Thứ hai, 06/07/2015 10:50 GMT+7

Tọa đàm trao đổi kinh nghiệm về thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ của Malaixia

Ngày 02/07/2015 tại Hà Nội, Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia đã phối hợp với Tập đoàn Phát triển công nghệ Malaixia (Malaysia Technology Development Corporation - MTDC) thuộc Bộ Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Malaixia tổ chức "Tọa đàm...

Chủ trì Tọa đàm có Bà Lê Thị Khánh Vân, Phó Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN Quốc gia; Bà Zaharia Zabidin - Phó Chủ tịch, Giám đốc Văn phòng MTDC; Ông Noor Amal Morad, Phó chủ tịch, Phụ trách lĩnh vực tư vấn kinh doanh MTDC. Đại điện các viện, trường, các Sở, Vụ ban ngành KH&CN, và cùng nhiều doanh nghiệp trong nước.

Sau phát biểu khai mạc của bà Lê Thị Khánh Vân, Phó Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN Quốc gia về thực trạng chung về thương mại hóa kết quả nghiên cứu tại Việt Nam, ông Noor Amal Morad, Phó chủ tịch - Phụ trách lĩnh vực tư vấn kinh doanh của Tập đoàn đã chia sẻ kinh nghiệm hơn 23 năm phát triển của Tập đoàn MTDC - Công ty do Chính phủ Malaixia thành lập từ năm 1992 với mục đích là thúc đẩy thương mại hóa các nghiên cứu trong nước và đầu tư vào những dự án kinh doanh có nền tảng công nghệ cũng như là chuẩn bị cho những thế hệ doanh nghiệp KHCN mới qua các dịch vụ nuôi dưỡng ươm tạo toàn diện.

Trước đây, Tập đoàn được đặt dưới sự quản lý của Bộ Công nghiệp thương mại Malaixia (MITI) trước khi chuyển sang cho Bộ Khoa học, Công nghệ và Đổi mới (MOSTI). Đến nay đã trở thành đầu tầu cho sự phát triển của các doanh nghiệp công nghệ ở Malaixia.

Để hiểu rõ hơn về chuyển giao công nghệ và thương mại hoá kết quả nghiên cứu của Malaixia, ông Noor Amal Morad giới thiệu các hình thức hỗ trợ thương mại công nghệ với chức năng tích hợp như: Quỹ thương mại hoá các kết quả nghiên cứu và phát triển (CRDF, quỹ mua lại công nghệ (TAF), quỹ hỗ trợ cho các công ty mới khởi nghiệp, bắt đầu đi vào hoạt động kinh doanh, những công ty đang phát triển: Business start-up Fund (BST); Business Growth Fund (BGT). Bên cạnh đó, tập đoàn triển khai chương trình Symbiosis, đây là chương trình nhận sinh viên vừa tốt nghiệp từ các trường đại học có tinh thần kinh doanh, sử dụng các kết quả nghiên cứu trong trường đại học để thương mại hoá các kết quả đó rồi đưa ra thị trường, chương trình này còn cung cấp dịch vụ hoàn thiện từ khởi nghiệp tư vấn kinh doanh, tài chính, marketing, thị trường, mối liên hệ doanh nghiệp và các networking khác để công ty có thể lớn mạnh. Từ năm 2005 cho đến nay thì đã có 500 sinh viên vừa tốt nghiệp được lựa chọn từ chương trình này. Tập đoàn cũng đạt được các thành tựu như 280 hoạt động thương mại hoá công nghệ; 218 công nghệ nước ngoài đã được mua; 298 doanh nghiệp KHCN được ươm tạo từ năm 1997; 7 công ty do MTDC đầu tư được niêm yết trên sàn chứng khoán của Kualalumpua; 59 công ty do MTDC cấp kinh phí khởi nghiệp và tách ra từ các trường đại học từ năm 2005; 4.000 cá nhân tham gia trực tiếp vào Chương trình đào tạo thương mại hoá, khởi nghiệp công nghệ từ năm 2005; 248 quyền sở hữu trí tuệ được xác lập - kết quả từ quỹ thương mại hoá các kết quả nghiên cứu (CRDF) và phát triển và quỹ mua lại công nghệ (TAF)…

Tại diễn đàn bà Zaharia Zabidin - Phó Chủ tịch, Giám đốc Văn phòng MTDC giới thiệu về các Chương trình hợp tác kỹ thuật và nâng cao năng lực ASEAN 2015 của Malaixia. Đây là chương trình hợp tác kỹ thuật và nâng cao năng lực cho các nước đang phát triển. Chương trình hợp tác kỹ thuật Malaixia (MTCP) lần đầu tiên được khởi xướng tại Hội nghị chính phủ của người đứng đầu khối thịnh vượng chung (CHOGM) tại Sydney vào tháng hai năm 1978. Chương trình đã được chính thức ra mắt vào ngày 7/9/1980 tại Hội nghị quốc gia của người đứng đầu Khối thịnh vượng chung ở New Delhi, Ấn Độ, để tuyên bố cam kết của Malaixia tới hợp tác Nam-Nam trong hợp tác kỹ thuật đặc biệt giữa các nước đang phát triển (TCĐC). Cùng với tinh thần hợp tác Nam-Nam, Malaixia thông qua MTCP chia sẻ kinh nghiệm phát triển và chuyên môn với các nước đang phát triển khác. MTCP lần đầu tiên được xây dựng dựa trên niềm tin rằng sự phát triển của một quốc gia phụ thuộc vào chất lượng nguồn nhân lực của chính quốc gia đó. Chương trình này là một phần trong cam kết của Chính phủ Malaixia cho việc quảng bá hợp tác KHCN giữa các nước đang phát triển, tăng cường hợp tác khu vực và tiểu khu vực, cũng như nuôi dưỡng một tập thể độc lập giữa các quốc gia đang phát triển. MTCP nhấn mạnh việc phát triển nguồn nhân lực thông qua việc cung cấp đào tạo trong nhiều lĩnh vực khác nhau là những nhân tố rất cần thiết cho sự phát triển của một quốc gia ví dụ như: hành chính công, quản trị tốt, dịch vụ y tế, giáo dục, phát triển bền vững, nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy đầu tư, công nghệ thông tin, ngân hàng. Hơn 100 chương trình MTCP được cung cấp từ 79 cơ sở đào tạo MTCP, trong đó có nhiều trung tâm rất xuất sắc trong việc đào tạo. Kể từ khi ra mắt, đã có hơn 29.000 thành viên tham gia từ 141 nước đã được hưởng lợi từ các chương trình khác nhau do MTCP cung cấp.

Đào tạo tập huấn về thương mại hóa công nghệ dành cho các nhà hoạch định chính sách từ các nước thành viên ASEAN” lần đầu tiên cấp học bổng cho các nước ASEAN, trong đó Việt Nam có 5 học bổng toàn phần tham dự chương trình này. Qua đó, phía Malaixia cũng mong rằng sẽ có thêm những mối quan hệ tốt đẹp hơn nữa với Việt Nam trong lĩnh vực KH&CN. Là đầu mối cho các chương trình MTDC, NASATI sẽ tham gia thu nhận hồ sơ, là cầu nối thông tin giữa các ứng cử viên và phía Malaixia. Hạn nộp hồ sơ đến này 15/07/2015.

Lượt xem: 1519

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)