Ứng dụng cải tiến kỹ thuật vào sản xuất đã làm lợi cho PVN và các đơn vị hàng tỷ đồng
|
Tăng cường tiềm lực
Tại Hội nghị triển khai công tác phối hợp hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học và cao đẳng thuộc Bộ Công Thương diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng khẳng định: KH&CN luôn được xác định đóng vai trò then chốt, tạo nền tảng và động lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh và bền vững đất nước nói chung và ngành Công Thương nói riêng.
Để nâng cao hiệu quả trong hoạt động KH&CN, ngoài việc đổi mới tổ chức, mô hình hoạt động của các viện, cơ chế quản lý, ngành Công Thương đã tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và đào tạo phát triển nguồn nhân lực. Tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàn - Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN (Bộ Công Thương) - cho biết: Nguồn nhân lực KH&CN ở các viện nghiên cứu hiện có khoảng gần 4.000 người, trong đó, tỷ lệ cán bộ có trình độ thạc sĩ trở lên chiếm khoảng 22%. Thời gian qua, các viện nghiên cứu trực thuộc Bộ đã hoàn thành 12 dự án; đang tiếp tục thực hiện 6 dự án đầu tư chiều sâu, nâng cao năng lực nghiên cứu với tổng kinh phí khoảng 624 tỷ đồng, trong đó kinh phí hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách nhà nước khoảng 566 tỷ đồng.
Ngoài ra, viện nghiên cứu của các tập đoàn, tổng công ty đã huy động gần 1.200 tỷ đồng từ những nguồn hỗ trợ, vốn vay và vốn tự có để đầu tư tăng cường năng lực nghiên cứu, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong nghiên cứu KH&CN. Mỗi năm, Bộ Công Thương đã bố trí khoảng 10 tỷ đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học để chống xuống cấp thiết bị, nhà xưởng, cải thiện điều kiện làm việc của các viện nghiên cứu, đơn vị thuộc Bộ.
Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Yến - Trưởng Ban KH&CN, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) - cho hay, hàng năm, Tập đoàn đã đầu tư kinh phí cho công tác nghiên cứu khoa học từ Quỹ phát triển KH&CN để thực hiện các đề tài, nhiệm vụ KH&CN, với kinh phí ước khoảng 120 - 150 tỷ đồng/năm. Các đơn vị trực thuộc PVN đã đầu tư máy móc, thiết bị và công nghệ hiện đại để phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất.
“Trái ngọt” của đầu tư
Đến nay, nhiều công trình nghiên cứu KH&CN của ngành Công Thương đã được trao các giải thưởng cao quý về KH&CN như: Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN, Giải thưởng VIFOTEC. Quan trọng hơn, KH&CN đã và đang “bám rễ” vào mọi lĩnh vực như cơ khí, dầu khí, khai thác khoáng sản, năng lượng điện, hóa chất…, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của các đơn vị trong ngành Công Thương.
Ông Lê Hoàng - Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Vụ KH&CN - chia sẻ, trong lĩnh vực cơ khí, Viện Nghiên cứu cơ khí (Narime) đã phối hợp với các đơn vị trong nước thiết kế, chế tạo cung cấp thiết bị cơ khí thủy công cho khoảng 20 dự án thủy điện với tỷ lệ nội địa hóa trên 90%. Trong tổng khối lượng thiết bị cơ khí thủy công của Thủy điện Sơn La khoảng 43.000 tấn, các đơn vị trong nước đã đảm nhận hơn 27.000 tấn (chiếm hơn 62% tổng giá trị thiết bị). Thủy điện Lai Châu có tỷ lệ nội địa hóa đến 96% về khối lượng và 80% về giá trị, giảm giá thành ít nhất 30% so với nhập khẩu đồng bộ từ nước ngoài...
Theo Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Yến, hàng năm, thông qua việc ứng dụng KH&CN, sáng kiến, sáng chế, cải tiến kỹ thuật vào sản xuất đã làm lợi cho PVN và các đơn vị hàng tỷ đồng. Từ năm 2010 đến nay, PVN đã có 4 công trình nghiên cứu được Nhà nước xét và trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN. Kết quả của các công trình này không chỉ có ý nghĩa khoa học đối với ngành dầu khí Việt Nam mà còn gây tiếng vang trong khu vực và trên thế giới…
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng: Trong thành tích chung của ngành Công Thương, có những đóng góp quan trọng của KH&CN và đông đảo đội ngũ các nhà khoa học, cán bộ, công chức, viên chức làm công tác KH&CN.
|
Liên kết nguồn tin: http://baocongthuong.com.vn/gieo-dau-tu-gat-thanh-cong.html