Thứ ba, 24/12/2024 06:22 GMT+7

Cây thuốc và vị thuốc cổ truyền dùng phòng và hỗ trợ điều trị SARS-CoV-2

Thứ hai, 04/05/2020 16:22 GMT+7

Để chủ động tăng cường các biện pháp phòng, chống COVID-19, ngày 17.3.2020 Bộ Y tế đã ban hành công văn số 1306/BYT-YDCT hướng dẫn sử dụng thuốc cổ truyền, phương pháp y học cổ truyền trong phòng và hỗ trợ điều trị; huy động mọi nguồn lực, xây dựng và triển khai các kế hoạch hành động quyết liệt nhằm mục tiêu ngăn chặn và đẩy lùi được đại dịch này.

Nhằm góp phần vào việc sử dụng đúng các vị thuốc, cây thuốc và bài thuốc, các cán bộ nghiên cứu của Viện Dược liệu vừa hoàn thành tổng hợp dữ liệu cũng như hình ảnh về “Một số dược liệu, vị thuốc cổ truyền và cây thuốc được sử dụng trong phòng và hỗ trợ điều trị viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2” (theo công văn số 1306/BYT-YHCT ngày 17.3.2020 của Bộ Y tế về việc tăng cường phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 bằng thuốc và các phương pháp y học cổ truyền. Công văn có 8 nội dung, trong đó có yêu cầu kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trong phòng, hỗ trợ điều trị SARS-CoV-2, đánh giá kết quả sử dụng thuốc cổ truyền, y học cổ truyền trong hỗ trợ điều trị người bệnh nhiễm SARS-CoV-2, nếu có) cho những ai quan tâm sử dụng. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
 
71 DƯỢC LIỆU, VỊ THUỐC CỔ TRUYỀN VÀ CÂY THUỐC CÓ THỂ SỬ DỤNG 
 
1.Bạc hà (tên Việt Nam: Bạc Hà); 2.Bạch chỉ; 3.Bạch linh/ Phục linh (Nấm phục linh); 4.Bạch thược (Thược dược); 5.Bạch truật; 6.Bán hạ chế (Bán hạ bắc); 7.Bản lam căn; 8.Bưởi;  9. Cam thảo (Cam thảo, Trướng quả cam thảo, Dương cam thảo); 10.Cát căn (Sắn dây); 11.Cát cánh; 12.Chỉ xác (Cam chua, Cam ngọt); 13. Diếp cá; 14.Đại hoàng (Đại hoàng chân vịt, Đại hoàng; Kê trảo đại hoàng);
 
15.Đại táo; 16.Đại thanh diệp (Bọ mẩy); 17.Đạm đậu xị (Đậu đen); 18.Đạm trúc diệp; 19. Đan bì, Đơn bì (Mẫu đơn); 20.Đan Sâm; 21.Đảng Sâm; 22.Độc hoạt; 23.Đương quy; 24.Hạnh nhân (Mơ); 25.Hoắc hương; 26.Hoài sơn (Củ mài); 27.Hoàng cầm (Hoàng cầm bắc); 28.Hoàng kỳ chích (Hoàng kỳ); 29.Hoàng liên (Hoàng liên Trung Quốc; Hoàng liên chân gà; Hoàng liên);
 
30.Hương nhu (Hương nhu tía; Hương nhu trắng); 31.Huyền sâm; 32.Khương hoạt; 33.Kim ngân hoa (Kim ngân; Kim ngân núi; Kim ngân vòi nhám; Kim ngân lông); 34.Kinh giới tuệ (Kinh giới); 35.Lá lốt; 36.Liên kiều; 37.Long não; 38.Ma hoàng (Thảo mộc hoàng; Mộc tặc ma hoàng; Trung gian ma hoàng); 39.Mạch môn (Mạch môn đông); 40.Màng tang; 41.Mộc hương); 42.Mùi (Rau mùi); 43.Ngũ vị tử (Ngũ vị tử bắc); 44 Ngưu bàng;
 
45.Nhân sâm; 46.Nhục quế (Quế); 47.Phòng phong); 48.Sả chanh; 49.Sa sâm; 50.Sài hồ (Sài hồ bắc); 51.Sinh địa (Địa hoàng; Sinh địa); 52.Sinh khương (Gừng); 53.Sơn thù (Sơn thù du); 54. Thanh cao hoa vàng; 55.Thục địa (Địa hoàng); 56.Tiền hồ (Tiền hồ; Tiền hồ hoa trắng); 57.Tô diệp (Tía tô); 58.Tỏi; 59.Trà xanh;
 
