Theo quy định tại điều 30 Luật BHXH năm 2014, đối tượng hưởng chế độ thai sản bao gồm: Người làm việc theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) xác định thời hạn/không xác định thời hạn; HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 - 12 tháng; Người làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 1 - 3 tháng; Cán bộ, công chức, viên chức; Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu; Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như quân nhân; Người quản lý doanh nghiệp; người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương.
Người lao động đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH mà chấm dứt hợp đồng lao động hoặc thôi việc trước khi sinh hoặc nhận con nuôi dưới 6 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản
Điều 31 Luật BHXH 2014 nêu rõ, người lao động (NLĐ) được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp: Lao động nữ mang thai; Lao động nữ sinh con; Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ; NLĐ nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi; Lao động nữ đặt vòng tránh thai, NLĐ thực hiện biện pháp triệt sản; Lao động nam đang đóng BHXH có vợ sinh con.
Đồng thời, phải bảo đảm đủ thời gian tham gia BHXH với trường hợp: Lao động nữ sinh con, nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi hay người mang thai hộ và người nhờ mang thai hộ: Đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi sinh hoặc nhận nuôi con nuôi. Lao động nữ sinh con đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của bác sĩ: Đóng BHXH từ đủ 3 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi sinh.
Đặc biệt, NLĐ đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH mà chấm dứt HĐLĐ hoặc thôi việc trước khi sinh hoặc nhận con nuôi dưới 6 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản như những lao động khác.
Nguồn: Báo Người Lao Động