Thứ bảy, 25/01/2025 06:52 GMT+7

Lắng nghe người lao động để sửa luật

Thứ tư, 23/10/2019 15:11 GMT+7

Việc sửa đổi, bổ sung Bộ Luật Lao động phải hướng tới bảo đảm sự hài hòa, ổn định trong quan hệ lao động

Hôm nay, 23-10, Quốc hội (QH) sẽ dành cả ngày để thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi). Liên tục nhiều tháng qua, tại các hội thảo góp ý cho dự án luật này, 3 vấn đề nổi cộm được bàn bạc, thảo luận khá nhiều là nới rộng khung giờ làm thêm, giảm giờ làm và nâng tuổi nghỉ hưu. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi), đại biểu QH Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM, cho biết hiện vẫn còn một số quan điểm khác biệt khá lớn ở một số nội dung rất quan trọng, do đó đòi hỏi QH phải hết sức cân nhắc, thận trọng, phải trên quan điểm bảo vệ người lao động (NLĐ). "Nên lấy NLĐ làm trung tâm để suy nghĩ, cân nhắc nhằm đưa ra những chính sách pháp luật phù hợp với tiến trình phát triển của xã hội" - bà Nguyễn Thị Quyết Tâm bày tỏ.
 
80% người lao động muốn giảm giờ làm
 
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng từ hàng chục năm nay, chúng ta vẫn hướng vào phát triển của xã hội là giảm giờ làm, tăng thu nhập để bảo vệ NLĐ. NLĐ được bảo vệ, chăm lo tốt về vật chất, tinh thần thì quá trình lao động sẽ đạt hiệu quả cao hơn. Nếu NLĐ phải lao động đến cạn kiệt sức lực, vào làm việc mà không có tâm trạng và thể lực tốt sẽ gây ra bất lợi cho người sử dụng lao động như năng suất lao động không tăng, thậm chí hàng hóa còn bị hư hỏng. Doanh nghiệp (DN) phải nhìn ở góc độ đó để chăm lo cho NLĐ. Chăm lo cho NLĐ chính là chăm lo cho sự phát triển DN. "Do đó quan điểm của tôi là nên giảm giờ làm việc từ 48 giờ/tuần như hiện nay xuống 44 giờ/tuần và tiến tới lộ trình giảm xuống còn 40 giờ/tuần trong tương lai như cán bộ, công chức. Cùng với việc giảm giờ làm phải tăng thu nhập cho NLĐ theo sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước" - bà Nguyễn Thị Quyết Tâm đề xuất.
 
Một cuộc khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam cho thấy 80% NLĐ bày tỏ mong muốn giảm giờ làm. Từ thực tiễn tại DN, ông Nguyễn Minh Tiến, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Giày Thông Dụng (tỉnh Bình Dương), cho biết qua khảo sát ý kiến của hơn 7.000 công nhân (CN) đang làm việc, tất cả đều mong muốn được giảm giờ làm từ 48 giờ xuống còn 44 giờ/tuần. Theo số đông CN, với thời gian làm việc như hiện nay, họ có ít thời gian nghỉ ngơi để bảo đảm sức khỏe, tái tạo sức lao động, chăm sóc gia đình. Ủng hộ đề xuất này, đại diện một DN trong KCN Việt Nam - Singapore 2 cho rằng việc giảm thời gian làm việc của NLĐ khu vực DN từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ hay 40 giờ/tuần nhằm tạo sự bình đẳng với khu vực nhà nước, hành chính sự nghiệp. "Có ý kiến giảm giờ làm của NLĐ sẽ làm giảm năng suất nhưng thực tế không phải vậy. Những năm qua, công ty chúng tôi đã thực hiện chế độ cho NLĐ nghỉ 2 ngày thứ bảy trong tháng, tương ứng với làm việc 44 giờ trong tuần nhưng năng suất lao động không giảm mà còn ổn định và tăng hơn so với trước. Lý do là khi được giảm giờ làm, NLĐ được nghỉ ngơi nhiều hơn để tái tạo sức lao động, khi trở lại làm việc có tinh thần phần chấn hơn nên hiệu quả tốt hơn" - vị đại diện này phân tích.
 
