Thứ tư, 28/04/2021 09:11 GMT+7

Sở hữu trí tuệ góp phần tăng giá trị cho doanh nghiệp nhỏ và vừa - Đánh giá thực tiễn của các doanh nghiệp tại châu Âu

Theo một nghiên cứu chung của Cơ quan Sáng chế Châu Âu (EPO) và Cơ quan Sở hữu trí tuệ Liên minh Châu Âu (EUIPO) công bố tháng 5/2019, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) nộp đơn đăng ký bằng sáng chế, nhãn hiệu hoặc kiểu dáng công nghiệp có nhiều khả năng tăng trưởng cao hơn so với các DNNVV không đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) thường được ví là xương sống của nền kinh tế và ở châu Âu cũng không phải ngoại lệ. Năm 2016, các DNNVV đại diện cho 99% tổng số doanh nghiệp hoạt động tại khu vực kinh doanh phi tài chính EU 28, thu hút 67% số lượng lao động và đóng góp 57% tổng giá trị sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực này.



 

Theo báo cáo nghiên cứu chung “Các doanh nghiệp tăng trưởng cao (DNTT cao) và quyền sở hữu trí tuệ” (High-growth firms and intellectual property rights)  của Cơ quan Sáng chế Châu Âu (EPO) và Cơ quan Sở hữu trí tuệ Liên minh Châu Âu (EUIPO) công bố tháng 5/2019, thành công của các DNTT cao  này thường bắt nguồn từ việc đầu tư vào đổi mới sáng tạo, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và mở rộng thị trường quốc tế. Điều này được nhận định thông qua các kết quả thu được dưới đây:

DNTT cao chỉ đại diện cho 6% mẫu các DNNVV châu Âu được xem xét trong nghiên cứu, nhưng đóng góp 28% trong tổng số việc làm ròng của các DNNVV. Các DNTT cao này có cấu trúc và nguồn gốc đa dạng, nhưng cũng có chung một số đặc điểm như vốn con người, R&D và tài sản trí tuệ thường là những yếu tố quan trọng trong sự phát triển của họ (Coad và Rao, 2008; KFW, 2017). Các doanh nghiệp này thường sẵn sàng chấp nhận những rủi ro dường như không thể chấp nhận được với các đối tác lớn hơn của họ và đóng vai trò là tác nhân thay đổi nhằm cung cấp các nguồn ý tưởng và thử nghiệm mới đã bị những người đương nhiệm bỏ qua hoặc không khai thác.

Với mục tiêu điều tra tầm quan trọng của việc sử dụng các quyền SHTT đã đăng ký đối với các DNNVV trong tương lai, báo cáo nghiên cứu đã ghi lại các hoạt động nộp đơn đăng ký bảo hộ sáng chế, nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp của các DNNVV tại Châu Âu, và của các DNTT cao trong số đó. Đặc biệt, nghiên cứu nhằm mục đích xác định liệu các hoạt động SHTT có thể được các nhà đầu tư tiềm năng, đối tác kinh doanh và các nhà hoạch định chính sách sử dụng như một nguồn thông tin có giá trị để phát hiện các DNNVV có tiềm năng tăng trưởng cao hay không. Một số kết quả thu được từ nghiên cứu, đó là:



(Nguồn: Internet)

 

1. DNNVV đã tiến hành các hoạt động SHTT có năng lực tăng trưởng tốt hơn các DNNVV khác

Các DNNVV đã nộp ít nhất một đơn đăng ký bảo hộ quyền SHTT có khả năng tăng trưởng 21% trong ba năm tiếp theo và 10% khả năng trở thành DNTT cao. Các kết quả tương tự cũng thu được khi phân tích chỉ tập trung vào việc sử dụng trước các bằng sáng chế hoặc nhãn hiệu. Ví dụ, khả năng một doanh nghiệp trở thành DNTT cao cao hơn 9% khi đã nộp ít nhất một đơn đăng ký sáng chế trong ba năm trước đó và cao hơn 13% đối với những doanh nghiệp đã nộp ít nhất một nhãn hiệu.

2. Khả năng trở thành một DNTT cao đối với các DNNVV đã nộp một đơn đăng ký bảo hộ quyền SHTT tại châu Âu (nước ngoài)

Các phân tích sâu hơn cho thấy các DNTT cao phụ thuộc nhiều hơn vào sự bảo hộ quyền SHTT quốc tế so với các DNNVV khác. Khả năng trở thành DNTT cao cao hơn 17% đối với các doanh nghiệp đã nộp ít nhất một đơn đăng ký bảo hộ quyền SHTT châu Âu, so với 6% đối với những doanh nghiệp chỉ nộp đơn đăng ký bảo hộ trong nước. Sự khác biệt này được đánh dấu đặc biệt đối với sáng chế: Các DNNVV đã nộp ít nhất một đơn đăng ký sáng chế châu Âu có khả năng trở thành DNTT cao cao hơn 34%, trong khi việc chỉ nộp đơn đăng ký sáng chế trong nước trước đó không thấy được là có tương quan rõ ràng với khả năng tăng trưởng cao hơn. Do đó, nộp đơn đăng ký bảo hộ quyền SHTT châu Âu là một chỉ số tích cực về sự sẵn sàng của DNNVV nhằm nâng hoạt động kinh doanh theo chuẩn châu Âu.

