Các bộ: Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Văn Hoá – Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thế thao và Du lịch), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Thương Mại (nay là Bộ Công Thương), Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) đã chủ động phối hợp ký kết Chương trình hợp tác phòng chống xâm phạm quyền SHTT giai đoạn 2006 – 2010 (Chương trình Hành động số 168/CTHĐ-VHTT-KH&CN-NN&PTNT-TC-TM-CA ngày 19/01/2006 - gọi tắt là Chương trình Hành động 168), đồng thời hướng dẫn Uỷ ban nhân dân các tỉnh/thành phố cùng triển khai thực hiện ở địa phương.
Năm 2008, là năm thứ 3 thực hiện Chương trình Hành động 168 và thi hành Luật SHTT, các Bộ tham gia Chương trình đã không ngừng nỗ lực triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Bộ trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường công tác đào tạo về SHTT, đẩy mạnh hoạt động thực thi quyền SHTT và thực hiện các nội dung cam kết khác của Chương trình Hành động.
Trên cơ sở báo cáo của các Bộ, các địa phương và thực hiện trách nhiệm đầu mối tổng hợp chung về hoạt động bảo vệ quyền SHTT trong cả nước để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&CN xin tổng hợp kết quả thực hiện và báo cáo Thủ tướng Chính phủ như sau [1]:
A. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG 168 NĂM 2008
I. Công tác tuyên truyền, phổ cập, hướng dẫn xã hội tôn trọng, tự giác chấp hành các quy định pháp luật về quyền sở hữu công nghiệp, quyền tác giả và quyền liên quan, quyền đối với giống cây trồng
Xuất phát từ yêu cầu tăng cường các biện pháp đồng bộ để bảo vệ quyền SHTT, nội dung Chương trình 168 đã chú trọng đến công tác nâng cao nhận thức của công chúng đối với lĩnh vực này, các Bộ, ngành địa phương đã có nhiều biện pháp đẩy mạnh các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức trong lĩnh vực này.
1. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tổ chức 20 chương trình hội thảo, tuyên truyền về quyền tác giả, quyền liên quan tại nhiều địa phương trong cả nước với trên 1.000 người tham dự, cụ thể: Hội thảo về chính sách hỗ trợ mua bản quyền theo quy định của Luật SHTT; phối hợp với Tổ chức SHTT thế giới tổ chức hội thảo quốc tế về “các công ước và hiệp ước quốc tế về quyền tác giả và quyền liên quan”; thiết lập trang Web “Quyền tác giả Việt Nam” và phát hành cuốn sách “Niên giám Quyền tác giả, quyền liên quan năm 2007” nhằm công khai thông tin về công tác đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam.
2. Bộ KH&CN tổ chức 49 buổi Hội thảo, tập huấn những vấn đề liên quan đến sở hữu công nghiệp và nhiều buổi báo cáo chuyên đề tại 5 trường Đại học với 1.250 lượt đại biểu tham dự; hướng dẫn Sở KH&CN các tỉnh triển khai tổ chức các hoạt động nhân ngày SHTT thế giới ở địa phương; thực hiện đợt tuyên truyền trên báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng về SHTT.
Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với thường xuyên với các cơ quan phương tiện thông tin đại chúng tổ chức thường xuyên các chương trình tuyên truyền về SHTT trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Chương trình chắp cánh thương hiệu trên VTV3, các phóng sự về SHTT, tài sản trí tuệ trên VTV1 và VTV2, và các báo chí và xuất bản phẩm khác.v.v...
3. Tổng cục Hải quan - Bộ Tài chính phối hợp với Hiệp hội đối tác doanh nghiệp về SHTT và một số văn phòng luật tổ chức các Hội thảo về chống hàng giả và các biện pháp kiểm soát tại biên giới, hội thảo phân biệt hàng thật - hàng giả của một số nhãn hiệu có uy tín trên thị trường.
4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp với các cơ quan tổ chức thông tin tuyên truyền về Luật SHTT và các văn bản pháp luật liên quan đến giống cây trồng, Quy định bảo mật dữ liệu thử nghiệm nông hóa phẩm... Phổ biến rộng rãi thông tin về giống cây trồng được bảo hộ (trên các Tạp chí chuyên ngành, website).