Dứt khoát không tăng giờ làm thêm
 
Về giờ làm thêm đối đa, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH, nhìn nhận hiện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vẫn gay gắt với quy định khống chế giờ làm thêm. Theo ông Bùi Sỹ Lợi, lẽ ra ngay lúc đầu, chúng ta phải phân tích thật kỹ. Một số ngành nghề, lĩnh vực làm thêm nhưng không phải là làm thêm cả năm và chỉ tập trung 4 ngành trọng điểm da giày, dệt may, thủy sản, điện tử và một số ít ngành khác. Như thủy sản, họ nói chỉ làm trong vài tháng, sau đó lại nghỉ chờ đến thời vụ. Nếu khống chế thì sẽ không có người làm thêm. Trong khi đó, những người làm thêm họ cũng đồng thuận. Trên cơ sở chủ sử dụng lao động yêu cầu nhưng nếu NLĐ không có sức khỏe, không muốn thì không ai ép buộc được. Ai cần thì làm thêm và khi làm thì phải được trả lương, được nghỉ bù… "Nhưng dù vậy, quan điểm của Ủy ban Thường vụ QH là dứt khoát không đặt vấn đề tăng thời gian làm thêm và trong suốt 4 khóa QH vừa qua, Ủy ban Về các vấn đề xã hội QH với tư cách là cơ quan thẩm tra chưa bao giờ ủng hộ việc tăng thời gian làm thêm. Vẫn là 300 giờ/năm" - ông Bùi Sỹ Lợi nói.
 
Chị Nguyễn Thị Hòa, CN Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP HCM), cho biết trước khi vào công ty này, chị từng làm việc tại một số công ty may khác. Ở những nơi đó, có những tháng, thời gian tăng ca của chị lên đến cả trăm giờ. Từ 7 giờ 30 phút bắt đầu làm việc, khi về nhà là gần 22 giờ, thứ bảy, chủ nhật cũng phải đi làm. Với thời gian làm việc như vậy, thu nhập của chị gấp đôi nhưng đổi lại gia đình luôn lục đục vì vợ chồng cả ngày ít gặp nhau, con cái không được chăm sóc chu đáo. Ám ảnh nhất là phải thường xuyên chứng kiến cảnh đồng nghiệp mất ngủ, làm việc không tập trung, bị tai nạn lao động rất thương tâm… "Vào Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam, thời gian làm việc ngắn lại, thu nhập không bằng lúc trước nhưng tôi có nhiều thời gian nghỉ ngơi, chăm lo cho chồng con. Do đó, tôi không đồng tình với việc tăng giờ làm thêm" - chị Hòa bày tỏ.
 
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Chủ tịch Công đoàn (CĐ) Công ty CP Tico (quận Tân Phú, TP HCM), nhìn nhận nhu cầu tăng ca để cải thiện thu nhập của một bộ phận NLĐ là có thật, song nguyên nhân chính là do thu nhập không đủ sống. "Tôi không tán thành việc mở rộng khung giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm như dự thảo Bộ Luật Lao động đề xuất, bởi thời gian làm việc quá nhiều sẽ khiến sức khỏe NLĐ bị bào mòn, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm, nguy cơ tai nạn lao động tăng" - ông Lâm kiến nghị.
 
Trước ý kiến cho rằng đa số NLĐ cần phải làm thêm để cải thiện thu nhập, theo đại biểu QH Nguyễn Thị Quyết Tâm, điều này đúng nhưng không đủ. "Chúng ta phải đặt ra câu hỏi và phải trả lời có trách nhiệm. Vì sao NLĐ cần làm thêm? Tôi đi gặp nhiều CN, có thực tế là vì thu nhập hằng tháng từ tiền công, tiền lương không đủ trang trải cuộc sống. Họ đến các TP lớn từ nhiều tỉnh, thành khác nhau. Họ không có nhà cửa và mọi chi phí sinh hoạt đều phụ thuộc từ tiền lương. Do đó, họ buộc phải đi làm thêm chứ không phải muốn làm thêm" - bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nói và khẳng định không ai muốn lao động quần quật 10-12 giờ/ngày.
 
