Nguyên nhân gây ra chết tôm hàng loạt trong thời gian qua một phần do virus, vi khuẩn, vật chủ mang mầm bệnh lây lan trong môi trường nuôi, còn nguyên nhân đang được các nhà khoa học quan tâm nữa có thể là do người dân sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) để diệt giáp xác.
Từ thực trạng trên, việc xác định nguyên nhân dẫn đến tôm chết hàng loạt là yêu cầu cấp bách của các Bộ, ngành. Vì vậy,Viện Môi trường nông nghiệp đã được Bộ Khoa học và Công nghệ giao chủ trì đề tài “Nghiên cứu ảnh hưởng của ô nhiễm hóa chất đến hiện tượng tôm nuôi nước lợ chết hàng loạt tại ĐBSCL” nhằm xác định mức độ ảnh hưởng của ô nhiễm hóa chất đến hiện tượng tôm chết để từ đó đề xuất các giải pháp quản lý và xử lý ô nhiễm hóa chất.
Đề tài nhằm mục tiêu đánh giá được ảnh hưởng của ô nhiễm hóa chất đến hiện tượng tôm nuôi nước lợ (tôm sú, tôm thẻ chân trắng) chết hàng loạt tại một số vùng nuôi trọng điểm ở đồng bằng sông Cửu Long và đề xuất được giải pháp quản lý, xử lý ô nhiễm hóa chất trong nguồn nước nuôi tôm để giảm thiểu tác động xấu của ô nhiễm hóa chất đến môi trường nuôi tôm.
Một số kết quả nghiên cứu của đề tài:
- Đã tiến hành nghiên cứu và lựa chọn được vật liệu hấp phụ và công nghệ xử lý ô nhiễm hóa chất trong môi trường nuôi tôm. Kết quả cho thấy, khi tiến hành xử lý ô nhiễm hóa chất bằng công nghệ hấp phụ, chất lượng môi trường nuôi tôm được đảm bảo theo Quy chuẩn Việt Nam.
- Công nghệ tổng hợp bằng hệ thống bể lọc sinh học đã tái sử dụng nước ao nuôi với hiệu quả xử lý nước cao, hạn chế ô nhiễm môi trường nuôi, giảm chi phí hóa chất, tăng chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế tăng. Kết quả nghiên cứu này đã được ứng dụng trong mô hình tại 3 tỉnh Kiên Giang, Sóc Trăng và Cà Mau.
- Đã thiết kế và vận hành 03 mô hình xử lý ô nhiễm hóa chất trong môi trường nuôi tôm tại 3 tỉnh, kết quả cho thấy môi trường nước nuôi tôm được xử lý an toàn về hóa chất, chất lượng môi trường nuôi luôn ổn định, tôm sinh trưởng tốt. Đây là kết quả xây dựng mô hình mới mà trước đây các công trình nghiên cứu chưa đề cập tới.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 12961/2016) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia.