Thứ năm, 01/11/2018 14:20 GMT+7

Hướng tới nền nông nghiệp thông minh

Nền sản xuất nông nghiệp của Việt Nam vẫn nhỏ, lẻ, chuỗi liên kết giá trị thấp. Để phát triển nhanh, bền vững, không còn cách nào khác là hướng tới nông nghiệp thông minh với việc ứng dụng thành quả của khoa học và công nghệ (KH và CN) và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.


Mô hình trồng hoa ứng dụng công nghệ cao ở HTX Đan Hoài. Ảnh: NINH PHƯƠNG

 

Theo các chuyên gia nông nghiệp, tại một số nơi việc ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) trong sản xuất nông nghiệp đã được nhiều doanh nghiệp (DN) triển khai với quy mô lớn như: Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Hòa Phát, Vingroup, TH Truemilk... Hiện, cả nước có 35 khu nông nghiệp ƯDCNC, năm vùng nông nghiệp ƯDCNC thâm canh tôm, hoa, lúa. Tại Hà Nội hiện có 123 mô hình ƯDCNC: Nhà máy sản xuất nấm kim châm công nghệ Nhật Bản của Công ty Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao (tại xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức); mô hình trồng rau thủy canh của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đa Tốn (huyện Gia Lâm); mô hình sản xuất giống và hoa lan hồ điệp của Hợp tác xã Đan Hoài (huyện Đan Phượng)... Ở tỉnh Lâm Đồng, có 17 DN, trang trại thông minh trồng rau, hoa, dâu tây cho doanh thu từ năm đến tám tỷ đồng/ha/năm. Tại tỉnh Bình Phước, nhờ chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang đầu tư ƯDCNC, tạo ra chuỗi giá trị sản xuất khép kín, Tập đoàn Hùng Nhơn đã xuất khẩu được thịt gà sang thị trường Nhật Bản...

Có thể thấy, việc ƯDCNC trong sản xuất nông nghiệp đã thật sự đem lại hiệu quả như mong muốn. Giám đốc Sở NN và PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ đánh giá, việc có các DN, hợp tác xã đầu tư công nghệ tiên tiến vào sản xuất đạt năng suất và doanh thu cao đã khẳng định hướng đi đúng của địa phương trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Tuy nhiên, mô hình phát triển nông nghiệp thông minh ở Việt Nam hiện còn ít, số lượng DN tham gia chưa nhiều; đầu tư vào nông nghiệp còn ít, chiếm khoảng 1% trên tổng số các DN; mức chi phí tốn kém. Ông Nguyễn Đức Máy, người đồng sáng lập Công ty TNHH Demeter (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, mô hình tăng trưởng nông nghiệp nước ta hiện nay mới chỉ tạo ra khối lượng nhiều, mà giá trị thấp; hiệu quả sử dụng đất đai và tài nguyên chưa cao. Nếu nông nghiệp Việt Nam không thay đổi về KH và CN sẽ đối mặt với nhiều thách thức và tác động tiêu cực như: cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, suy giảm sản lượng kinh doanh… sản phẩm khó cạnh tranh với các nước. Mặt khác, chúng ta đang phải đối mặt với sự thiếu hụt lao động có trình độ và kỹ năng chuyên nghiệp đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực cho nông nghiệp 4.0. Chính sách phát triển nông nghiệp công nghệ cao cũng còn vướng mắc, chưa phù hợp thực tế trong các lĩnh vực tín dụng, chuyển giao công nghệ...

Đồng quan điểm này, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Dịch vụ nông nghiệp An Việt (TP Hà Nội) Đào Ngọc Nam chỉ rõ: Việt Nam có nhiều mặt hàng nông sản có thể sản xuất và cung ứng với khối lượng lớn cho thị trường trong nước và ngoài nước. Nhưng do diện tích trồng trọt manh mún, trình độ canh tác của người nông dân không đồng đều, dẫn đến chất lượng nông sản phập phù, hiệu quả kinh tế chưa cao. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm chỗ làm được, chỗ không...

ĐỂ khắc phục những tồn tại nêu trên, nhiều ý kiến cho rằng cần thực hiện ngay một số giải pháp: Tiếp tục ứng dụng KH và CN, nhất là công nghệ cao, công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp quy mô hàng hóa. Thúc đẩy tổ chức lại sản xuất theo chuỗi liên kết, doanh nghiệp là hạt nhân liên kết, tổ chức sản xuất với hộ nông dân, trang trại, HTX để ƯDCNC trong sản xuất và quản trị chu trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, gắn với hình thành thương hiệu, phát triển thị trường và bền vững với môi trường. Cải cách, tạo môi trường minh bạch, thuận lợi, năng lực cạnh tranh cao để DN, nhà sản xuất trong và ngoài nhà nước đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và ứng dụng các công nghệ tiên tiến theo hướng xây dựng nền nông nghiệp thông minh, bền vững.

Theo Viện trưởng Nghiên cứu Đông Bắc Á (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) Phạm Hồng Thái, cần chú trọng công nghệ in-tơ-nét, yếu tố có thay đổi cục diện của nông nghiệp Việt Nam. Với in-tơ-nét, người dân trong nước có thể cập nhật kho tàng tri thức, công nghệ có sẵn. Đây chính là cầu nối trong thế giới phẳng, giúp người dân tiếp cận tri thức nông nghiệp của thế giới với chi phí thấp nhất. Khi ứng dụng công nghệ thông tin được đưa vào sử dụng phổ biến, thì các nông, trang trại có thể dễ dàng tìm kiếm, tiếp cận khách hàng trực tiếp và xây dựng hệ thống bán hàng riêng, chứ không lệ thuộc vào các đơn vị phân phối trung gian...

Đồng tình với quan điểm nêu trên, PGS, TS Nguyễn Văn Thoan (Trường đại học Ngoại thương) cho rằng, cần tăng cường hơn nữa sự liên kết của bốn “nhà”, gồm Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học - và nhà nông để xây dựng và phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp ƯDCNC, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh xuất khẩu.

Liên kết nguồn tin: http://nhandan.com.vn/khoahoc/item/38053402-huong-toi-nen-nong-nghiep-thong-minh.html

Nguồn: Báo điện tử Nhân dân

Lượt xem: 3584

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)