Thứ năm, 19/10/2017 16:41 GMT+7

Hội thảo chuyên đề “Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với lĩnh vực quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam”

Trong khuôn khổ các hoạt động triển khai công tác nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN năm 2017, ngày 15/10/2017, Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN đã tổ chức hội thảo khoa học chuyên đề “Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với lĩnh vực quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam”. Hội thảo do ThS. Nguyễn Võ Hưng - Trưởng ban Chính sách đổi mới và phát triển thị trường công nghệ, chủ trì.

Với định hướng trao đổi về hoạt động nghiên cứu dự báo tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với một số lĩnh vực chính trong công tác quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (STI) của Việt Nam, xác định được những vấn đề quan trọng và định hướng dự kiến cần bổ sung, điều chỉnh trong công tác quản lý nhà nước về STI trong giai đoạn 2021-2030, Hội thảo dự kiến sẽ tập hợp ý kiến chuyên gia và đưa ra dự báo về xu hướng, bản chất, đặc điểm của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN4); phân tích, nhận dạng, dự báo các tác động có thể của CMCN4 đối với một số lĩnh vực chính trong công tác quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam; từ đó xác định những vấn đề quan trọng và định hướng dự kiến cần bổ sung, điều chỉnh trong công tác quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong giai đoạn 2021-2030.

Thực tế phát triển cho thấy những thay đổi nhanh chóng, sâu rộng, khó lường đoán của CMCN4 và tác động của chúng đối với công tác quản lý nhà nước ở mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội, khoa học và công nghệ. Xét riêng trong hoạt động STI, nếu không có sự chuẩn bị thỏa đáng với những nghiên cứu đi trước, xác định, lựa chọn những triết lý quản lý mới, phù hợp hơn với các xu thế của CMCN4; chỉ ra những vấn đề quản lý nhà nước cần được điều chỉnh bổ sung, hay thậm chí loại bỏ; phát hiện các cơ hội và áp dụng những giải pháp quản lý tiên tiến trên nền tảng những tiến bộ công nghệ của CMCN4 thì công tác quản lý nhà nước về STI sẽ trở nên bị động, có nguy cơ đứng ngoài dòng chảy của đời sống kinh tế, xã hội, thậm chí có thể trở thành lực cản của sự phát triển.

 

Toàn cảnh Hội thảo

 

Trao đổi tại Hội thảo, các ý kiến tập trung thảo luận về: (i) Bản chất của CMCN4; (ii) Tác động của CMCN4 đối với hệ thống chính sách KH&CN nói riêng và chính sách KT-XH nói chung; (iii) Một số đột phá nổi bật trong thời gian gần đây gắn liền với CMCN4 – được xem như khởi đầu cho cuộc cách mạng CN do quy mô và ảnh hưởng của những thay đổi đó; (iv) những cách thức tương tác mới giữa chính phủ và người dân, với khu vực doanh nghiệp và các chính phủ khác; (v) Những cách thức mới giải quyết các vấn đề khoa học;..vv...

Các ý kiến nhận được tại Hội thảo là một trong những căn cứ quan trọng nhằm hoàn thiện định hướng và các nội dung nghiên cứu cụ thể về CMCN 4 của Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN nói riêng, cũng như của Bộ KH&CN nói chung./.

Nguồn: Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN

Lượt xem: 2063

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)