Dự diễn đàn có các đồng chí: Trần Thị Hương - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; Trịnh Thanh Hằng, Trưởng Ban Nữ công Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Vũ Văn Nghĩa – Tỉnh ủy viên - Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và hơn 200 công nhân, viên chức, lao động.
Tại diễn đàn, đồng chí Trịnh Thanh Hằng, Trưởng Ban Nữ công Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, tình trạng bạo lực, lạm dụng đối với phụ nữ và trẻ em vẫn diễn biến phức tạp, đang là vấn đề đáng báo động tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (năm 2013) cho thấy, có 35% phụ nữ trên toàn thế giới đã từng bị bạo lực về thể chất hoặc tình dục. Tại Việt Nam, số liệu thống kê từ cuộc điều tra quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ (năm 2010) chỉ ra rằng, có 58% phụ nữ cho biết đã từng chịu ít nhất một trong ba hình thức bạo lực thể chất, tinh thần và tình dục trong đời. Điều đáng lo ngại hiện nay là tình trạng xâm hại, bạo lực đối với trẻ em, nhất là trẻ em gái vẫn diễn biến phức tạp. Vì vậy, tiếng nói của nạn nhân bị bạo lực, bị xâm hại sẽ thiếu đi sức mạnh nếu không có sự giúp đỡ, chia sẻ từ người thân, những người xung quanh và cộng đồng xã hội.
Theo đó, tại diễn đàn, cán bộ công đoàn và công nhân lao động được tư vấn về những kinh nghiệm trong giữ gìn hạnh phúc gia đình, bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ; những vấn đề liên quan đến sức khoẻ sinh sản, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới… Qua đó, nhằm trang bị cho công nhân, viên chức, lao động có thêm kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, tự phòng ngừa bạo lực, xâm hại cho bản thân, các thành viên gia đình tuyên truyền đến mọi người cùng chung tay thực hiện, xây dựng một gia đình hạnh phúc, bền vững, hướng đến một xã hội không bạo lực.
Nguồn: Báo Lao Động