5. Bộ Thông tin và Truyền thông thường xuyên chỉ đạo các cơ quan thông tin, báo chí đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến để các các tổ chức, cá nhân biết các quy định của pháp luật về bản quyền đối với các chương trình máy tính, xuất bản, chương trình phát sóng... và chấp hành các quy định của pháp luật về SHTT liên quan đến lĩnh vực này.
II. Các hoạt động thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm
Theo báo cáo từ các bộ ngành và địa phương, năm 2008, tình trạng vi phạm pháp luật về SHTT vẫn còn có những diễn biến phức tạp, nhất là các lĩnh vực về quyền tác giả, quyền liên quan, các vi phạm liên quan đến sở hữu công nghiệp (việc sản xuất, kinh doanh, buôn bán các sản phẩm giả mạo, xâm phạm quyền SHTT)... Hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, quyền tác giả và quyền liên quan, quyền đối với giống cây trồng; thực hiện các biện pháp ngăn chặn tại biên giới, cửa khẩu đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu vi phạm về SHTT tiếp tục được đẩy mạnh.
Theo thống kê chưa đầy đủ [[2]], các lực lượng thực thi quyền SHTT ở các bộ và các địa phương đã xử lý 1.064 vụ xâm phạm quyền SHTT, tổng số tiền xử phạt là 4,1 tỷ đồng, tịch thu xử lý nhiều phương tiện, tang vật vi phạm hành chính khác. Cụ thể là:
1. Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thụ lý 20 vụ xâm phạm quyền tác giả đối chương trình máy tính và buộc tiêu hủy các tang vật vi phạm[[3]].
2. Thanh tra chuyên ngành KH&CN đã thụ lý 158 vụ xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (118 vụ xâm phạm nhãn hiệu, 36 vụ xâm phạm KDCN, 3 vụ xâm phạm sáng chế và 1 vụ cạnh tranh không lành mạnh), đã xử lý 154 vụ (118 vụ xâm phạm nhãn hiệu, 32 vụ xâm phạm KDCN, 3 vụ xâm phạm sáng chế và 1 vụ cạnh tranh không lành mạnh)[[4]].
3. Lực lượng cảnh sát điều tra về tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ đã điều tra phát hiện và bắt giữ 76 vụ và khởi tố nhiều đối tượng có các hành vi sản xuất buôn bán các hàng hoá giả mạo SHTT như: thực phẩm, quần áo, mỹ phẩm, tân dược, rượu. Điển hình là vụ triệt phá đường dây buôn bán thuốc giả Viagra và Cialis từ Trung Quốc vào Việt Nam, với tang vật thu giữ là 13.600 viên thuốc giả, đã khởi tố 02 đối tượng; vụ thu giữ 85 tấn phân NPK giả do Công ty Tân Trường Sinh (Hoài Đức, Hà Nội) sản xuất, vụ việc đã được khởi tố và tiếp tục điều tra các đối tượng liên quan...
4. Tổng cục Hải quan - Bộ Tài chính, đã tiếp nhận và xử lý 26 đơn yêu cầu kiểm tra, giám sát hàng hoá xuất nhập khẩu, đơn gia hạn kiểm tra, giám sát có liên quan đến SHTT. Cơ quan hải quan đã ra thông báo tạm thời dừng 10 trường hợp, tạm dừng làm thủ tục hải quan 05 trường hợp, xử lý 03 trường hợp xác định là hàng giả mạo về SHTT (điện thoại và linh kiện điện thoại di động, thuốc lá điếu...) với giá trị hàng hoá vi phạm khoảng 200 triệu đồng. Cơ quan Hải quan đã xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 400 triệu đồng.
III. Công tác xây dựng các văn bản pháp luật về quyền sở hữu công nghiệp, quyền tác giả và quyền liên quan, quyền đối với giống cây trồng
Trong năm 2008, các bộ đã trình Thủ tướng ban hành 02 văn bản chỉ đạo liên quan đến công tác phòng, chống hàng giả, hàng kém chất lượng [[5]]; quản lý và bảo hộ quyền tác giả [[6]].
