Thứ hai, 25/11/2024 09:11 GMT+7
Thứ năm, 25/06/2015 16:31 GMT+7

Áp dụng Nghị định 80/2013/NĐ-CP của Chính phủ để xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng đóng gói sẵn

                                                 (Tài liệu phục vụ thanh tra chuyên đề 2015)                                                       

                                                           

     Phạm Văn Toàn - Phó Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ

Hàng đóng gói sẵn là hàng hóa được định lượng theo đơn vị đo khối lượng, thể tích, diện tích, chiều dài hoặc số đếm, được đóng gói và ghi định lượng trên nhãn hàng hóa mà không có sự chứng kiến của bên mua. Loại hàng hóa này luôn gắn liền với văn minh thương mại, giúp người kinh doanh, người tiêu dùng đáp ứng, thỏa mãn các yêu cầu về chất lượng, thẩm mỹ và sự tiện dụng.

 

Hiện nay ở Việt Nam, với chính sách đổi mới, mở của thị trường đã thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động sản xuất, kinh doang hàng hóa. Văn minh thương mại đang được đề cao và quan tâm đúng mức nhằm đáp ứng tiến trình phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Một trong những yếu tố ảnh hưởng đến văn minh thương mại là kinh doanh hàng đóng gói sẵn theo định lượng thể tích hoặc khối lượng. Đây là hàng hoá được thực hiện phép đo định lượng, đóng gói và thể hiện thông tin không có sự chứng kiến của khách hàng. Người mua và người bán dựa vào thông tin về hàng hoá ghi trên bao bì để thanh toán với nhau. Các thông tin trên hàng hoá do người sản xuất thực hiện trước đó. 

 

Việc sản xuất, kinh doanh hàng hoá đóng gói sẵn theo khối lượng hoặc thể tích đã trở thành phổ biến, chính vì vậy mà người sản xuất, kinh doanh không chân chính đã lợi dụng vào đặc tính của nó (không có sự chứng kiến của người mua) để thực hiện các hành vi vi phạm như: hàng hóa không đủ định lượng, thông tin về tiêu chuẩn, chất lượng không đúng quy định, vi phạm về ghi nhãn…mà người tiêu dùng khó có thể phát hiện được, làm thiệt hại đáng kể đến quyền và lợi ích của người tiêu dùng.

 

Để quản lý nhà nước đối với hàng đóng gói sẵn, ngày 15/7/2014 Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư số 21/2014/TT-BKHCN quy định về đo lường đối với lượng của hàng đóng gói sẵn.Thông tư này quy định về đo lường đối với lượng của hàng đóng gói sẵn bao gồm: yêu cầu kỹ thuật đo lường đối với lượng của hàng đóng gói sẵn; danh mục hàng đóng gói sẵn nhóm 2; dấu định lượng; công bố sử dụng dấu định lượng trên nhãn hàng đóng gói sẵn nhóm 1; chứng nhận đủ điều kiện sử dụng dấu định lượng trên nhãn hàng đóng gói sẵn nhóm 2.

 

I. TỔNG HỢP CÁC HÀNH VI VI PHẠM TRONG LĨNH VỰC HÀNG ĐÓNG GÓI SẴN

 

Ngày 19 tháng 7 năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa (sau đây gọi tắt là Nghị định 80/2013/NĐ-CP). Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa nói chung và kinh doanh hàng đóng gói sẵn nói riêng. Các hành vi để xử lý liên quan đến hàng đóng gói sẵn bao gồm:

 

1. VI PHẠM VỀ ĐO LƯỜNG

 

 1.1. Vi phạm đối với lượng của hàng đóng gói sẵn trong sản xuất hoặc nhập khẩu (ĐIỀU 15)

 

- Các hành vi chung:

 

a) Không ghi lượng của hàng đóng gói sẵn trên nhãn hàng hóa hoặc ghi không đúng quy định; không ghi, khắc đơn vị đo theo đơn vị đo pháp định;

 

b) Lượng của hàng đóng gói sẵn không phù hợp với thông tin ghi trên nhãn hàng hóa, tài liệu đi kèm, hoặc không phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường do tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu công bố;

 

c) Không có giấy chứng nhận đủ điều kiện sử dụng dấu định lượng trên nhãn hàng đóng gói sẵn nhóm 2 hoặc giấy chứng nhận đã hết hiệu lực;

 

d) Không thể hiện dấu định lượng trên nhãn hàng đóng gói sẵn nhóm 2 theo quy định.