60.Trạch tả; 61.Tràm (Tràm; Tràm gió); 62.Trần bì (Quýt); 63.Tri mẫu; 64.Tỳ bà diệp (Nhót tây; Nhót Nhật Bản); 65.Viễn chí (Viễn chí lá nhỏ; Viễn chí lá trứng); 66. Xuyên bối mẫu; 67.Xuyên khung; 68.Xuyên tâm liên; 69.Thủy ngưu giác - bột sừng trâu nước; 70.Mang tiêu (Natrii Sulfas/ Muối natri sunfat); 71.Sinh thạch cao (Gypsum fibrosum/ Thạch cao sống CaSO4.2H2O).
 
Theo y học cổ truyền, bệnh này thuộc phạm vi “ôn dịch” của học thuyết “ôn bệnh học” và có tên “cảm mạo ôn bệnh”. Bệnh ngoại cảm ôn bệnh là tên gọi chung của những bệnh ngoại cảm với những đặc điểm: Khởi phát với phát sốt, bệnh cảnh thiên về nhiệt, diễn biến theo quy luật, bệnh thường cấp tính, diễn tiến nhanh, bệnh cảnh thường nặng. Bệnh thường lây nhiễm nhanh và khi phát bệnh thành dịch thì được gọi là “ôn dịch”.
 
Nguyên nhân gây bệnh do mùa đông cảm nhiễm phong hàn chưa đủ sức gây bệnh thành phục tà (đông vu thương hàn xuân tất bệnh ôn) khi đến mùa xuân gặp các yếu tố thuận lợi phát thành dịch lệ. Tà khí theo đường phế vệ hoặc vào miệng, hầu họng vào phế. Tùy theo chính khí của mỗi người hoặc phối hợp thêm các nguyên nhân như: Nhiệt, thấp, đàm... mà thời gian phát bệnh, nhiều thể bệnh và mức độ bệnh lý nặng nhẹ khác nhau trên lâm sàng.
 
ĐIỀU TRỊ
 
Tùy tình trạng bệnh lý và diễn biến bệnh theo y học cổ truyền chia thành 3 giai đoạn. Mỗi giai đoạn bệnh y học cổ truyền có pháp điều trị khác nhau và áp dụng tại các bệnh viện có đủ điều kiện về nhân lực, trang thiết bị và cơ sở vật chất.
 
1. Giai đoạn khởi phát: Đây là bệnh ở thời kỳ đầu phong hàn xâm phạm vào bì mao và phế vệ. Triệu chứng: Phát sốt, sợ gió lạnh, hắt hơi, ngạt mũi, khát không nhiều, ho ít đàm, hoặc đàm khó khạc, mạch phù sác. Phương pháp điều trị: Sơ phong thanh nhiệt, tuyên phế chỉ khái. Thuốc uống: Dùng một trong các bài thuốc sau: A. Ngân kiều tán (Ôn bệnh điều kiện). B. Ngân kiều tán gia giảm. C. Sâm tô tán (Hòa tễ cục phương). D. Nhân sâm bại độc tán (Tiểu nhi dược chứng trực quyết). E. Hạnh tô tán (Ôn bệnh điều biện). 
 
2. Giai đoạn toàn phát: Giai đoạn này bệnh có thể biểu hiện bệnh ở khí phận hay dinh phận. Nhiệt tà nhập vào những vị trí khác nhau nên xuất hiện các triệu chứng lâm sàng khác nhau.
 
A. Bệnh biểu hiện ở phần khí. Bệnh có thể biểu hiện nhiệt chủ yếu ở phế, có thể kết hợp ở vị và đại trường. Triệu chứng: Sốt, phiền khát, phiền táo, bất an, ho đờm đặc vàng, khó khạc. Khí suyễn, có thể ho ra máu, tiểu đỏ, lưỡi đỏ, rêu vàng khô hoặc nhớt, mạch hoạt sác. Pháp điều trị: Tuyên phế, thanh nhiệt, định suyễn. Dùng thuốc: Bài thuốc Ma hạnh thạch cam thang (Thương hàn luận). Trường hợp người bệnh biểu hiện trường táo tiện bế táo bón gia thêm các vị nhuận táo thông tiện hoặc kết hợp bài Điều vị thừa khí thang (Thương hàn luận). Trường hợp người bệnh có các triệu chứng tả lỵ nhiều lần, hậu môn nóng rát, mạch sác, miệng khát, rêu vàng khô, dùng kết hợp bài Cát căn cầm liên thang. 
 
