Thứ năm, 23/01/2025 01:06 GMT+7

Phải coi tiền lương như khoản đầu tư vào con người

Thứ sáu, 15/09/2017 11:23 GMT+7

Tiền lương thấp tạo nên nhiều vấn đề trong quan hệ lao động vì vậy tiền lương cần đảm bảo đủ sống và kích thích tăng năng suất lao động (NSLĐ) đặc biệt phải coi đó là sự đầu tư vào vốn con người, đầu tư cho phát triển...

Đó là ý kiến của TS Trần Thị Minh Phương tại Hội thảo khoa học Quốc gia “Xu hướng phát triển của LĐ trong các loại hình DN ở Việt Nam” diễn ra sáng 14.9. Hội thảo do Viện CN - CĐ (Tổng LĐLĐVN) phối hợp với Tạp chí Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức.

Theo TS Phương, tiền lương là nguồn thu nhập chính để duy trì và nâng cao đời sống cho bản thân NLĐ, gia đình của họ và tái sản xuất sức lao động của NLĐ. Khi đời sống của NLĐ được đảm bảo, NLĐ sẽ yên tâm làm việc và sẽ cố gắng làm việc một cách hiệu quả, do vậy, NSLĐ sẽ tăng lên. 

Vẫn theo TS Phương, về nguyên tắc, tiền lương được trả phụ thuộc vào kết quả đầu ra và gắn với năng suất của NLĐ, tăng lương phải dựa trên tăng NSLĐ. Tuy nhiên, tiền lương cũng cần đảm bảo đủ sống và kích thích tăng NSLĐ; tiền lương phải được coi là sự đầu tư vào vốn con người, đầu tư cho phát triển, là yếu tố quyết định nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

Tiền lương ở Việt Nam được đánh giá là khá thấp. Điều này một mặt tạo ưu thế cạnh tranh trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Mặt khác, tiền lương thấp cũng tạo nên nhiều vấn đề trong quan hệ lao động. Tranh chấp lao động chủ yếu là về vấn đề tiền lương (hơn 80% các cuộc ngừng việc tập thể là đòi tăng lương hoặc trả đúng lương, nhất là lương làm thêm giờ, tiền thưởng, ăn giữa ca…).

TS Phương nhận định, trình độ của lao động trong DN có tác động tích cực đến NSLĐ trong DN. Như vậy, việc đào tạo ngoài DN hay trong DN đều đóng vai trò quan trọng đến tăng NSLĐ trong DN. Tuy nhiên vẫn còn bất cập trong xã hội về đào tạo, cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa nhu cầu về kỹ năng, trình độ và các cơ sở cung cấp dịch vụ giáo dục, đào tạo. Nâng cao chất lượng nhân lực: Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với nhu cầu của DN là việc làm ưu tiên. Sự minh bạch thông tin trong nền kinh tế cũng là động lực thúc đẩy tăng NSLĐ.

“Như vậy, sự điều chỉnh chính sách tiền lương của Nhà nước cũng như của DN cần thiết phải xem xét đến lợi ích của NLĐ nhằm xác định được mức lương xứng đáng với đóng góp của NLĐ, đó là động lực để NLĐ cống hiến, góp phần thúc đẩy NSLĐ chung trong nền kinh tế” - TS Phương nhận định.

Nguồn: Báo Lao Động

 

 

Lượt xem: 3748

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:57516
Lượt truy cập: 14104618