Thời gian làm việc phải bảo đảm tái tạo kịp thời sức lao động cho người lao động. Ảnh: HỒNG ĐÀO
 
Tăng tuổi nghỉ hưu: Phải xem xét thấu đáo
 
Trong bản góp ý mới nhất về vấn đề tăng tuổi hưu trong dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi), Tổng LĐLĐ Việt Nam phân tích tuy tuổi thọ trung bình của người Việt ngày càng cao nhưng thực tế sức khỏe của người dân chưa tốt. Trung bình, một người cao tuổi mắc 3 bệnh và phải chịu gánh nặng bệnh tật kép. Nữ giới sống có bệnh tật trung bình khoảng 11 năm và nam giới khoảng 8 năm, trong khi tính chất công việc, môi trường làm việc, điều kiện an toàn, vệ sinh lao động chậm được cải thiện. "Do vậy, Tổng LĐLĐ Việt Nam đồng ý với việc xem xét để tăng tuổi nghỉ hưu theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW, tuy nhiên mức tăng và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu phải xem xét đến các yếu tố: đối tượng, lĩnh vực, ngành nghề và cần được thiết kế linh hoạt hơn" - ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, nhấn mạnh.
 
Chị Hà Thị Tâm, CN Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Trường Lợi (KCN Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TP HCM), tỏ ra lo lắng và không đồng tình trước thông tin tăng tuổi nghỉ hưu trong dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi. "Công việc của CN trực tiếp như tôi rất vất vả, nhiều áp lực. Sau nhiều năm làm việc, ở độ tuổi của tôi bây giờ (48 tuổi), mắt đã mờ, chân tay chậm chạp, xương khớp yếu. Nếu nghỉ hưu muộn, CN liệu có theo được với yêu cầu của công việc không?" - chị Tâm bộc bạch.
 
Dẫn chứng thực tế tại đơn vị, ông Liêu Ngọc Sơn, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Thêu Vĩnh Dương (quận Tân Phú, TP HCM), cho biết: "Công ty chúng tôi hoạt động hơn 16 năm, hiện có hơn 300 CN nhưng chỉ có 1 lao động làm việc đến tuổi nghỉ hưu và đó là lao động ở khâu gián tiếp. Công ty không có chủ trương sa thải lao động lớn tuổi nhưng thực tế CN trực tiếp sản xuất ở độ tuổi trên 40 thường tự động xin nghỉ việc sớm. Bởi sau nhiều năm phải đứng làm việc, họ mắc nhiều chứng bệnh. Tôi cho rằng không nên tăng tuổi nghỉ hưu đối với những CN trong các ngành nghề thâm dụng lao động".
Chị NGUYỄN THÚY HẰNG, Chủ tịch Công đoàn Chi nhánh Công ty CP Đầu tư Long Biên (quận Gò Vấp, TP HCM):
 
Nghiên cứu kỹ ở từng lĩnh vực
 
Với vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu, theo tôi, cơ quan soạn thảo luật cần lắng nghe nguyện vọng của số đông NLĐ và nghiên cứu kỹ ở từng lĩnh vực, ngành nghề. Bởi thực tế, có những công việc tuổi nghề NLĐ khó có thể kéo dài, như một giáo viên mầm non sau tuổi 55 khó có thể chăm sóc trẻ chu đáo. Họ cũng không đủ sức nhảy múa, ca hát cùng các bé khi 60 tuổi. Hay trong ngành dịch vụ, lao động nữ trên 55 tuổi rất khó tạo ấn tượng với khách hàng và khách hàng cũng gặp khó khi ứng xử trước một người phục vụ lớn tuổi. Hay đối với các ngành lao động nặng nhọc hoặc thâm dụng lao động, dễ có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp thì khả năng cống hiến đến tuổi nghỉ hưu theo đề xuất mà vẫn giữ được năng suất là quá khó với họ.
 
Nguồn: Báo Người Lao Động

Lượt xem: 1543

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:11526
Lượt truy cập: 14119510