Thứ tư, 30/09/2020 17:52 GMT+7

Chung kết cuộc thi Sinh viên với Sở hữu trí tuệ 2020: Khởi nghiệp bền vững dựa trên quyền sở hữu trí tuệ

Ngày 23/9/2020, Chung kết cuộc thi “Sinh viên với Sở hữu trí tuệ năm 2020” đã diễn ra tại Khu Công nghệ Phần mềm TP. Hồ Chí Minh. Nằm trong chuỗi các sự kiện kỷ niệm 25 năm thành lập Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, chào mừng Ngày Sở hữu trí tuệ (SHTT) thế giới 26/4 và Ngày Khoa học Công nghệ Việt Nam 18/5, Cuộc thi “Sinh viên với SHTT (S&IP) lần thứ I” với chủ đề “Khởi nghiệp bền vững dựa trên quyền SHTT” do Trung tâm SHTT và Chuyển giao công nghệ (Đại học Quốc gia TP. HCM) chủ trì, phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ và các đơn vị liên quan tổ chức đã thu hút hàng trăm sinh viên từ các trường đại học khu vực phía Nam và Đồng bằng Sông Cửu Long tham gia.

Tham dự Chung kết Cuộc thi có PGS.TS. Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng, Giám đốc Đại học Quốc gia TP. HCM; ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ; đại diện các nhà tài trợ; thành viên Hội đồng giám khảo và Ban cố vấn của cuộc thi S&IP.

Cuộc thi đã thu hút được sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức, nhà tài trợ nhằm tạo một sân chơi khoa học và bổ ích cho các bạn sinh viên. 33 đội tham gia dự thi với các ý tưởng sáng tạo, phong phú trong nhiều lĩnh vực khác nhau: giáo dục, y tế, nông nghiệp, môi trường… đã thể hiện tri thức, niềm đam mê và nhiệt huyết của sinh viên Việt Nam- chủ nhân tương lai của đất nước.Vượt qua các vòng sơ loại, 10 dự án xuất sắc nhất đã được lựa chọn vào Vòng thi Chung kết ngày 23/9/2020.

Phát biểu khai mạc Chung kết cuộc thi, PGS. TS Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc Đại học Quốc gia TP. HCM nhấn mạnh vai trò của SHTT đối với phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong môi trường giáo dục. Ông cho rằng các trường đại học cần bảo hộ tốt quyền SHTT, ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền, có một hệ thống SHTT phát triển mạnh mới có thể thúc đẩy phát triển công nghệ mới. Chiến lược phát triển của Đại học Quốc gia TP. HCM tập trung cao vai trò của SHTT, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp dựa trên tài sản trí tuệ. PGS.TS Huỳnh Thành Đạt cho biết Cuộc thi cần được tổ chức định kỳ hằng năm nhằm thúc đẩy văn hóa tôn trọng quyền SHTT trong giới sinh viên.

Đại diện cho Cục Sở hữu trí tuệ - đơn vị phối hợp tổ chức Cuộc thi, Cục trưởng Đinh Hữu Phí đánh giá cao vai trò, vị trí và đóng góp của của Đại học Quốc gia TP. HCM trong hoạt động SHTT. Đại học Quốc gia TP. HCM là đơn vị tham gia sớm nhất vào Mạng lưới Trung tâm Hỗ trợ công nghệ và đổi mới sáng tạo (TISC) do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) khởi xướng; đã thiết lập được Bộ phận chuyên trách về SHTT, triển khai các hoạt động SHTT một cách chủ động và hiệu quả mà Sinh viên với Sở hữu trí tuệ là minh chứng rõ nét. Cục trưởng mong muốn mô hình Cuộc thi này sẽ được nhân rộng ra các tổ chức giáo dục khác và được tổ chức thường xuyên để trang bị cho các bạn sinh viên những kiến thức, kỹ năng về SHTT giúp họ vững tin trong lập nghiệp và tham gia phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời góp phần tạo dựng văn hóa SHTT trong xã hội – một nhiệm vụ được đặt ra trong Chiến lược SHTT đến năm 2030.

Tại Vòng Chung kết cuộc thi, các nhóm tác giả đã trình bày ý tưởng xuất sắc của mình và giải đáp các câu hỏi của Ban giám khảo liên quan đến ý tưởng sáng tạo, ý tưởng kinh doanh và kỹ năng vận dụng công cụ SHTT để hướng tới hiện thực hóa các ý tưởng đó.

Kết thúc Cuộc thi, Ban Tổ chức đã trao các giải như sau:

Giải Đặc biệt đã thuộc về nhóm tác giả Trường Đại học Bách khoa TP.HCM với dự án "Tự động hóa trong quy trình làm sạch tổ yến".

Giải Nhất thuộc về nhóm tác giả Trường Đại học Quốc tế & Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM với dự án "IELTS TINDER – Ứng dụng thực hành IELTS".

Giải Nhì thuộc về nhóm tác giả Trường Đại học Bình Dương và Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM với dự án "Giấm dừa – Giấm sạch lên men tự nhiên an toàn và tốt cho sức khỏe người tiêu dùng".

Giải Ba thuộc về nhóm tác giả Trường Đại học Bách khoa TP.HCM với dự án "Mặt nạ không khí (AIR MASK) MARK FOR THE BUS".

Hai Giải Khuyến khích thuộc về nhóm tác giả Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch - Trường đại học Kiến trúc TP.HCM với dự án "GORA - Ve chai công nghệ" và nhóm tác giả Trường Đại học Bách khoa TP.HCM với dự án "sản xuất máy bấm da Skin Stapler tại Việt Nam".

Ngoài ra, 4 dự án đã được lựa chọn để trao Giải Tiềm năng gồm: Dự án “Thanh long sinh thái trồng trên vùng ngập mặn" của nhóm tác giả Trường Đại học Gia Định; Dự án "Drone slayer – Hệ thống phòng thủ drone" của nhóm tác giả Trường Đại học Việt - Đức; Dự án "Mô hình trồng nấm rơm trong bịch" của nhóm tác giả Trường Đại học Cần Thơ; Dự án "Vườn thuốc nam online" của nhóm tác giả Trường Đại học An Giang - ĐHQG TP.HCM.

S&IP lần thứ I đã cung cấp cho sinh viên một môi trường ươm tạo, giúp biến ý tưởng sáng kiến, sáng tạo thành giải pháp cụ thể, có tiềm năng khởi nghiệp. Đến với Cuộc thi, các bạn sinh viên đã hiểu được những kiến thức và kỹ năng để “định hình” nên những doanh nhân khởi nghiệp tiềm năng./.


Một số hình ảnh của Chung kết cuộc thi:


 

Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ

Lượt xem: 1415

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)