Bộ KH&CN đã ban hành Thông tư số 01/2008/TT-BKHCN ngày 25/02/2008 hướng dẫn cấp, thu hồi thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp và Giấy chứng nhận tổ chức đủ điều kiện hoạt động giám định sở hữu công nghiệp.
Liên Bộ, ngành Tòa án Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ KH&CN và Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư liên tịch số 02/2008/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BVHTTDL-BKHCN-BTP ngày 03/4/2008 hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong việc giải quyết các tranh chấp về quyền SHTT tại Tòa án nhân dân.
Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 12/2008/TT-BCT ngày 22/10/2008 hướng dẫn quy trình, thủ tục tiếp nhận, thụ lý giải quyết đơn yêu cầu xử lý các vụ việc vi phạm hành chính về SHTT của cơ quan Quản lý thị trường.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Chỉ thị số 07/2008/CT-BTTTT ngày 30/12/2008 “Về đẩy mạnh sử dụng phần mềm mã nguồn mở trong hoạt động của cơ quan, tổ chức nhà nước”.
Các Bộ đã hợp tác để tiếp tục xây dựng dự thảo các văn bản hoàn thiện các quy định của pháp luật về SHTT như đã cam kết: dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự trong đó có các điều về tội xâm phạm quyền SHTT và dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT. Tham gia với các các cơ quan tư pháp hướng dẫn việc truy cứư trách nhiệm hình sự đối với các hành vi xâm phạm quyền SHTT [[7]].
IV. Hoạt động trao đổi, cung cấp thông tin
Tiếp tục tăng cường các hoạt động trao đổi cung cấp thông tin, trong năm 2008, các Bộ tham gia Chương trình Hành động 168 cùng phối hợp hoặc chỉ đạo các đơn vị tham mưu thực hiện các hoạt động trao đổi cung cấp thông tin của Bộ, ngành được phân công quản lý, nhất là trong việc xử lý các vụ việc cụ thể nhưng có tính chất phức tạp, cần phải có sự tham vấn giữa các bên.
1. Cơ quan Hải quan đã thực hiện phối hợp với các cơ quan quản lý chuyên ngành và cơ quan thực thi quyền SHTT trong cả nước (Cục SHTT - Bộ KH&CN), Bộ Công an, Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) trong việc chia sẻ, cung cấp thông tin đến công tác thực thi, phối kết hợp trong việc phát hiện và xử lý các hành vi xâm phạm; tham gia với Hải quan các nước trong khu vực như: Thái Lan, Campuchia, Lào, Mianma, Indonesia, Trung Quốc trong việc trong việc triển khai chuyên án Storm do Tổ chức Y tế và Interpol chủ trì với mục đích đấu tranh các hành vi sản xuất, mua bán và vận chuyển các loại thuốc giả trong khu vực.
2. Cục SHTT - Bộ KH&CN đã cung cấp rất nhiều các ý kiến chuyên môn về những vụ việc liên quan đến xử lý các hành vi xâm phạm quyền SHTT cho các cơ quan thực thi, tiến hành trao đổi, đề nghị Cơ quan SHTT, Cục Nhãn hiệu Trung quốc xem xét trên tinh thần tôn trọng pháp luật và quan hệ hữu nghị đối với đề nghị của Tổng Công ty thuốc lá Việt Nam đăng ký nhãn hiệu “VINATABA” tại Trung Quốc. Thanh tra Bộ KH&CN đã ký Bản ghi nhớ hợp tác với Cục Quản lý Cạnh tranh - Bộ Công Thương nhằm tăng cường các hoạt động trao đổi, giúp đỡ lẫn nhau trong việc đào tạo, tập huấn, cung cấp thông tin và xử lý các vụ việc về SHTT liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của hai bên...
V. Công tác đào tạo, tập huấn và hợp tác quốc tế
1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Toà án nhân dân Tối cao tổ chức 6 lớp tập huấn về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan nói chung và chương trình máy tính nói riêng cho các thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao, thẩm phán các tỉnh, thành phố tại 3 khu vực Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng...