B. Bệnh biểu hiện ở phần dinh. Nếu bệnh nặng nhiệt thương dinh âm (âm hư nội nhiệt) có biểu hiện: Sốt cao li bì, tâm phiền khó ngủ hoặc nói lảm nhảm, miệng khô, khó thở lưỡi đỏ tươi, mạch trầm tế hoạt, tế sác hoặc phù đại. Pháp điều trị: Thanh dinh thấu nhiệt. Dùng thuốc: Bài thuốc Thanh dinh thang. Trường hợp bệnh nặng nguy kịch: Người bệnh thở khó, cử động thở nhanh hay phải có hỗ trợ thông khí, bán hôn mê, phiền táo, ra mồ hôi chi lạnh, chất lưỡi ám tối, rêu dày dơ hay táo, mạch phù đại vô căn. Chuyển người bệnh đến bệnh viện y học hiện đại hoặc các cơ sở điều trị bệnh truyền nhiễm theo quy định.
 
3. Giai đoạn hồi phục: Sau giai đoạn toàn phát có thể có biểu hiện các triệu chứng khác nhau và có pháp điều trị khác nhau. Trường hợp biểu hiện các triệu chứng của phế tỳ khí hư: Khí đoản, mệt mỏi, ăn kém, buồn nôn, bụng đầy, đại tiện vô lực, đại tiện lỏng, lưỡi nhạt bệu, rêu trắng dơ. Pháp điều trị: Kiện tỳ ích khí. Dùng thuốc: Bài thuốc Bảo nguyên thang. Trường hợp người bệnh có biểu hiện của Khí âm lưỡng hư: Khí đoản, mệt mỏi, ăn kém, miệng khô khát, bồn chồn, ra mồ hôi, ho khan có ít đờm, lưỡi khô ít tân dịch, mạch tế hoặc vô lực... Pháp điều trị: Bổ khí dưỡng phế. Dùng thuốc: Dùng một trong các bài thuốc sau: a. Thập toàn đại bổ (Hòa tễ cục phương). b. Sinh mạch tán. c. Nhân sâm dưỡng vinh thang. Trường hợp bệnh lâu có âm hư kèm tâm quý, huyết áp thấp, dùng một trong các bài thuốc sau: a: Lục vị địa hoàng hoàn hợp Sinh mạch ẩm. b: Dưỡng âm thanh phế thang.
 
(Bạn đọc thực sự quan tâm đến các bài thuốc này xin liên hệ Khoa Tài nguyên Dược liệu, Viện Dược liệu để biết thêm chi tiết).
 
4. Giai đoạn tái nhiễm: Điều trị như nhiễm bệnh, tùy tình trạng bệnh lý của người bệnh theo y học cổ truyền mà người thầy thuốc có pháp điều trị, thuốc cổ truyền và phương pháp điều trị cho phù hợp. 
 
PHÒNG BỆNH
 
Sử dụng các phương pháp y học cổ truyền để hạn chế lây nhiễm và phòng ngừa bệnh.
 
1. Các phương pháp xông phòng ở, phòng làm việc. Phương pháp 1: Sử dụng dược liệu chứa tinh dầu: Sả chanh, bạc hà, quế, mùi, bưởi, tràm gió, màng tang, long não, kinh giới, tía tô... Liều dùng, cách dùng: Có thể dùng một loại dược liệu hoặc phối hợp nhiều loại dược liệu, mỗi loại từ 200-400g tùy theo diện tích phòng, cho dược liệu vào nồi, đổ nước ngập dược liệu, đậy nắp nồi, đun sôi lăn tăn, mở nắp để hơi nước bão hòa tinh dầu khuếch tán ra không gian phòng, tiếp tục đun sôi nhỏ thêm 30 phút, đóng cửa phòng khoảng 20 phút. Ngày làm 2 lần, sáng và chiều. Phương pháp 2 sử dụng tinh dầu: Sả chanh, bạc hà, hương nhu, bưởi, tràm, quế, long não được cơ quan có thẩm quyền cấp phép lưu hành. Liều dùng, cách dùng: Tùy theo diện tích phòng (10-40m2), lấy lượng tinh dầu phù hợp (2-4 ml), hòa tan tinh dầu trong ethanol 75%, lắc đều, cho vào bình xịt phun sương, xịt quanh phòng, hoặc xịt vào chỗ cần sát khuẩn, đóng cửa phòng khoảng 20 phút, ngày xịt 2 - 3 lần. Lưu ý: Không xông có tinh dầu trong phòng ngủ có trẻ em dưới 30 tháng tuổi, trẻ em có tiền sử co giật do sốt cao, động kinh, người có dị ứng với tinh dầu.
 
