Thứ bảy, 28/12/2024 03:35 GMT+7

Cha mẹ lưu ý cách chăm sóc trẻ trước bệnh cúm mùa

Thứ hai, 02/03/2020 14:22 GMT+7

Dịch bệnh COVID-19 đang phát triển rất phức tạp trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, 16/16 trường hợp nhiễm COVID-19 đã được chữa khỏi, tuy nhiên Việt Nam không chủ quan trước tình hình dịch bệnh. Cùng với đó, thời tiết miền Bắc đang giao mùa đông – xuân là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại virus phát triển, đặc biệt là virus cúm. Trong đó cúm mùa là bệnh mà trẻ em dễ mắc phải.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Lâm- Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh Nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính. Bệnh lây qua đường hô hấp với biểu hiện trẻ sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, hắt hơi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh hiện nay ở nước ta chủ yếu do các chủng virus cúm A và cúm B. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho, khạc. Thông thường, bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch,… bệnh có thể diễn biến nặng hơn như viêm phổi, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong. Do đó, trong trường hợp trẻ bị mắc cúm, cha mẹ cần lưu ý các điều sau:
 
Hạ sốt
 
Khi trẻ sốt ≥ 38,5 độ C cần nới rộng quần áo cho trẻ. Chườm ấm ở vùng trán, nách, bẹn. Nhiệt độ nước chườm được xác định bằng cách nhúng cùi chỏ của người lớn vào chậu nước, nếu thấy ấm là được.
 
Cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ, mỗi 4- 6h uống nhắc lại 1 lần nếu trẻ có sốt ≥ 38,5 độ C.
 
Vệ sinh đường hô hấp
 
Vệ sinh mũi miệng: Dùng khăn giấy mềm lau sạch mũi, dãi rồi vứt bỏ ngay sau khi sử dụng. (Không nên dùng khăn xô vì sau mỗi lần lau, nếu không thay khăn mới, dùng lại khăn cũ virus vẫn bám lại trên khăn.)
 
Hàng ngày, nhỏ dung dịch nước muối sinh lý Natriclorid 9‰ vào mắt, mũi cho trẻ, súc miệng bằng nước muối sinh lý hoặc nước muối pha loãng đối với trẻ lớn.
 
Thường xuyên vệ sinh tay sạch sẽ bằng xà phòng với nước sạch (vệ sinh cả bàn tay người chăm sóc và cả cho trẻ), tránh tối đa việc đưa tay lên mắt, mũi, miệng.
 
Dinh dưỡng
 
Cho trẻ ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, mềm, dễ tiêu, dễ nuốt: Cháo, sữa, hoa quả và uống nhiều nước.
 
Tăng cường bú mẹ nếu trẻ còn bú mẹ.
 
Phòng lây nhiễm
 
Cách ly trẻ tương đối: Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với trẻ lành, hướng dẫn che miệng và mũi khi ho và hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn giấy.
 
Mang khẩu trang khi chăm sóc trẻ. Tắm cho trẻ bằng nước ấm trong phòng kín gió, để tránh nhiễm lạnh.
 
Khi nào cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay?
 
Khi trẻ có những biểu hiện sau: Sốt cao liên tục ≥ 39ºC, không đáp ứng với thuốc hạ sốt; Co giật; Trẻ li bì, mệt mỏi, ăn kém, nôn trớ nhiều, bỏ ăn hoặc bỏ bú, chân tay lạnh. Trẻ khó thở, thở nhanh.
 
Cách phòng bệnh cúm
 
Tiêm vacxin phòng cúm. Trẻ bị cúm phải được cách ly và người chăm sóc trẻ phải đeo khẩu trang để phòng lây nhiễm.
 
Đảm bảo nơi ở thông thoáng, sạch sẽ, nhiều ánh sáng. Thường xuyên dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa.
 
Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của bệnh viêm đường hô hấp cấp do COVID-19 để đảm bảo an toàn cho trẻ, bác sĩ cũng khuyên: Cha mẹ không nên đưa trẻ đến nơi đông người, nơi có nguy cơ lây nhiễm cao; cần thường xuyên vệ sinh cho trẻ, đặc biệt khuyên trẻ rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn; đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ, đặc biệt với trẻ nhỏ để tăng sức đề kháng.
 
Bên cạnh đó là việc vệ sinh các vật dụng, đồ chơi của trẻ tại nhà hay những vị trí như tay nắm cửa vì COVID-19 phát tán ra không khí, thường bám vào bề mặt của các đồ vật, đồ chơi trẻ em, thậm chí cả trên điện thoại.
 
“Các gia đình cũng nên mở cửa để không khí thông thoáng, nhất là những lúc trời nắng, để ánh nắng mặt trời có thể vào trong phòng. Môi trường ánh nắng cao có thể hạn chế sự lây lan, phát triển của virus, vi khuẩn”, bác sĩ Lâm lưu ý.
 
Nguồn: Báo Lao Động

Lượt xem: 1181

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:2518
Lượt truy cập: 13989031