2. Bộ KH&CN đã giao Cục SHTT làm đầu mối tổ chức cho các đoàn cán bộ của các cơ quan thực thi quyền SHTT (công an, hải quan, thanh tra, quản lý thị trường) và các cơ quan quản lý có liên quan tham dự các khoá đào tạo về thực thi quyền SHTT ở nước ngoài trong các khuôn khổ chương trình hợp tác hỗ trợ của cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Dự án Việt Nam – Thuỵ Sỹ về SHTT và các chương trình đào tạo khác do Tổ chức SHTT thể giới (WIPO) tổ chức. Trong năm 2008, các cơ quan chuyên môn của Bộ là Thanh tra Bộ, Cục SHTT đã tổ chức 25 lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ sở hữu công nghiệp cho 2.601 lượt người, gồm cán bộ quản lý, thực thi quyền SHCN, cán bộ nghiên cứu và doanh nghiệp thuộc các địa phương trong cả nước. Phối hợp với Cơ quan Sáng chế châu Âu (EPO) tổ chức khoá đào tạo cho thẩm định viên sáng chế mới và Khoá đào tạo viết bản mô tả sáng chế; phối hợp với Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) tổ chức khoá đào tạo cho thẩm định viên nhãn hiệu; phối hợp với trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức 2 khoá đào tạo về SHTT tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Cục SHTT đã phối hợp với WIPO xây dựng và đưa vào triển khai Chương trình đào tạo từ xa về SHTT bằng tiếng Việt trong năm 2009.
Tổ chức Hội nghị toàn quốc về quản lý hoạt động SHTT tại Bình Dương với sự tham gia của 50 Sở KH&CN (163 đại biểu) góp phần đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về SHTT của các địa phương trong cả nước; phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước tổ chức 18 hội thảo về SHTT với 1.981 lượt đại biểu tham dự: hội thảo khu vực ASEAN của WIPO về giáo dục, đào tạo và nghiên cứu SHTT; diễn đàn về thương hiệu - sự chuyển biến từ nội tại; toạ đàm yêu cầu bảo hộ sáng chế dạng sử dụng; hội thảo dành cho các điều phối viên SHTT tại các trường đại học; hội thảo định giá tài sản trí tuệ; hội thảo thương mại hóa tài sản trí tuệ tại Hà Nội, thành phố Huế và thành phố Hồ Chí Minh; hội thảo xây dựng và bảo hộ tri thức truyền thống; hội thảo về Bảo hộ chỉ dẫn địa lý; hội thảo bảo hộ SHTT tại Thái Lan; hội thảo Thương mại hóa tài sản trí tuệ; hội thảo quyền SHTT và thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp và sinh học nông nghiệp; hội thảo về bảo hộ SHTT tại Trung Quốc, v.v.
3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mở hội thảo chuyên đề ở các vùng, địa phương giới thiệu về công tác tuyển chọn, nhập khẩu giống cây trồng cho người nông dân và một số doanh nghiệp...
4. Tổng cục Hải quan - Bộ Tài chính đã tổ chức 03 lớp học chuyên sâu về SHTT cho gần 160 cán bộ làm công tác hải quan trên toàn quốc.
5. Cục cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ - Bộ Công an đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới, tổ chức JICA (Nhật Bản), Cảnh sát Liên bang Australia, Cảnh sát Cộng hoà Italia, Cảnh sát Cộng hoà Pháp xây dựng chương trình hợp tác về chống xâm phạm quyền SHTT. Phối hợp với một doanh nghiệp - chủ các nhãn hiệu có uy tín tổ chức tập huấn về hàng giả, công tác phát hiện và xử lý hàng giả cho cán bộ thuộc lực lượng và các cơ quan thực thi có liên quan. Đã cử 6 lượt cán bộ tham dự hội nghị, hội thảo, trao đổi tại một số nước, tổ chức quốc tế về thực thi pháp luật trong việc chống xâm phạm quyền SHTT.
6. Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Quỹ SIDA Thuỵ Điển tổ chức 02 lớp tập huấn về bản quyền tác giả và kỹ năng giao tiếp mua bản quyền xuất bản sách. Tổ chức nhiều đợt tập huấn cho Sở Thông tin và Truyền Thông các tỉnh/thành phố về thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm đối với bản quyền phần mềm chương trình máy tính...