 

- Xử lý hành vi vi phạm về lượng: Hành vi sản xuất hoặc nhập khẩu hàng đóng gói sẵn mà lượng của hàng đóng gói sẵn đó có giá trị trung bình nhỏ hơn giá trị trung bình cho phép theo yêu cầu kỹ thuật đo lường do tổ chức, cá nhân công bố hoặc cơ quan có thẩm quyền quy định để thu lợi bất hợp pháp:

 

1.2. Vi phạm về đo lường đối với lượng của hàng đóng gói sẵn trong buôn bán (Điều 16)

 

- Các hành vi chung:

 

a) Buôn bán hàng đóng gói sẵn không ghi lượng trên nhãn hàng hóa hoặc ghi không đúng quy định; ghi, khắc đơn vị đo không đúng đơn vị đo lường pháp định;

 

b) Buôn bán hàng đóng gói sẵn có lượng không phù hợp với thông tin ghi trên nhãn hàng hóa, tài liệu đi kèm, hoặc không phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường do tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu công bố;

 

c) Buôn bán hàng đóng gói sẵn nhóm 2 không thể hiện dấu định lượng trên nhãn theo quy định.

 

- Hành vi vi phạm về lượng: Hành vi buôn bán hàng đóng gói sẵn mà lượng của hàng đóng gói sẵn đó có giá trị trung bình nhỏ hơn giá trị trung bình cho phép theo yêu cầu kỹ thuật đo lường do tổ chức, cá nhân công bố hoặc do cơ quan có thẩm quyền quy định để thu lợi bất hợp pháp. 

 

2. VI PHẠM QUY ĐỊNH TIÊU CHUẨN ÁP DỤNG

 

2.1. Vi phạm quy định về công bố tiêu chuẩn áp dụng (Điều 17)

 

- Các hành vi vi phạm:

 

a) Hành vi không công bố tiêu chuẩn áp dụng theo quy định trong sản xuất hoặc nhập khẩu.

 

b) Sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng;

 

c) Nội dung của tiêu chuẩn công bố áp dụng không phù hợp với quy định của quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

 

2.2. Vi phạm quy định về hợp chuẩn (Điều 18)

 

- Hành vi vi phạm quy định về công bố hợp chuẩn, dấu hợp chuẩn hoặc sản phẩm, hàng hóa có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn được công bố trong bán buôn, bán lẻ (mức phạt theo giá trị lô hàng)

 

- Hành vi vi phạm trong sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa vi phạm về công bố hợp chuẩn:

 

a) Không thực hiện đúng quy định về trình tự, thủ tục công bố hợp chuẩn;

 

b) Không lưu giữ hồ sơ công bố hợp chuẩn đúng quy định;

 

c) Sử dụng dấu hợp chuẩn không đúng quy định;

 

d) Thực hiện công bố hợp chuẩn mà không đăng ký hồ sơ công bố hợp chuẩn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi tổ chức, cá nhân đó đăng ký kinh doanh;

 

đ) Không thực hiện lại việc công bố hợp chuẩn khi có bất cứ sự thay đổi nào về nội dung hồ sơ công bố hợp chuẩn đã đăng ký hoặc có bất kỳ sự thay đổi nào về tính năng, công dụng, đặc điểm của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã công bố hợp chuẩn;

 

- Hành vi sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa có chất lượng không phù hợp với hồ sơ công bố hợp chuẩn.  

