thực thi pháp luật về SHTT tại địa phương.

Ông Võ Hùng Sơn, Trưởng phòng SHTT của Sở KH&CN đã báo cáo tổng quan hoạt động quản lý nhà nước về SHTT trên địa bàn Thành phố. Những kết quả nổi bật của Sở KH&CN bao gồm công tác tham mưu các cấp lãnh đạo ban hành hệ thống văn bản tương đối đầy đủ để triển khai hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về SHTT, hoạt động sáng kiến; công tác đào tạo, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về SHTT được triển khai đều đặn với các nội dung và hình thức phong phú, đa dạng; hoạt động tư vấn hỗ trợ các tổ chức, cá nhân xác lập, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp ngày càng được tăng cường; hỗ trợ hiệu quả các cơ quan thực thi quyền trong xác minh tình trạng pháp lý, đánh giá về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả và xâm phạm quyền SHTT, trong đó đa số là các vụ việc liên quan đến nhãn hiệu. Về hoạt động hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của địa phương, do đặc thù TP. Hồ Chí Minh rất khác với các địa phương khác là không có tiềm năng để xây dựng các chỉ dẫn địa lý cho đặc sản địa phương nhưng Thành phố lại chiếm ưu thế về các TSTT có được từ kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách của địa phương. Bởi vậy Sở KH&CN đã sớm nhận thấy rõ tầm quan trọng của việc quản trị và phát triển TSTT, quán triệt thực hiện quan điểm trước khi làm tốt công tác này cho xã hội thì cần phải làm tốt công tác quản trị TSTT của Sở. Sở KH&CN đã tích cực đăng ký, đứng tên chủ sở hữu nhiều quyền SHTT và thiết lập được các biểu mẫu, phần mềm quản lý phục vụ công tác khai thác và thương mại hóa các quyền SHTT. Sở KH&CN đã chủ động phối hợp với nhiều đơn vị có liên quan để làm tốt công tác này, ví dụ như Viện Khoa học SHTT, Viện Nghiên cứu Sáng chế và Khai thác công nghệ...

Bên cạnh việc tổng kết, đánh giá những kết quả đã đạt được, ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN cũng nêu rõ những khó khăn, bất cập còn tồn tại trong thời gian qua và thách thức trong tương lai khi triển khai hoạt động quản lý nhà nước về SHTT. Cụ thể là tình hình vi phạm quyền SHTT trên địa bàn Thành phố diễn ra phức tạp, đặc biệt trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển nhanh chóng, các chế tài cũng như nguồn nhân lực có chuyên môn sâu về SHTT trong các cơ quan thực thi còn thiếu. Ngoài ra, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng về SHTT chưa đáp ứng được hết nhu cầu xã hội, tài liệu tuyên truyền, đào tạo chuyên sâu về SHTT cần được chia sẻ hơn nữa. Ông Dũng đề xuất Cục SHTT nghiên cứu ứng dụng các công nghệ hiện đại, đặc biệt là áp dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác xử lý đơn xác lập quyền sở hữu công nghiệp, rút ngắn thời gian và tạo thuận lợi cho các chủ thể liên quan.

Kết thúc buổi làm việc, Lãnh đạo Cục SHTT và Lãnh đạo Sở KH&CN nhất trí cao trong việc tăng cường hơn nữa hợp tác giữa hai cơ quan để góp phần xây dựng hệ thống SHTT toàn diện hơn. Cục SHTT mong muốn nhận được sự góp ý của Sở KH&CN trong các vấn đề quan trọng liên quan đến sửa đổi Luật SHTT, đồng thời trong những hoạt động mà Cục có ưu thế cũng sẽ tạo thuận lợi tối đa cho các địa phương.

Tiếp theo buổi làm việc giữa Lãnh đạo Cục SHTT và Lãnh đạo Sở KH&CN, đại diện Phòng Pháp chế - Chính sách của Cục SHTT đã có buổi trao đổi chuyên sâu với các đơn vị chức năng của Sở về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT, trong đó tập trung vào vấn đề nổi cộm hiện nay của các tổ chức nghiên cứu, đó là xác định chủ sở hữu đối với các kết quả nghiên cứu từ ngân sách nhà nước. Ý kiến đóng góp của Sở KH&CN sẽ được Cục SHTT tiếp thu trong quá trình hoàn thiện dự thảo./.

Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ

Lượt xem: 782

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)