Thứ sáu, 05/10/2018 15:37 GMT+7

Họp Hội đồng xét duyệt Thuyết minh Đề tài “Xây dựng mô hình nhân giống, trồng và chế biến tinh dầu Trầu không (Piper betle)

Căn cứ Quyết định số 1738/QĐ-UBND ngày 28/9/2018 của Ủy ban nhân dân Tỉnh Hà Nam về việc xét giao trực tiếp thực hiện đề tài KHCN cho Viện Ứng dụng Công nghệ, ngày 03/10/2018, Sở KH&CN tỉnh Hà Nam đã tiến hành họp Hội đồng xét duyệt Thuyết minh Đề tài “Xây dựng mô hình nhân giống, trồng và chế biến tinh dầu Trầu không (Piper betle) tại xã Mộc Bắc, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam”.

Toàn cảnh buổi họp.
 

Tham dự buổi họp có TS. Đặng Đình Thoảng - Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Hà Nam cùng các thành viên Hội đồng là những chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, dược liệu, hóa học của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam và Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam. Về phía Viện Ứng dụng và Công nghệ có GS.TS Lê Hùng Lân - Viện trưởng và các thành viên trong nhóm chuyên môn thực hiện Đề tài thuộc Trung tâm Sinh Thực nghiệm. Về phía đơn vị phối hợp thực hiện triển khai nhiệm vụ có Ông Phạm Công Sứ - Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp Mộc Bắc.

Đề tài đã được Hội đồng đánh giá cao về tính chuyên môn và tính khả thi, theo các ý kiến đánh giá cho thấy trầu không là cây trồng đa công dụng: ngoài sản phẩm truyền thống là lá tươi sử dụng cho tục ăn trầu, cưới hỏi, lễ hội, trầu không còn là nguyên liệu  cho chế biến cho các ngành dược, hóa mỹ phẩm và thực phẩm. Trầu không là cây trồng cho thu hoạch thường xuyên, không mang tính thời vụ sẽ giảm bớt áp lực thị trường. Với giá bán lá tươi 120.000đ/1.000 lá và tinh dầu dao động trong khoảng 2,5-3 triệu đồng/lít mang lại thu nhập gấp 2-3 lần so với trồng các loại cây hoa màu khác.

Kết quả của đề tài sẽ xây dựng được mô hình trồng và chế biến tinh dầu trầu không, đồng thời đào tạo kĩ thuật nhân giống và trồng trầu cũng như công nghệ  tách chiết tinh dầu trầu không cho người dân tại xã Mộc Bắc, Huyện Duy Tiên (Hà Nam), góp phần đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, phát triển vùng dược liệu Hà Nam nói riêng và vùng đồng bằng sông hồng nói chung đặc biệt là đối với nhóm cây trồng lấy tinh dầu.

Nguồn: Viện Ứng dụng Công nghệ

Lượt xem: 2294

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)