3. Số lượng đơn đăng ký sáng chế đã nộp là cơ sở tốt nhất đánh giá DNTT cao trong các ngành công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thấp

Các chỉ số dựa trên hồ sơ đăng ký bằng sáng chế trước đây là những yếu tố dự báo đặc biệt tốt về tiềm năng tăng trưởng cao trong các ngành công nghệ cao như dược phẩm, điện tử và tàu vũ trụ và máy móc liên quan. Trong những ngành đó, khả năng tăng trưởng cao hơn 110% đối với các DNNVV đã nộp bằng sáng chế châu Âu. Điều thú vị là khả năng dự đoán của các bằng sáng chế cũng rất cao trong các ngành công nghệ thấp (chẳng hạn như các sản phẩm thực phẩm và dệt may), nơi mà việc nộp đơn đăng ký sáng chế của Châu Âu có liên quan đến việc tăng 172% khả năng tăng trưởng của các DNNVV trong lĩnh vực này. Điều này cho thấy khả năng phản ánh lợi thế cạnh tranh của các bằng sáng chế mà một công ty trong lĩnh vực công nghệ thấp có thể đạt được bằng cách đổi mới sáng tạo.

4. Số lượng đơn đăng ký  nhãn hiệu đã nộp là cơ sở tốt nhất đánh giá DNTT cao trong các ngành công nghiệp định hướng tiêu dùng

Các hồ sơ về đăng ký nhãn hiệu trước đây được cho là những yếu tố dự báo tốt hơn về tiềm năng tăng trưởng cao trong các ngành định hướng tiêu dùng. Trong các ngành công nghiệp tiêu dùng không lâu bền (ví dụ như thiết bị ghi, mỹ phẩm và dược phẩm), việc nộp đơn trước nhãn hiệu châu Âu có liên quan đến khả năng tăng trưởng cao lên đến 62%. Ngược lại, việc nộp nhãn hiệu quốc gia là một yếu tố dự đoán tốt hơn (+ 49%) về khả năng tăng trưởng cao trong các ngành tiêu dùng lâu bền như điện tử tiêu dùng, nội thất và đồ trang sức.

5. DNNVV đã tiến hành đăng ký một tập hợp nhãn hiệu, sáng chế và kiểu dáng thay vì chỉ đăng ký bảo hộ một quyền SHTT có khả năng đạt được tăng trưởng cao hơn

Tập hợp các kết quả cuối cùng nêu bật tính bổ sung hiện có giữa các loại quyền SHTT khác nhau và sự phù hợp đối với các DNNVV trong việc kết hợp sáng chế, nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp để hỗ trợ hiệu quả hơn cho hoạt động kinh doanh. Các DNNVV sử dụng nhiều nhãn hiệu, sáng chế và kiểu dáng công nghiệp có nhiều khả năng trải qua thời kỳ tăng trưởng cao hơn so với các doanh nghiệp chỉ dựa vào một loại quyền sở hữu trí tuệ. Một tập quyền SHTT trong đó có đăng ký nhãn hiệu sẽ tự động đóng vai trò nổi bật hơn các nhóm quyền SHTT khác và các quyền SHTT riêng biệt, do đó, nghiên cứu kiến nghị nhãn hiệu là nền tảng tạo dựng cơ bản các quyền SHTT hiệu quả. Điều này có thể bởi thực tế rằng đăng ký nhãn hiệu thường liên quan tới việc tiếp cận thị trường và do đó, làm tăng doanh thu.

Phân tích kinh tế lượng bắt nguồn từ các kết quả trong báo cáo nêu trên nhằm đánh giá sức nặng của các chỉ số quyền SHTT, bằng cách đo lường mối tương tác giữa các hoạt động SHTT của các DNNVV và khả năng họ đạt được tăng trưởng cao trong giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, việc đơn thuần nộp đơn đăng ký bảo hộ quyền SHTT là không đủ để kích thích tăng trưởng, mà đây là một dẫn chứng về khả năng tăng trưởng của doanh nghiệp thông qua tạo lập, bảo vệ và khai thác tài sản trí tuệ. Vì vậy, trong hoạt động kinh doanh của mình các doanh nghiệp cần luôn theo dõi, quản lý và tận dụng các lợi thế từ quyền SHTT của mình.

-------------------------------------------------------

1COM (2018), Annual report on European SMEs
https://ec.europa.eu/growth/smes/business-friendly-environment/performance-review_en#annual-report

2Toàn văn báo cáo đăng tải tại:
www.epo.org/high-growth
www.euipo.europa.eu/ohimportal/en/web/observatory/observatory-publications

3Doanh nghiệp tăng trưởng cao trong nghiên cứu này là các doanh nghiệp có tỷ lệ tăng trưởng từ 20% trở lên trong giai đoạn 3 năm liên tiếp

Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ

Lượt xem: 345

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)