Thứ sáu, 24/01/2025 01:18 GMT+7

SỬ DỤNG QUỸ BHYT THEO ĐÚNG QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT: Đảm bảo quyền lợi người dân

Thứ sáu, 08/11/2019 10:51 GMT+7

Theo BHXH Việt Nam, nếu như năm 2009 mới có khoảng 49 triệu người tham gia BHYT, độ bao phủ khoảng 57% dân số cả nước thì hết tháng 9.2019, có khoảng 85,2 triệu người, đạt tỉ lệ bao phủ 89,8% dân số, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao cho BHXH Việt Nam 1,2%. Đây là kết quả sau gần 10 năm BHXH Việt Nam triển khai thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW của Ban Bí thư (khóa X) về đẩy mạnh việc thực hiện công tác BHYT trong tình hình mới.

89,8% dân số tham gia BHYT
 
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết, chính sách BHYT đến nay đã trải qua 27 năm tổ chức và thực hiện. Có thể nói, chính sách đã luôn dành được sự quan tâm của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Từ khi có Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 7.9.2009 của Ban Bí thư (khóa X), công tác tổ chức, thực hiện chính sách BHYT đã tạo một bước đột phá. Qua 10 năm triển khai thực hiện, về phía ngành BHXH đã hoàn thành cơ bản các mục tiêu Chỉ thị số 38 đề ra. Đến nay, BHXH Việt Nam đã hoàn thiện, kiện toàn hệ thống tổ chức từ Trung ương đến địa phương bao gồm 3 cấp (Trung ương, tỉnh, huyện); không ngừng kiện toàn, mở rộng mạng lưới đại lý hướng tới sự bền vững của chính sách BHYT. Trong 10 năm qua, ngành BHXH đã thực hiện quản lý, sử dụng Quỹ BHYT theo đúng quy định của pháp luật và bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT, không ngừng đổi mới cơ chế tạo nên tính hấp dẫn, khẳng định tính ưu việt của chính sách BHYT tại Việt Nam.
 
Kết qua thể hiện rõ nhất qua các con số hết sức ấn tượng. Về mặt phát triển đối tượng, nếu như năm 2009 mới có khoảng 49 triệu người tham gia BHYT, độ bao phủ khoảng 57% dân số cả nước. Đến năm 2018, số liệu thống kê cho thấy đã có trên 85% dân số được bao phủ BHYT. Đặc biệt hết tháng 9.2019, có khoảng 85,2 triệu người, đạt tỉ lệ bao phủ 89,8% dân số.
 
Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn nhấn mạnh: “Hằng năm, BHXH Việt Nam đã cùng với các cơ sở khám, chữa bệnh trong ngành Y tế phục vụ trên 100 triệu lượt người khám, chữa bệnh BHYT. Có thể nói, chưa bao giờ chúng ta bảo đảm được nguồn kinh phí ổn định cơ bản cho các cơ sở khám, chữa bệnh với số chi hằng năm lên tới hàng chục nghìn tỉ đồng. Đến năm 2019 là gần 100.000 tỉ đồng dành cho khám, chữa bệnh BHYT. Đây là nguồn lực quan trọng góp phần bảo đảm an sinh xã hội”.
 
Một trong thành tích nổi bật của BHXH Việt Nam sau 10 năm triển khai, thực hiện Chỉ thị số 38 của Ban Bí thư đó là ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào trong công tác quản lý nghiệp vụ. Hầu hết các mảng nghiệp vụ, trong đó có mảng nghiệp vụ BHYT đã được xây dựng, kiện toàn các phần mềm, đã liên thông, kết nối với các cơ sở khám, chữa bệnh trên cả nước. Giám định điện tử BHYT một mặt kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh; mặt khác thông qua đó bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân. Bên cạnh đó, ngành đã đẩy nhanh hơn nữa việc cung cấp dịch vụ công, cải cách thủ tục hành chính.
 
Đẩy mạnh công tác truyền thông
 
Tuy nhiên, hiện nay, số người dân chưa tham gia BHYT tuy còn rất ít, chỉ chiếm khoảng trên 10% - phần lớn là những người dân lao động tự do thuộc nhóm không có thu nhập ổn định. Vì vậy, việc phát triển nhóm đối tượng này hết sức khó khăn.
 
Để phấn đấu hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân, phát huy hơn nữa kết quả Chỉ thị số 38, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn nói rằng, mục tiêu ngành BHXH hướng tới BHYT toàn dân vào năm 2020 đạt 90,7% dân số theo chỉ đạo của Chính phủ. Trong thời gian tới, ngành đặt ra 3 mục tiêu trọng tâm để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
 
Trước hết, phát triển BHYT bền vững, trong đó có rất nhiều nhóm đối tượng quan trọng như người lao động, học sinh, sinh viên, người có công, nhóm yếu thế trong xã hội… do đó ngành đã tham mưu Chính phủ đưa ra chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân tham gia một cách đầy đủ hơn, bền vững hơn thông qua việc nâng cao chất lượng phục vụ, đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người tham gia.
 
Thứ hai, quản lý Quỹ BHYT một cách chặt chẽ hơn theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời phải bảo vệ quyền lợi của người tham gia BHYT để không chỉ bảo đảm tính bền vững của Quỹ BHYT về mặt tài chính mà còn đảm bảo quyền lợi cho người dân tham gia BHYT. Một loạt các giải pháp đặt ra từ việc đấu thầu thuốc tập trung quốc gia, tham gia đấu thầu vật tư y tế, đến vấn đề kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh BHYT thông qua ứng dụng công nghệ thông tin được ngành tiếp tục triển khai.
 
Thứ ba, ngành BHXH tiếp tục cải cách thủ tục hành chính hơn nữa, đặc biệt ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động nghiệp vụ. Đặc biệt trọng tâm, đẩy mạnh công tác truyền thông trên tất cả lĩnh vực từ phát triển đối tượng, cho đến vấn đề quản lý, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia.
 
Với nhóm nhiệm vụ trong tâm đặt ra như thế, ngành BHXH tin tưởng sẽ hoàn thành nhiệm vụ mà Chính phủ giao cho.

 

Nguồn: Báo  Lao Động

Lượt xem: 1380

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:86395
Lượt truy cập: 14111683