 

- Các hành vi khác bị xử phạt:

 

a) Không duy trì việc kiểm soát chất lượng, thử nghiệm và giám sát định kỳ theo quy định;

 

b) Không tạm ngừng việc xuất xưởng và tiến hành thu hồi các sản phẩm, hàng hóa không phù hợp đang lưu thông trên thị trường trong trường hợp sản phẩm, hàng hóa không phù hợp có rủi ro cao gây mất an toàn cho người sử dụng; không ngừng vận hành, khai thác các quá trình, dịch vụ, môi trường liên quan khi cần thiết;

 

c) Không tiến hành các biện pháp khắc phục khi phát hiện sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không phù hợp công bố hợp chuẩn;

 

d) Không thông báo bằng văn bản cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về kết quả khắc phục sự không phù hợp trước khi tiếp tục đưa các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ vào sử dụng, lưu thông, khai thác, kinh doanh.

 

3. VI PHẠM VỀ HỢP QUY

 

3.1. Hành vi vi phạm quy định về công bố hợp quy, dấu hợp quy trong buôn bán sản phẩm, hàng hóa phải thực hiện công bố hợp quy (phạt theo giá trị lô hàng vi phạm).

 

3.2. Hành vi vi phạm quy định về công bố hợp quy, dấu hợp quy trong sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa phải chứng nhận hợp quy hoặc sản phẩm, hàng hóa không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.  

 

3.3. Phạt tiền đối với một trong các hành vi sau đây trong sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa là đối tượng phải công bố hợp quy theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật tương ứng:

 

a) Không lập và lưu giữ hồ sơ công bố hợp quy theo quy định;

 

b) Không thông báo bằng văn bản và gửi cho cơ quan có thẩm quyền các tài liệu liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo quy định;

 

c) Không thông báo trên các phương tiện thông tin về công bố hợp quy sản phẩm, hàng hóa để người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận;

 

d) Không cung cấp bản sao giấy chứng nhận hợp quy, thông báo tiếp nhận bản công bố hợp quy theo quy định cho tổ chức, cá nhân bán sản phẩm, hàng hóa.

 

3.4. Phạt tiền đối với một trong các hành vi sau đây trong sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa là đối tượng phải công bố hợp quy theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật tương ứng:

 

a) Không thực hiện công bố hợp quy;

 

b) Không đăng ký hồ sơ công bố hợp quy tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi tổ chức, cá nhân đó đăng ký kinh doanh;

 

c) Không duy trì việc kiểm soát chất lượng, thử nghiệm và giám sát định kỳ theo quy định;

 

d) Không sử dụng dấu hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa đã được công bố hợp quy theo quy định khi đưa ra lưu thông trên thị trường;

 

đ) Không tự thực hiện các biện pháp ngăn chặn kịp thời khi phát hiện hàng hóa của mình đang lưu thông hoặc đã đưa vào sử dụng có chất lượng không phù hợp công bố hợp quy hoặc quy chuẩn kỹ thuật tương ứng;

 

e) Không thực hiện lại việc công bố khi có sự thay đổi về nội dung của hồ sơ công bố hợp quy đã đăng ký hoặc có sự thay đổi về tính năng, công dụng, đặc điểm của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã công bố hợp quy;

 

f) Sử dụng hóa chất, chất phụ gia chưa đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền theo quy định khi sản xuất sản phẩm, hàng hóa.

 

3.5. Hành vi không thực hiện chứng nhận hợp quy trong sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa là đối tượng phải chứng nhận hợp quy hoặc sử dụng giấy chứng nhận hợp quy, dấu hợp quy đã hết hiệu lực.

 

4. Vi phạm về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường

 

4.1. Các quy định dẫn chiếu

 

- Áp dụng quy định tại Khoản 1 Điều 18 Nghị định 80 để xử phạt các hành vi vi phạm về hợp chuẩn trong hoạt động bán buôn, bán lẻ hàng hóa lưu thông trên thị trường.

 

- Áp dụng quy định tại Khoản 1 Điều 19 Nghị định 80 để xử phạt các hành vi vi phạm về hợp quy trong hoạt động bán buôn, bán lẻ hàng hóa lưu thông trên thị trường.

 

- Áp dụng các quy định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hoạt động thương mại để xử phạt các hành vi về sản xuất, kinh doanh hàng giả.

