Thứ sáu, 24/04/2020 17:16 GMT+7

APEC giữa tâm đại dịch COVID-19

Tháng 4 năm 2020, Cơ quan Hỗ trợ chính sách của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) (APEC Policy Support Unit) đã công bố Báo cáo tóm tắt chính sách số 31 với tiêu đề “APEC giữa tâm đại dịch COVID-19” trong đó nhấn mạnh đại dịch COVID-19 là một cuộc khủng hoảng kinh tế và sức khỏe với tỷ lệ cao chưa từng có. Tính đến ngày 19/4/2020, thế giới đã ghi nhận hơn 2 triệu ca nhiễm COVID-19, 40% số đó thuộc khu vực APEC.


 

Bản Báo cáo tóm tắt chính sách “APEC giữa tâm đại dịch COVID-19” nêu ra những tác động lớn của đại dịch đối với sinh kế của người dân và doanh nghiệp nhỏ, chiếm 97% tổng số doanh nghiệp của khu vực. Theo Báo cáo, tăng trưởng của khu vực APEC dự kiến giảm xuống mức 2,7% trong năm nay, so với mức 3,6% năm 2019, cho thấy đây là mức giảm đáng kể nhất kể từ năm 2009 khi tốc độ tăng trưởng gần bằng 0 do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Mức giảm tăng trưởng này dẫn đến thiệt hại sản lượng ước tính 2,1 nghìn tỷ USD do sự sụp đổ kinh tế từ đại dịch. Thêm vào đó sẽ có hơn 23 triệu người thất nghiệp vào năm 2020.

Theo Tiến sĩ Rebecca Sta Maria, Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC: Khu vực APEC nằm ở tuyến đầu chống lại thách thức này vì các nền kinh tế thành viên là những nơi nhiễm bệnh đầu tiên và bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch. Một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng chưa từng thấy đòi hỏi phải có một phản ứng ở quy mô chưa từng có.

Theo thống kê, trong khu vực APEC, bình quân 1.000 người có 4,1 giường bệnh, 1,9 bác sĩ và 3,9 y tá hoặc nữ hộ sinh. Mặc dù những con số này đã được cải thiện đáng kể từ khi đại dịch SARS bùng phát năm 2003, nhưng khả năng hiện tại của các hệ thống y tế là không đủ nếu xét đến tỷ lệ lây nhiễm cao hơn đáng kể và sự không chắc chắn về thời gian kéo dài của đại dịch COVID-19. Hiện tất cả 21 nền kinh tế thành viên APEC đã và đang áp dụng các biện pháp tài chính và tiền tệ đặc biệt, chiếm từ 1 đến 20% GDP, tùy thuộc vào khả năng tài chính của từng nền kinh tế. Các biện pháp này nhằm mục đích củng cố hệ thống y tế, hỗ trợ trực tiếp cho các hộ gia đình và doanh nghiệp, bao gồm cả các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.

Cũng Tiến sĩ Rebecca Sta Maria: Các nền kinh tế thành viên đã nhanh chóng đưa ra các biện pháp tài chính và tiền tệ để ứng phó thách thức. Trọng tâm hiện nay là các nền kinh tế thành viên phải cùng nhau hợp tác đa phương nhằm hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp nhỏ trong khu vực. Chỉ có thông qua hợp tác đa phương các nền kinh tế thành viên sẽ được trang bị tốt hơn để vượt qua đại dịch cũng như nhanh chóng phục hồi sau đó.

Các tổ chức khu vực và quốc tế như Diễn đàn Hợp tác kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APEC) đóng vai trò chính trong việc đảm bảo các nền kinh tế thành viên trao đổi thông tin y tế cộng đồng bao gồm cả việc cập nhật các biện pháp ngăn chặn và phát triển bộ dụng cụ xét nghiệm, phương pháp điều trị và sản xuất vắc-xin. Hợp tác khu vực cũng góp phần cải thiện khả năng tiếp cận và năng lực chăm sóc sức khỏe của các nền kinh tế thành viên.

Báo cáo tóm tắt chính sách cũng khuyến nghị các thành viên APEC nên duy trì sản xuất để đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm và vật tư y tế không bị gián đoạn. Khuyến nghị cũng bao gồm việc loại bỏ các biện pháp hạn chế thương mại đối với hàng hóa thiết yếu nhằm đối phó với khủng hoảng và phục hồi sau đại dịch.
 

Các thông điệp chính của Báo cáo tóm tắt chính sách:

- Đại dịch COVID-19 là một cuộc khủng hoảng về kinh tế và sức khỏe chưa từng có mà thế giới phải đối mặt. Tính đến tháng 4 năm 2020, toàn cầu đã có hơn 2 triệu người bị nhiễm bệnh, 40% số đó thuộc khu vực APEC.

- GDP của APEC dự kiến chỉ tăng 2,7% vào năm 2020, tương đương với thiệt hại sản lượng ước tính là 2,1 nghìn tỷ USD và có thêm 23 triệu lao động thất nghiệp do những ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế của đại dịch.

- Hoạt động kinh tế đang đứng trước tình trạng bế tắc khi các nền kinh tế thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt để ngăn chặn đại dịch, bao gồm cấm đi lại, kiểm dịch, phong tỏa và các biện pháp giãn cách xã hội để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19.

- Các hệ thống chăm sóc sức khỏe đang vật lộn với tình trạng thiếu hụt thiết bị y tế cũng như không đủ giường bệnh và khu vực cách ly.

- Các nền kinh tế thành viên APEC đã áp dụng các biện pháp tài chính và tiền tệ đặc biệt, chiếm từ 1 đến 20% GDP, tùy thuộc vào khả năng tài chính. Các biện pháp này nhằm mục đích củng cố hệ thống y tế, hỗ trợ trực tiếp cho các hộ gia đình và doanh nghiệp, bao gồm cả các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.

- Trong đại dịch, vấn đề hợp tác khu vực là rất quan trọng. Các nền kinh tế thành viên nên cùng nhau trao đổi thông tin y tế, tiếp tục mở các chuỗi cung ứng sản phẩm y tế và thực phẩm cũng như điều phối các phản ứng chính sách. Hợp tác khu vực cần được duy trì và tăng cường nhằm đảm bảo khả năng phục hồi và khôi phục tăng trưởng khu vực trong tương lai.


 *Toàn văn Báo cáo xin xem tại địa chỉ: https://www.apec.org/Publications/2020/04/APEC-in-the-Epicentre-of-COVID-19

Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ

Lượt xem: 1589

TAGS : COVID-19nCoV
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)