Thứ năm, 17/03/2016 08:16 GMT+7

Nghiên cứu đề xuất cơ cấu các tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong việc tái cấu trúc hệ thống khoa học và công nghệ thời gian tới

Ngày 10/03/2016, Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN tổ chức sinh hoạt học thuật khoa học với chủ đề nghiên cứu về cơ cấu các tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ nhằm đề xuất cho quá trình tái cấu trúc hệ thống tổ chức khoa học và...
Trình bày tại buổi sinh hoạt học thuật, nghiên cứu viên Nguyễn Minh Hạnh đã trình bày kết quả nghiên cứu về các quá trình tái cấu trúc hệ thống tổ chức KH&CN Việt Nam qua các thời kỳ, kinh nghiệm Trung Quốc về cải cách hệ thống tổ chức NC-PT công nghệ, những vấn đề tồn tại của hệ thống tổ chức NC-PT công nghệ Việt Nam, định hướng cải cách hệ thống này và đề xuất các giải pháp phù hợp với bối cảnh hiện tại.


Tác giả Nguyễn Minh Hạnh trình bày kết quả nghiên cứu tại buổi sinh hoạt học thuật

Trong nghiên cứu này, Nguyễn Minh Hạnh và nhóm tác giả tập trung chủ yếu vào đối tượng nghiên cứu là các tổ chức NC-PT công nghệ trực thuộc Bộ/Ngành bởi đây chính là đối tượng chủ yếu của chính sách cải cách hệ thống tổ chức KH&CN. Theo nhóm tác giả, Việt Nam đã có nhiều giải pháp chính sách cải cách hệ thống KH&CN quốc gia từ những năm 90 thế kỷ 20 cho tới nay. Bên cạnh đó, các nghiên cứu về cải cách hệ thống KH&CN quốc gia cũng đã được tiến hành trong suốt quá trình đó, sử dụng nhiều thuật ngữ như “sắp xếp mạng lưới”, “cải cách hệ thống”, “tái cấu trúc hệ thống”. Trên quan điểm hệ thống hóa lại lý luận, xem xét thực tiễn, đánh giá các giải pháp chính sách, nghiên cứu bối cảnh hiện nay, nghiên cứu này nhằm đưa ra các giải pháp phù hợp với thực tế.
Ủng hộ lý do nghiên cứu, ý kiến góp ý cho rằng cần thiết phải tiến hành nghiên cứu này, bởi mặc dù có thể thấy rằng đâu đó trước đây đã từng có những nghiên cứu tương tự, các giải pháp tương tự song cần phải chú ý đến hai tình huống có thể xảy ra: (1) bối cảnh đã thay đổi và trong bối cảnh mới thì giải pháp cũ sẽ có thể phát huy tác dụng, hoặc (2) bối cảnh không thay đổi thì cách làm phải mới. Yếu tố bối cảnh thực tiễn sẽ là căn cứ để xem xét tính khả thi của các giải pháp đề xuất. Các ý kiến này chú trọng tới tính ứng dụng thực tiễn của nghiên cứu này.
Bên cạnh đó, các ý kiến góp ý khác đề nghị nhóm tác giả tập trung vào làm rõ đối tượng nghiên cứu của đề tài với các đặc trưng của loại hình tổ chức NC-PT thuộc Bộ/Ngành, các yếu tố tác động khuyến khích hay hạn chế hiệu quả hoạt động của loại hình tổ chức này, cũng như định hướng phát triển loại hình tổ chức này trong tương lai. Như vậy, tái cấu trúc hệ thống KH&CN Việt Nam, với đối tượng là các tổ chức NC-PT thuộc Bộ Ngành thì sẽ phải xác định rõ cơ cấu của chúng trong tương lai sẽ ra sao, gồm cả số lượng và cơ chế quan hệ/chính sách quản lý, hiệu quả hoạt động của chúng sẽ như thế nào cũng như tính khả thi của các cơ cấu đề xuất.
Các ý kiến góp ý cũng khuyến cáo nhóm tác giả vì theo kinh nghiệm thực tiễn, quá trình chuyển đổi hệ thống tổ chức KH&CN là tương đối dài. Ngay chính nghiên cứu trường hợp về Trung Quốc tại đề tài này cũng đã chỉ ra họ phải mất tới 15 năm từ 1985-2000 mới có kết quả bước đầu về chuyển đổi hoạt động các tổ chức NC-PT công nghiệp. Trong quá trình đó, không hẳn các trường hợp chuyển đổi đều thành công mà thực tế gặp rất nhiều thất bại. Như vậy, bài học từ kinh nghiệm nước ngoài sẽ cần được xem xét một cách thấu đáo.
Các ý kiến thống nhất đây là một chủ đề nghiên cứu có nhiều thách thức bởi phải xem xét tương hợp giữa lý luận và thực tiễn. Bên cạnh đó, có nhiều yếu tố tác động làm cho việc chuyển đổi hệ thống KH&CN quốc gia không hề đơn giản và diễn ra theo chiều hướng khác nhau, thậm chí đối ngược với quan điểm thiết kế ban đầu.
Đại diện nhóm nghiên cứu, tác giả Nguyễn Minh Hạnh đã tiếp nhận, trao đổi với các ý kiến góp ý, nhằm hoàn thiện nghiên cứu này.
Buổi sinh hoạt học thuật kết thúc trong ngày./.
Quang Hà

Lượt xem: 1141

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)