 

- Áp dụng quy định tại Khoản 5 Điều 26 Nghị định 80 để xử phạt hành vi gian lận về thời hạn sử dụng của hàng hóa trên nhãn hàng hóa.

 

4.2. Hành vi bán hàng hóa nhưng không công bố tiêu chuẩn áp dụng theo quy định.

 

4.3. Hành vi bán sản phẩm, hàng hóa có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng.

 

4.4. Hành vi thay thế, đánh tráo, thêm, bớt thành phần hoặc chất phụ gia, pha trộn tạp chất làm giảm chất lượng sản phẩm, hàng hóa so với tiêu chuẩn công bố áp dụng.

 

4.5. Các hành vi khác:

 

a) Bán sản phẩm, hàng hóa có chất lượng không phù hợp với quy định của quy chuẩn kỹ thuật tương ứng;

 

b) Thay thế, đánh tráo, thêm, bớt thành phần hoặc chất phụ gia, pha trộn tạp chất làm giảm chất lượng sản phẩm, hàng hóa so với quy định của quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

 

5. VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ NHÃN HÀNG HÓA

 

5.1. Vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa trong kinh doanh sản phẩm, hàng hóa (Điều 25)

 

Các hành vi vi phạm về nhãn hàng hóa

 

a) Hàng hóa có nhãn nhưng bị che lấp, rách nát, mờ không đọc được hoặc không đọc được hết các nội dung trên nhãn hàng hóa;

 

b) Hàng hóa theo quy định phải có nhãn nhưng không ghi nhãn hàng hóa;

 

c) Hàng hóa có nhãn ghi không đúng quy định về kích thước chữ tiếng Việt và tiếng nước ngoài, ngôn ngữ sử dụng và đơn vị đo;

 

d) Hàng hóa có nhãn bị tẩy xóa, sửa chữa nhãn gốc hoặc nhãn phụ làm sai lệch thông tin về hàng hóa.

 

5.2. Vi phạm quy định về nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa (Điều 26)

 

- Các hành vi vi phạm:

 

a) Hàng hóa có nhãn (kể cả tem hoặc nhãn phụ) hoặc tài liệu kèm theo không ghi đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa;

 

b) Hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam.

 

- Hành vi kinh doanh hàng hóa trên nhãn có hình ảnh, hình vẽ, chữ viết, dấu hiệu, biểu tượng, huy chương, giải thưởng và các thông tin khác không đúng bản chất, không đúng sự thật về hàng hóa đó; kinh doanh hàng hóa có nhãn, kể cả nhãn gốc hoặc nhãn phụ đối với hàng hóa nhập khẩu bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch thông tin về hàng hóa:

 

- Hành vi kinh doanh hàng hóa nhập khẩu theo quy định phải có nhãn hàng hóa mà không có nhãn hàng hóa; không có nhãn gốc hoặc có nhãn gốc nhưng bị thay đổi.

 

- Các hành vi bị áp dụng mức phạt gấp hai lần giá trị hàng hóa vi phạm: 

 

a) Kinh doanh hàng hóa gắn nhãn hàng hóa giả;

 

b) Gian lận về thời hạn sử dụng của hàng hóa trên nhãn hàng hóa;

 

c) Vi phạm về nhãn hàng hóa đối với hàng lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thức ăn chăn nuôi, đồ chơi trẻ em.

 

Lưu ý: 

 

Áp dụng các quy định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hoạt động thương mại để xử phạt các hành vi về sản xuất, kinh doanh hàng giả.

 

Áp dụng quy định tại Khoản 5 Điều 26 Nghị định 80 để xử phạt hành vi gian lận về thời hạn sử dụng của hàng hóa trên nhãn hàng hóa.

