Thứ sáu, 22/11/2024 22:00 GMT+7
Điều 5.C.3.4: Tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính
(Điều 46, Pháp lệnh số 44/2002/PL-UBTVQH10 ngày 2/7/2002 được sửa đổi bổ sung bằng Pháp lệnh số 31/2007/PL-UBTVQH11 và Pháp lệnh số 04/2008/PL-UBTVQH12)

 

1. Việc tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính chỉ được áp dụng trong trường hợp cần để xác minh tình tiết làm căn cứ quyết định xử lý hoặc ngăn chặn ngay vi phạm hành chính.

Những người được quy định tại Điều 5.C.3.3 Chương này, Chánh thanh tra chuyên ngành cấp sở và Chánh Thanh tra chuyên ngành bộ, cơ quan ngang bộ, Giám đốc Cảng vụ hàng hải, Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa, Giám đốc Cảng vụ hàng không có quyền quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

2. Trong trường hợp có căn cứ để cho rằng nếu không tạm giữ ngay thì tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có thể bị tẩu tán, tiêu huỷ thì thủ trưởng trực tiếp của chiến sỹ Cảnh sát nhân dân, Bộ đội biên phòng, kiểm lâm viên, nhân viên Hải quan, kiểm soát viên thị trường hoặc thanh tra viên chuyên ngành được quyền ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi ra quyết định, người ra quyết định phải báo cáo thủ trưởng của mình là một trong những người có thẩm quyền tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính được quy định tại khoản 1 Điều này và được sự đồng ý bằng văn bản của người đó; trong trường hợp không được sự đồng ý của họ thì người đã ra quyết định tạm giữ phải huỷ ngay quyết định tạm giữ và trả lại vật, tiền, hàng hoá, phương tiện đã bị tạm giữ.

3. Người ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải lập biên bản về việc tạm giữ. Trong biên bản phải ghi rõ tên, số lượng, chủng loại tang vật, phương tiện bị tạm giữ và phải có chữ ký của người ra quyết định tạm giữ, người vi phạm. Người ra quyết định tạm giữ  có trách nhiệm bảo quản tang vật, phương tiện đó; nếu do lỗi của người này mà tang vật, phương tiện bị mất, bán, đánh tráo hoặc hư hỏng thì họ phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Trong trường hợp tang vật, phương tiện vi phạm cần được niêm phong thì phải tiến hành ngay trước mặt người vi phạm; nếu người vi phạm vắng mặt thì phải tiến hành niêm phong trước mặt đại diện gia đình, đại diện tổ chức, đại diện chính quyền và người chứng kiến.

4. Đối với tiền Việt Nam, ngoại tệ, vàng bạc, đá quý, kim khí quý, các chất ma tuý và những vật thuộc chế độ quản lý đặc biệt khác, thì việc bảo quản được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Đối với tang vật vi phạm hành chính là loại hàng hoá, vật phẩm dễ bị hư hỏng thì người ra quyết định tạm giữ phải xử lý theo quy định tại Điều 5.C.4.9 khoản (3) Phần này.

5. Trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày tạm giữ, người ra quyết định tạm giữ phải xử lý tang vật, phương tiện bị tạm giữ theo những biện pháp ghi trong quyết định xử lý hoặc trả lại cho cá nhân, tổ chức nếu không áp dụng hình thức phạt tịch thu đối với tang vật, phương tiện bị tạm giữ. Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có thể được kéo dài đối với những vụ việc phức tạp, cần tiến hành xác minh nhưng tối đa không quá sáu mươi ngày, kể từ ngày tạm giữ tang vật, phương tiện. Việc kéo dài thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện phải do những người được quy định tại khoản 1 Điều này quyết định.

6. Việc tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải có quyết định bằng văn bản kèm theo biên bản tạm giữ và phải giao cho người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm một bản.

Khách online:62795
Lượt truy cập: 46254230