Về các chỉ tiêu trong dự thảo Nghị quyết, bà Trương Thị Bích Hạnh - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương - cho rằng cần có sự điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là giai đoạn mới. Cụ thể, Nghị quyết có đặt ra chỉ tiêu 60% số CĐCS (đủ điều kiện) thành lập, kiện toàn ban nữ công quần chúng theo quy định của Điều lệ CĐVN, theo bà Hạnh, hiện nay, một số tỉnh, thành, cụ thể như ở Bình Dương, chỉ tiêu này đã đạt và vượt, trong khi Nghị quyết này đặt ra cho nhiệm kỳ tới thì cần nâng lên để các địa phương phấn đấu. Về chỉ tiêu này, bà Lê Thị Thu Cúc - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Long An - cho rằng cần linh động, tùy thuộc vào tình hình địa phương mà có chỉ tiêu phù hợp.
Về chỉ tiêu “Vận động 30% số nữ đoàn viên trở lên đăng ký tham gia phong trào thi đua và đạt danh hiệu thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, theo các đại biểu thì cần tách bạch giữa đăng ký và đạt. Bởi nếu gộp chung, không khéo cơ sở sẽ cố ép cho đủ, không thực chất. Bên cạnh đó, về thành lập Ban Nữ công quần chúng ở các CĐ cơ sở, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy - Phó Chủ tịch CĐ các KCN Long An - cho biết, cần có con số cụ thể, mà ở đây nên quy định rằng: 100% DN có 30 lao động nữ trở lên phải thành lập ban nữ công, dưới 30 lao động nữ có cán bộ phụ trách nữ công. Trong Nghị quyết không nên ghi cụ thể các chương trình hoạt động của công tác nữ mà chỉ cần có chủ trương để cơ sở có những cách làm sáng tạo, phù hợp với cơ sở của mình.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Hạnh, thực tế cho thấy, nếu cán bộ CĐ phụ trách công tác nữ công có vị trí càng cao trong BCH CĐ thì hoạt động sẽ càng hiệu quả. Hoạt động nữ công có mạnh hay không, còn phụ thuộc rất nhiều vào người đứng đầu tổ chức đó. “Về chương trình hoạt động của công tác nữ công ở cơ sở, nên để cho BCH CĐ, Chủ tịch CĐ quyết định, trưởng ban nữ công, hoặc người phụ trách công tác nữ công đề xuất tham mưu, có như vậy, công tác nữ công ở cơ sở mới được quan tâm” - bà Hạnh nói.
Các đại biểu cũng đề xuất, Nghị quyết nên thay cụm từ “Ban Nữ công quần chúng” thành “Ban Nữ công cơ sở” vừa dễ gọi, dễ phân biệt với các cấp và đồng nhất với các ban, tên gọi khác.
Cần mở rộng các chương trình hướng về lao động nữ
Hiện nay, bên cạnh một số chính sách ưu tiên cho lao động nữ đã và đang được các DN thực hiện như cabin vắt sữa, đưa quy định có lợi hơn cho lao động nữ vào thỏa ước lao động tập thể như tái ký HĐLĐ đối với lao động nữ thai sản dù hết hợp đồng…; lao động nữ hiện nay vẫn còn nhiều thiệt thòi, công tác nữ công ở các đơn vị vẫn chưa được chú trọng, quan tâm.
Bà Nguyễn Thị Hoài Nhiên - Trưởng ban Nữ công CĐ KCN Bến Cát (Bình Dương) - chia sẻ thực tế, từ trước đến nay, CĐ KCN chưa có một cuộc kiểm tra, giám sát độc lập nào về chính sách cho lao động nữ. Còn khi kiểm tra, chính sách chung thì ban nữ công cũng không được tham gia.
Ông Nguyễn Thái Thành - Phó Chủ tịch CĐ KCN-KCX TPHCM - nêu lên một thực trạng về đời sống sức khỏe sinh sản, tâm sinh lý của nữ CN rất thiệt thòi. “Nữ CN không có thời gian để dạy con cái, họ bị tước mất cái thiên chức làm mẹ. Bên cạnh đó, nữ CN bị lợi dụng tình cảm, tình dục đang ngày càng phổ biến, điều này ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản, tâm sinh lý của họ sau này, tôi cho rằng, đó là một lĩnh vực mà công tác nữ cần hướng đến”.
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hồng đánh giá cao và ghi nhận các ý kiến đóng góp của đại diện các LĐLĐ, trên cơ sở đó sẽ điều chỉnh các chỉ tiêu, sắp xếp lại các nội dung sao cho gọn gàng, sát với thực tế để trình Đoàn Chủ tịch sẽ xem xét, quyết định.