VI. Hỗ trợ hoạt động của các tổ chức quản lý tập thể quyền sở hữu công nghiệp, quyền tác giả và quyền liên quan, quyền đối với giống cây trồng
Trong năm 2008, các bộ tham gia Chương trình Hành động 168 tiếp tục thực hiện việc hỗ trợ các hoạt động của các tổ chức quản lý tập thể quyền SHTT. Bộ KH&CN đã tích cực triển khai Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp[[8]], tạo lập và quản lý chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc sản của địa phương. Tính đến nay đã có khoảng 40 dự án do Trung ương trực tiếp quản lý được tuyển chọn trong khuôn khổ của Chương trình với những nội dung như quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý, áp dụng sáng chế, tạo lập và phát triển nhãn hiệu cho sản phẩm của doanh nghiệp. Bộ KH&CN cũng phối hợp, hỗ trợ Hội SHTT Việt Nam thực hiện tốt các hoạt động của Hội, thường xuyên có các chuyên gia tham gia với Hội tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn về thực thi quyền SHTT.
Cục Bản quyền tác giả - Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng tiến hành các hoạt động hỗ trợ, phối hợp với Trung tâm quyền tác giả Việt Nam, Hiệp hội công nghiệp ghi âm Việt Nam, Trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam thực hiện tốt các chức năng nhiệm vụ của tổ chức.
VII. Tình hình triển khai tại các địa phương
Trong năm qua, được sự hướng dẫn của các bộ tham gia Chương trình Hành động 168, các địa phương trong cả nước cũng đã có nhiều các hoạt động triển khai, đẩy mạnh công tác liên quan đến hoạt động SHTT tại địa phương.
Nhiều tỉnh, thành phố đã xây dựng và thực hiện việc ký kết chương trình hợp tác theo mô hình của Trung ương, đã triển khai thực hiện và đã đạt được những kết quả nhất định, mang lại hiệu quả cho công tác SHTT tại địa phương.
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quyền SHTT đã được tích cực triển khai, với sự chủ động và được phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trung ương. Cụ thể: các địa phương đã tổ chức được 142 lớp tập huấn với 8.480 lượt người tham gia, tổ chức 377 lượt tuyên truyền trên các phương tiện thông tin báo, đài truyền hình... với nhiều nội dung phong phú, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về SHTT như ở Bắc Giang; hội thi “Thắp sáng thương hiệu tỉnh Đông” (Hải Dương); hội thi “Thắp sáng thương hiệu”, “Sáng tạo kỹ thuật” (Sơn La)... Nhiều địa phương đã xuất bản tài liệu phục vụ cho công tác này như: An Giang xuất bản 3.400 tờ rơi hướng dẫn đăng ký nhãn hiệu, sáng chế, quyền SHTT bảo vệ thành quả đầu tư của doanh nghiệp; Bắc Ninh xuất bản 1.000 bản tin chuyên đề về bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá ra nước ngoài, 2.000 tờ rơi giới thiệu về Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp giai đoạn 2007 – 2010; Hoà Bình xuất bản cuốn “Cẩm nang về SHTT”; Quảng Bình xuất bản 700 cuốn sổ tay sở hữu công nghiệp, in 8.000 tờ rơi hướng dẫn về đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá và kiểu dáng công nghiệp... và nhiều địa phương khác cũng đã thực hiện tốt nội dung này. Công tác xử lý xâm phạm về SHTT được triển khai tích cực, theo thống kê chưa đầy đủ, các địa phương đã xử lý 942 vụ việc liên quan đến xâm phạm quyền SHTT, đã xử phạt hành vi vi phạm lên đến 2,9 tỷ đồng, đồng thời tịch thu và xử lý nhiều phương tiện, tang vật vi phạm hành chính.
Công tác chỉ đạo tăng cường quản lý nhà nước về SHTT tại các địa phương cũng được các địa phương chú trọng, nhiều tỉnh/thành phố đã ban hành các văn bản cụ thể để chỉ đạo công tác này, góp phần từng bước đưa công tác quản lý nhà nước về SHTT vào nề nếp và đạt hiệu quả như: UBND tỉnh Hoà Bình đã ban hành Chỉ thị “Tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động bảo hộ quyền SHTT trong giai đoạn hiện nay”[[9]], “Quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ, xác lập quyền SHCN và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến cho các tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hoà Bình"[[10]]; UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Chỉ thị "Tăng cường quản lý hoạt động SHTT trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa”[[11]]. Hoạt động hỗ trợ việc xác lập quyền SHTT được các địa phương tích cực triển khai, nhất là các hướng dẫn trong việc xác lập các nhãn hiệu tập thể, các chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm, dịch vụ đặc trưng của các địa phương như: hỗ trợ quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Mê Thuột - Đắk Lắk, sản phẩm bưởi Phúc Trạch - Hà Tĩnh, sản phẩm sầu riêng Hoà Thuận, bánh tráng Thạnh Hưng - Giồng Riềng, khô cá sặc rằn rằn; mật ong U Minh Thượng, rượu Kinh 5 Tân Hiệp, tiêu Phú Quốc - Kiên Giang....
Điều đó cho thấy, công tác quản lý SHTT tại các địa phương đã và đang dần được nâng lên, thể hiện sự chủ động của các địa phương đối với công tác quản lý về SHTT trên địa bàn. Tiếp tục thể hiện sự tích cực của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền SHTT theo các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia.
B. ĐÁNH GIÁ CHUNG
Việc ban hành Chương trình Hành động 168 về hợp tác phòng và chống xâm phạm quyền SHTT với sự tham gia của 07 bộ liên quan đến quản lý hoạt động về SHTT là phù hợp, đáp ứng kịp thời được các yêu cầu đòi hỏi từ đời sống kinh tế xã hội của đất nước, đồng thời đáp ứng các yêu cầu trong hội nhập kinh tế, góp phần thực hiện đúng các cam kết quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia. Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, năm 2008, mỗi bộ, ngành trong nhiệm vụ được phân công đã có sự quan tâm trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn ngành mình triển khai các hoạt động phòng, chống xâm phạm quyền SHTT và hướng dẫn cho các địa phương thực hiện. Đặc biệt các cơ quan Trung ương như Bộ KH&CN, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có sự hướng dẫn và phối hợp tốt với các địa phương trong việc tổ chức các đợt tập huấn, hội thảo, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của công chúng đối với lĩnh vực này. Tại nhiều địa phương đã chủ động, tích cực xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển, bảo vệ SHTT trên địa bàn, tổ chức tốt hoạt động hỗ trợ của các tổ chức quản lý tập thể quyền SHCN. Các lực lượng thực thi quyền SHTT tại các bộ, ngành đã có sự phối hợp tốt hơn trong việc xử lý các vụ việc đến xâm phạm quyền SHTT.
Kết quả thực hiện Chương trình Hành động 168 của các bộ tham gia và các địa phương đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác thực thi quyền SHTT, góp phần đáng kể vào việc phòng, chống xâm phạm quyền SHTT như nội dung đã đề ra. Điều đó cũng thể hiện tinh thần của Chương trình 168 tiếp tục đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về SHTT, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, thể hiện sự nỗ lực của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề về SHTT khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới.
Tuy nhiên, việc thực hiện Chương trình Hành động 168 giữa các bộ tham gia ký kết còn có những tồn tại nhất định, một số bộ chưa thật sự quan tâm triển khai đến nội dung của Chương trình, công tác trao đổi thông tin giữa các bộ còn chưa thật sự đáp ứng được các yêu cầu của công tác quản lý chung (thậm chí có bộ không tiến hành việc tổng kết tình hình thực hiện Chương trình này theo cam kết đề ra). Một số đề xuất giữa các bộ chưa được thực hiện, nên còn khó khăn cho công tác quản lý và cho cả người dân, doanh nghiệp.
Để tiếp tục thực hiện Chương trình Hành động 168 có hiệu quả và thực sự đi vào cuộc sống, xác định vai trò của các bộ trong việc phòng, chống các hành vi xâm phạm quyền SHTT, các bộ tham gia ký kết tiếp tục quan tâm chỉ đạo các đơn vị trực thuộc bộ thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm của năm 2009 là:
1. Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về SHTT thuộc thẩm quyền, tiếp tục nghiên cứu xây dựng các văn bản liên tịch giữa các bộ trong việc giải quyết các nội dung liên quan giữa tên miền (thuộc quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông) và nhãn hiệu (thuộc quản lý của Bộ KH&CN); cạnh tranh không lành mạnh (thuộc quản lý của Bộ Công Thương) và cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu công nghiệp (thuộc quản lý của Bộ KH&CN) v.v...