2. Các biện pháp vệ sinh cá nhân. Thuốc dùng ngoài: 1. Dung dịch nhỏ mũi: Dung dịch tỏi 10% đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định. Tác dụng: Sát khuẩn. Liều lượng, cách sử dụng: Nhỏ mũi mỗi ngày 3 đến 5 lần, mỗi lần 1 giọt. 2. Nước súc miệng: Thành phần: Tinh dầu quế, bạc hà, NaCl... Tác dụng: Sát khuẩn miệng, họng. Liều dùng, cách sử dụng: Súc họng ngày 2 đến 4 lần. 3. Thuốc xông: Thành phần: Kinh giới, lá lốt, bạc hà, trần bì, bạch chỉ, kim ngân hoa... Lưu ý: Không nên để mặt quá gần bát nước xông tránh bỏng.
 
Thuốc dùng trong: 1. Bài thuốc: Ngọc bình phong tán. Thành phần: Sinh Hoàng kỳ, bạch truật, phòng phong.
 
2. Nước ép tỏi. Thành phần: Củ tỏi và nước đun sôi để nguội. Liều lượng, cách sử dụng: Lượng tỏi vừa đủ. Xay hoặc nghiền tỏi lọc lấy nước, hòa cùng nước ấm theo tỉ lệ 1:10. Chia uống nhiều lần trong ngày.
 
3. Một số loại trà thảo dược. Trà lá diếp cá: Lá diếp cá 5g (tươi 10g); trà xanh 3g (tươi 6g), liên kiều 3g; hậu phác 3g. Các vị thuốc trên cho vào ấm hoặc dụng cụ phù hợp, cho 200ml nước sôi để nguội dần còn khoảng 70-800 hãm khoảng 5-10 phút, uống trong ngày. Trà Kinh giới, trà xanh: Kinh giới (lá khô) 10g, trà xanh 3g (tươi 6g).
 
Các vị thuốc trên cho vào ấm hoặc dụng cụ phù hợp, cho 200ml nước sôi để nguội dần còn khoảng 70-80ml pha hãm khoảng 5-10 phút, uống trong ngày. Trà Kinh giới, bạc hà: Kinh giới 5g, lá bạc hà 3g, trà xanh 3g. Các vị thuốc trên cho vào ấm hoặc dụng cụ phù hợp cùng 200ml nước sôi để nguội dần còn khoảng 70-800 hãm khoảng 5-10 phút, uống trong ngày. Trà Kinh giới, quế chi: Lá kinh giới 5g, quế chi 3g, trà xanh 3g.
 
Các vị thuốc trên vào ấm hoặc dụng cụ phù hợp, cho 200ml nước sôi để nguội dần khoảng 70-80ml hãm khoảng 5-10 phút, uống trong ngày. Sử dụng dược liệu tươi pha chế làm trà: Lá trà tươi 10g, sinh khương bỏ vỏ 10 lát; sắc hoặc hãm uống thay trà trong ngày. Hoắc hương tươi 10g, lá tía tô tươi 10g, lá bạc hà tươi 10g; rửa sạch, sắc hoặc hãm uống thay trà. Cam thảo 3g, phòng phong 6 gam, hai thứ nghiền nhỏ hãm với nước sôi uống thay trà trong ngày. Hoắc hương 8g, tử tô 8g, kinh giới 8g, bạc hà 8g, lá trà 5g, sắc hoặc hãm với nước sôi uống thay trà. 
 
(Theo báo Lao động)
 

 

 

Lượt xem: 1664

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:12648
Lượt truy cập: 13979444