Thứ sáu, 22/11/2024 21:50 GMT+7
Điều 5.D.3.4: Xác định giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm

(Điều 4, Nghị định số 97/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010)

 

 1. Việc định giá hàng hóa là tang vật, phương tiện vi phạm để làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt do người có thẩm quyền xác định theo các căn cứ và nguyên tắc quy định tại Điều 34 Nghị định số 128/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

2. Trường hợp không áp dụng được các căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này để định giá hàng hóa, dịch vụ vi phạm làm cơ sở xác định khung tiền phạt hoặc để xác định số tiền thu lợi bất hợp pháp do thực hiện hành vi vi phạm mà có, thì người có thẩm quyền xử phạt xác định giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm dựa trên số lượng hàng hóa, khối lượng dịch vụ vi phạm đã được sản xuất, bán, vận chuyển hoặc cung cấp ghi trên hóa đơn thanh toán, hợp đồng, đơn đặt hàng, giấy tờ giao nhận hàng hóa, phiếu xuất kho, phiếu nhập kho, phiếu nhập hàng, phiếu xuất hàng, tờ khai nhập khẩu hàng hóa, giấy tờ khai báo với cơ quan có thẩm quyền và giá hàng hóa, dịch vụ vi phạm ghi trên tài liệu tương ứng. Nếu tài liệu tương ứng không ghi giá thì dựa trên tài liệu khác có ghi giá hàng hóa, dịch vụ vi phạm, gồm cả thư báo giá, tài liệu giới thiệu sản phẩm, quảng cáo hàng hóa, dịch vụ vi phạm.

3. Giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm phát hiện được và các tài liệu, căn cứ xác định giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm phải được ghi rõ trong biên bản vi phạm hành chính và lưu giữ trong hồ sơ vụ việc.

4. Trường hợp không xác định được giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì việc phạt tiền tuân theo quy định tại khoản 13 Điều 5.D.3.10, khoản 12 Điều 5.D.3.11, khoản 11 Điều 5.D.3.12, khoản 8 Điều 5.D.3.14 của Chương này.

Khách online:62171
Lượt truy cập: 46253924