Các nghiên cứu đã chỉ ra có nhiều nguyên nhân gây ra tỷ lệ hao hụt ở lợn con theo mẹ như: yếu tố về di truyền, số con đẻ ra, thể trạng của lợn nái, dinh dưỡng, bệnh tật, chuồng trại, môi trường, chăm sóc và quản lý. Tuy nhiên, ở nước ta vẫn chưa có các nghiên cứu tổng thể nhằm xác định được các nguyên nhân chính gây ra tỷ lệ hao hụt cao ở lợn con theo mẹ, và đề ra các giải pháp tổng thể nhằm giảm thiểu tỷ lệ hao hụt ở lợn con theo mẹ. Mặt khác điều kiện khí hậu và chăn nuôi ở nước ta có sự khác nhau giữa các vùng, miền.
Để giúp các trang trại, gia trại chăn nuôi lợn nái sinh sản giảm thiểu được tỷ lệ hao hụt ở lợn con trong giai đoạn theo mẹ, tăng năng suất sinh sản và tăng hiệu quả chăn nuôi thì việc tiến hành nghiên cứu đánh giá, xác định được các nguyên nhân chính và đề xuất giải pháp tổng hợp nhằm giảm thiểu hao hụt ở lợn con theo mẹ là rất cần thiết.
Xuất phát từ tính cấp thiết trên, từ năm 2014 đến năm 2015, nhóm nghiên cứu tại Viện Chăn nuôi do TS. Trịnh Quang Tuyên làm chủ nhiệm, đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu một số giải pháp tổng hợp nhằm giảm thiểu tỷ lệ hao hụt lợn con theo mẹ trong chăn nuôi trang trại, gia trại ở Việt Nam”.
Một số kết quả của đề tài:
- Hao hụt lợn con theo mẹ tại trang trại và gia trại chiếm tỷ lệ cao. Hao hụt lợn con theo mẹ ở miền Nam chiếm tỷ lệ 15,63% ở trang trại và 17,07% ở gia trại; ở miền Trung chiếm tỷ lệ 14,23% ở trang trại và 16,74% ở gia trại; ở miền Bắc chiếm tỷ lệ 14,16% ở trang trại và 15,23% ở gia trại.
- Các nguyên nhân chính gây hao hụt lợn con theo mẹ ở trang trại và gia trại ở ba miền Bắc, Trung, Nam là chết đè từ 41,60% đến 46,70% ở trang trại và từ 19,40% đến 26,70% ở gia trại (do không trực đẻ, không có khung cũi cho lợn nái đẻ, không sử dụng ổ úm, lợn con còi cọc, yếu), chết tiêu chảy từ 30,60% đến 33,40% ở trang trại và từ 35,40% đến 49,40% ở gia trại (do không sử dụng đèn sưởi, ổ úm, lợn nái không tiêm vacxin đầy đủ, chuồng trại ẩm ướt, không có thiết bị làm mát, vệ sinh sát trùng không thường xuyên), loại thải trước 24 giờ từ 9,30% đến 10,30% ở trang trại và từ 2,10% đến 6,20% ở gia trại (do lợn con sinh ra còi, yếu, chưa tiêm đầy đủ các loại vacxin cho lợn nái, không trực đẻ) và chết do viêm phổi từ 1,20% đến 2,70% ở trang trại và từ 5,90% đến 21,60% ở gia trại.
- Một số giải pháp tổng hợp nhằm giảm thiểu tỷ lệ hao hụt lợn con theo mẹ:
+ Giảm tỷ lệ lợn con loại thải trước 24 giờ: Cho lợn nái ăn đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng và khẩu phần phù hợp; Tiêm đầy đủ các loại vacxin cho lợn nái; Trực đẻ cho lợn nái; Sử dụng chế phẩm Mistral cho lợn sơ sinh.
+ Giảm tỷ lệ lợn con bị chết đè: Tăng cường việc giám sát đàn lợn ở tuần đầu sau khi đẻ; Ô chuồng lợn nái có khung cũi cho lợn nái.
+ Giảm tỷ lệ lợn con bị chết do tiêu chảy: Cho lợn con bú sữa đầu sớm; Có đèn sưởi cho lợn con; Chuồng trại có hệ thống làm mát; Tiêm vacxin cho lợn nái và tiêm sắt cho lợn con; Phun thuốc sát trùng định kỳ; Bổ sung chế phẩm Ecopiglet cho lợn con.
+ Giảm tỷ lệ lợn con bị chết do viêm phổi: Sử dụng vacxin phòng các bệnh về hô hấp và sử dụng đèn sưởi cho lợn con.
- Sau khi áp dụng một số giải pháp tổng hợp vào các mô hình trang trại và gia trại đã giảm tỷ lệ hao hụt lợn con theo mẹ so với trước khi áp dụng. Trong đó, tỷ lệ hao hụt lợn con theo mẹ ở miền Nam giảm 8,82% ở trang trại và 11,00% ở gia trại; Ở miền Bắc giảm 5,13% ở trang trại và 9,22% ở gia trại; Ở miền Trung giảm 4,98% ở trang trại và 8,92% ở gia trại.
- Tỷ lệ nuôi sống lợn con đến cai sữa sau khi áp dụng các giải pháp tổng hợp đạt từ 94,26% đến 94,79% đối với trang trại và từ 93,15 đến 94,28% đối với gia trại.
- Hiệu quả kinh tế sau khi áp dụng các giải pháp tổng hợp ở miền Nam tăng 2,06 triệu đồng/lứa ở trang trại và tăng 2,34 triệu đồng/lứa ở gia trại; Ở miền Bắc tăng 1,07 triệu đồng/lứa ở trang trại và tăng 2,06 triệu đồng/lứa ở gia trại; Ở miền Trung tăng 1,32 triệu đồng/lứa ở trang trại và tăng 1,80 triệu đồng/lứa ở gia trại.
Nhóm nghiên cứu khuyến nghị việc áp dụng quy trình chăn nuôi lợn nái sinh sản tại trang trại và gia trại để giảm thiểu tỷ lệ hao hụt lợn con theo mẹ góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi lợn nái ở Việt Nam.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 12260/2016) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.