2. Tiếp tục triển khai tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về SHTT bằng nhiều hình thức, đẩy mạnh hơn nữa nhận thức của công chúng đối với lĩnh vực này. Đẩy mạnh các hoạt động thực thi quyền SHTT, phòng, chống và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về SHTT.
3. Tiếp tục hướng dẫn các địa phương thực hiện Chương trình Hành động hợp tác về phòng và chống xâm phạm quyền SHTT ở địa phương.
4. Tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tiếp tục tuyên truyền, phổ biến pháp luật về SHTT, đưa tin về kết quả xử lý các hành vi xâm phạm quyền SHTT, sản xuất, buôn bán hàng hoá giả mạo SHTT.
5. Thực hiện tốt chế độ thông tin báo cáo và tổng kết Chương trình hành động vào cuối năm 2009.
C. KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT
Nhằm tăng cường hiệu quả của Chương trình Hành động 168, các bộ đề xuất trình với Chính phủ một số nội dung sau đây:
1. Sau khi Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT vào tháng 5/2009, đề nghị Chính phủ sớm thông qua các Nghị định hướng dẫn thi hành để tháo gỡ kịp thời một số vướng mắc trong hoạt động thực thi quyền SHTT.
2. Đề nghị Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về SHTT để chỉ đạo thực hiện phòng, chống xâm phạm quyền SHTT theo quy định tại Điều 60 của Nghị định 105/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006.
3. Đề nghị hoàn thiện các quy định của pháp luật cạnh tranh liên quan đến xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh về SHTT [[12]].
Qua thực tiễn xử lý hành vi vi phạm hành chính về SHTT trong thời gian qua, Bộ KH&CN nhận thấy các doanh nghiệp đã có nhận thức cao hơn về các quy định pháp luật SHTT. Do đó, các hành vi xâm phạm quyền với nhãn hiệu đã giảm. Bên cạnh đó, xuất hiện xu hướng sử dụng các chỉ dẫn thương mại trên bao bì sản phẩm tương tự, gây nhầm lẫn với các chỉ dẫn thương mại của doanh nghiệp khác đã sử dụng và có uy tín trên thị trường nhằm mục đích cạnh tranh xuất hiện ngày càng nhiều ở nhiều lĩnh vực kinh doanh, đặc biệt là lĩnh vực dược phẩm. Việc làm này không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà sản xuất chân chính mà còn đe doạ gây thiệt hại đến sức khoẻ, lợi ích của người tiêu dùng khi bị nhầm lẫn khi lựa chọn sản phẩm.
Với mức độ phổ biến của hành vi cạnh tranh không lành mạnh thì các chế tài của Luật Cạnh tranh và Luật SHTT chưa đảm bảo để xử lý nhanh chóng, hiệu quả đối với hành vi này.
Hiện nay, nội dung của hành vi cạnh tranh không lành mạnh về SHTT được quy định tại Luật SHTT còn các chế tài xử lý hành vi này được dẫn chiếu theo quy định của pháp luật cạnh tranh. Luật Cạnh tranh và các văn bản hướng dẫn thi hành có quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh về SHTT của nhiều cơ quan khác nhau như Cơ quan quản lý cạnh tranh và các lực lượng thực thi quyền sở hữu công nghiệp bằng biện pháp hành chính như: Thanh tra chuyên ngành KH&CN, Quản lý Thị trường, Công an. Tuy nhiên, pháp luật cạnh tranh chỉ quy định thủ tục thụ lý hồ sơ và xử lý đối với Cơ quan quản lý cạnh tranh (theo thủ tục bán tố tụng). Còn các cơ quan có thẩm quyền khác không có hướng dẫn về trình tự, thụ tục thụ lý hồ sơ và xử lý hành vi này. Việc thiếu rõ ràng trong quy định của pháp luật cạnh tranh liên quan đến xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh về SHTT khiến cơ quan hành chính lúng túng hoặc e ngại khi thụ lý hồ sơ vụ việc, tạo ra khoảng trống của pháp luật để đấu tranh có hiệu quả đối với hành vi này.