 

6. VI PHẠM VỀ SỬ DỤNG MÃ SỐ MÃ VẠCH

 

6.1. Vi phạm quy định về sử dụng mã số mã vạch (Điều 27)

 

- Các hành vi bị xử phạt

 

a) Không thông báo bằng văn bản cho cơ quan có thẩm quyền khi có sự thay đổi về tên gọi, địa chỉ giao dịch trên giấy phép kinh doanh hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch bị mất hoặc hỏng;

 

b) Không xuất trình được văn bản hợp pháp chứng minh về quyền sử dụng mã số mã vạch khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu;

 

c) Không gửi danh mục các mã số thương phẩm toàn cầu (GTIN) và mã số địa điểm toàn cầu (GLN) được sử dụng cho cơ quan có thẩm quyền;

 

d) Không thông báo bằng văn bản, kèm tài liệu chứng minh việc được sử dụng mã số nước ngoài với cơ quan có thẩm quyền khi sử dụng mã số nước ngoài cho sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.

 

đ) Sử dụng mã số mã vạch có đầu mã Quốc gia Việt Nam (893) mà chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch;

 

e) Sử dụng trái phép mã số mã vạch của doanh nghiệp khác đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch;

 

f) Sử dụng các dấu hiệu gây nhầm lẫn với mã số mã vạch;

 

g) Không thực hiện đóng phí duy trì sử dụng mã số mã vạch hàng năm.

 

- Hành vi sử dụng mã số mã vạch nước ngoài để in trên sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam mà chưa được cơ quan nước ngoài có thẩm quyền hoặc không được tổ chức sở hữu mã số mã vạch đó cho phép bằng văn bản.

 

6.2. Vi phạm về sử dụng giấy chứng nhận, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch (Điều 28).

 

- Hành vi giả mạo giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch;

 

- Hành vi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch không đúng thẩm quyền.

 

Chú ý: Quy định này để áp dụng đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, Tổ chức cấp Giấy chứng nhận MSMV.

 

 II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ KHÁC CẦN LƯU Ý

 

- Khái niệm về tổ chức, cá nhân trong vi phạm hành chính: Xem quy định tại Khoản 10 Điều 2; Khoản 1 Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính).

 

- Cách xác định số tiền thu lợi bất hợp pháp có được quy định tại Điều 14, 15, 16 Nghị định 80/2013/NĐ-CP. (Tham khảo cách tính theo quy định tại Chương III, Nghị định 86/2012/NĐ-CP, số tiền thu lợi bất hợp pháp ghi trong quyết định xử phạt và nộp vào ngân sách nhà nước theo Điều 10 NĐ 81/2013/NĐ-CP).

 

- Nguyên tắc áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: Luôn đi kèm với hình thức xử phạt chính, có ghi trong điều luật của hành vi.

 

- Hướng dẫn các trình tự, thủ tục tịch thu tang vật, đình chỉ hoạt động, tước quyền sử dụng giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ hành nghề (xem Điều 80, 81 Luật xử lý vi phạm hành chính).

 

- Kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng phạt theo quy định tại Điều 21 Nghị định 185/2013/NĐ-CP.

 

- Chủ thể thực hiện hành vi và hành vi bị xử lý vi phạm hành chính quy định tại Điều 25, 26  là tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển. Chú ý khái niệm “kinh doanh” cần được hiểu theo quy định tại Điều 4 Luật Doanh nghiệp.

 

- Khái niệm “hàng hóa gắn nhãn hàng hóa giả” quy định tại điểm a, khoản 5 Điều 26 (xem hướng dẫn tại Thông tư 37/2014/TT-BKHCN).

 

Là hàng hóa có nhãn hàng hóa giả mạo tên thương nhân, địa chỉ của thương nhân khác; giả mạo tên thương mại hoặc tên thương phẩm hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã vạch hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của thương nhân khác.

 

- Vấn đề sử dụng con dấu của Trưởng đoàn thanh tra? (K2 Điều 17 NĐ 07/2012/NĐ-CP: “Trưởng đoàn thanh tra thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 53 của Luật Thanh tra; chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước người ra quyết định thanh tra về việc thực hiện nhiệm vụ thanh tra.

 

Trưởng đoàn thanh tra được sử dụng dấu của cơ quan chủ trì tiến hành thanh tra khi ban hành văn bản để áp dụng các biện pháp thực hiện nhiệm vụ thanh tra”.

 

Lượt xem: 23668

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:12992
Lượt truy cập: 46333086