Vì vậy, đề nghị Chính phủ đề xuất với Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Cạnh tranh để đảm bảo đồng bộ với Luật SHTT nhằm đáp ứng được yêu cầu của quản lý nhà nước về SHTT trong giai đoạn hiện nay./.
Nguồn: Báo cáo số 1650/BC-BKHCN ngày 08/7/2009 của Bộ Khoa học và Công nghệ
[[1]] Bộ KH&CN đã có công văn số 306/BKHCN-TTra ngày 27/02/2009 gửi các Bộ để nghị thông báo kết quả thực hiện Chương trình hành động 168 trong năm 2008. Bộ KH&CN đã nhận được báo cáo của các Bộ: Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài chính, Công an, Thông tin và Truyền thông. Riêng Bộ Công Thương không có báo cáo.
[[2]] Không có số liệu của Cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương, do không có báo cáo kết quả thực hiện Chương trình 168 năm 2008.
[[3]] Tiêu huỷ hơn 2.000 chương trình phần mềm máy tính bất hợp pháp; tịch thu và tiêu hủy 2.364 cuốn sách và văn hóa phẩm; 953.477 băng, đĩa và 236.364 vỏ đĩa; yêu cầu tháo gỡ 07 trang web chứa các video clip bất hợp pháp về giải bóng đá ngoại hạng Anh và yêu cầu mạng truyền hình trực tuyến IPTV của Công ty Cổ phần viễn thông FPT (FPT Telecom) dừng phát sóng một số kênh quốc tế không có bản quyền và phạt hành chính 25 triệu đồng đối với công ty này.
[[4]] Buộc tiêu hủy 54.969 sản phẩm mang nhãn hiệu xâm phạm và 95 sản phẩm xâm phạm sáng chế; buộc phân phối/sử dụng phi thương mại 1.137 sản phẩm sau khi loại bỏ nhãn hiệu xâm phạm; buộc loại bỏ yếu tố vi phạm đối với 1.365 sản phẩm xâm phạm KDCN và 682 sản phẩm mang nhãn hiệu xâm phạm. Tổng số tiền phạt đối với các vụ xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp trong năm 2008 là gần 800 triệu đồng (trong đó có vụ xử lý cao nhất lên đến 183 triệu đồng).
[[5]] Chỉ thị số 28/2008/CT-TTg ngày 08/9/2008 của Thủ tướng Chính phủ “Về một số biện pháp cấp bách chống hàng giả, hàng kém chất lượng”
[[6]] Chỉ thị số 36/2008/CT-TTg ngày 31/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ “Về tăng cường quản lý và bảo hộ máy tính”
[[7]] Liên Bộ, ngành Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Bộ Công an, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư liên tịch số 01/2008/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 29/02/2008 hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi xâm phạm quyền SHTT.
[8] Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 68/2005/QĐ-TTg ngày 4/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ
[9] Chỉ thị số 11/2008/CT-UBND ngày 20/10/2008 của UBND tỉnh Hoà Bình
[10] Quyết định số 09/2008/QĐ-UBND ngày 26/5/2008 của UBND tỉnh Hoà Bình
[11] Chỉ thị số 28/CT-UBND ngày 23/10/2008 của UBND tỉnh Khánh Hoà
[[12]] Hành vi cạnh tranh không lành mạnh về SHTT là hành vi sử dụng các chỉ dẫn thương mại (gồm các dấu hiệu, thông tin nhằm hướng dẫn thương mại hàng hóa, dịch vụ, bao gồm nhãn hiệu, tên thương mại, biểu tượng kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, chỉ dẫn địa lý kiểu dáng bao bì của hàng hóa, nhãn hóa) tương tự gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, hoạt động kinh doanh, nguồn gốc thương mại của hàng hóa, dịch vụ, nhầm lẫn về xuất xứ, cách sản xuất, tính năng, chất lượng, số lượng hoặc đặc điểm khác của hàng hóa, dịch vụ; về điều kiện cung cấp hàng hóa, dịch vụ.