Chủ nhật, 12/01/2025 19:39 GMT+7

CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH VÀ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN: Hai đột phá của Bảo hiểm xã hội Việt Nam

Thứ năm, 26/03/2020 15:25 GMT+7

Để được kết quả, thành tích trong công tác cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin, ngoài những đóng góp của toàn ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH), còn có sự vào cuộc quyết liệt, chỉ đạo sát sao, hiệu quả của đồng chí Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh.

Tập trung vào các điểm “nóng” liên quan đến lợi ích người dân, doanh nghiệp
 
Ngày 15.2 vừa qua, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Đánh giá kết quả 25 năm thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT); các giải pháp triển khai Nghị quyết số 28-NQ/TW và nhiệm vụ công tác năm 2020”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá BHXH Việt Nam là một trong những đơn vị có nhiều thành tích trong công tác cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin. 
 
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc BHXH - cho biết, từ khi về làm lãnh đạo BHXH Việt Nam, bà Nguyễn Thị Minh đã đem lại “luồng gió mới” trong hoạt động của ngành BHXH. Đặc biệt, bà Minh đã tập trung vào những vấn đề “nóng” liên quan trực tiếp đến lợi ích của người dân, doanh nghiệp, bảo đảm sự ổn định của quỹ BHXH, BHYT như cải cách thủ tục hành chính (TTHC), ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), xử lý các hành vi trốn, nợ đọng BHXH, BHYT…
 
“Có thể nói những sự chỉ đạo, hành động của Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh là một “cuộc cách mạng” thể hiện ý chí của người đứng đầu” - ông Phạm Lương Sơn nhận định.
 
Đặc biệt, bà Minh cho rằng, muốn nâng cao hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp, trước hết phải không ngừng đẩy mạnh cải cách TTHC gắn liền với ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, thực hiện các hoạt động nghiệp vụ… Và để thực hiện cải cách TTHC, lãnh đạo BHXH Việt Nam đã giao Trung tâm CNTT chủ trì, hỗ trợ BHXH các địa phương hoàn thiện các hệ thống trang thiết bị, phần mềm, liên thông cơ sở dữ liệu, ưu tiên cao nhất các hoạt động nghiệp vụ, giải quyết yêu cầu của tổ chức, cá nhân qua giao dịch điện tử.
 
Các đơn vị đã phối hợp rà soát, tiếp tục cắt giảm, đơn giản triệt để hơn nữa các TTHC của ngành. Đồng thời, các đơn vị nghiên cứu điều chỉnh kết cấu TTHC, cách thức mô tả trình tự thực hiện của từng TTHC trong quyết định, công bố theo hướng đơn giản, dễ hiểu. BHXH các địa phương thống nhất niêm yết, công khai trong toàn ngành, để người dân tiếp cận, giảm chi phí, thời gian tìm hiểu thủ tục và chuẩn bị hồ sơ.
 
Sự quyết liệt của Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh và sự nỗ lực của các đơn vị trong ngành đã nhận được sự đánh giá cao của các cấp lãnh đạo, đem lại sự hài lòng của người dân cũng như doanh nghiệp.
 
Quyết liệt trong hành động
 
Chính sách BHYT được thực hiện ở nước ta gần 30 năm và đã đóng góp đáng kể vào việc thay đổi cơ chế tài chính y tế quốc gia, bảo đảm quyền được chăm sóc sức khỏe và khám, chữa bệnh của nhân dân. Nhưng bên cạnh đó, tình trạng lạm dụng, trục lợi BHYT cũng diễn ra khá phức tạp. Làm thế nào để kiểm soát hiệu quả sử dụng quỹ, để từng đồng quỹ được sử dụng đúng mục đích, bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền lợi cho người tham gia?
 
“Câu hỏi ấy luôn trăn trở trong lòng nữ Tổng Giám đốc, không chỉ khi bà đã về công tác trong ngành mà ngay từ khi bà còn là Thứ trưởng Bộ Tài chính và được giao phụ trách lĩnh vực này” - ông Phạm Lương Sơn cho biết.
 
Trong lĩnh vực phòng chống trục lợi BHYT và BHXH, bà Minh luôn là người tiên phong đốc thúc, chỉ đạo lãnh đạo các đơn vị tạo đồng thuận, thống nhất, tập trung của toàn ngành. “Đặc biệt, với sáng kiến của bà Minh, BHXH Việt Nam đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo BHXH cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Sở Tài chính và cơ quan có liên quan thực hiện quản lý và sử dụng có hiệu quả quỹ BHYT và dự toán chi phí KCB BHYT được giao; thực hiện nghiêm quy định về tạm ứng, thanh quyết toán chi phí KCB BHYT theo quy định. Sự vào cuộc 3 năm gần đây của UBND các tỉnh đối với việc kiểm soát chi phí BHYT rất tốt, hạn chế đi được tình trạng trục lợi” - ông Sơn chia sẻ.
 
Ngoài ra, bà Minh đã trực tiếp tổ chức các chuyến đi cơ sở, làm việc với cấp ủy, chính quyền địa phương để tăng cường mối quan hệ phối hợp và tranh thủ sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương với công tác quản lý Quỹ khám, chữa bệnh BHYT.
 
Đi thị sát thực tiễn, bà Minh nhận thấy, nếu chỉ với hơn 2.000 giám định viên BHYT, muốn kiểm soát tốt việc sử dụng quỹ khám, chữa bệnh BHYT sẽ là điều không tưởng nếu không áp dụng công nghệ. Và, qua học tập kinh nghiệm các tổ chức an sinh quốc tế, ý tưởng về một hệ thống giám định điện tử tập trung cứ lớn dần trong tâm thức bà.
 
Những ngày đầu triển khai, có người nghi ngờ, có người phản đối, có người thiếu hợp tác... nhưng với sự nhạy cảm của nhà quản lý chuyên nghiệp, sự tâm huyết của người đứng đầu, bà Minh đã hình dung ra chiến lược ứng dụng CNTT vào các hoạt động nghiệp vụ, coi đây là công cụ hữu hiệu trong quản lý thu, chi, khắc phục sự thiếu hụt nguồn nhân lực do tinh giản biên chế, mang lại sự minh bạch và là chìa khóa để cải cách hành chính thành công.
 
Đến nay, Hệ thống thông tin giám định BHYT với các tính năng giám định tổng hợp, giám định chuyên đề đã từng bước phát huy hiệu quả. Khối lượng công việc thủ công của cán bộ, công nhân viên được giảm bớt. Việc giám sát, kiểm soát quỹ khám, chữa bệnh BHYT từng bước khắc phục được những hạn chế…
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: 
 
“BHXH Việt Nam là một trong những đơn vị có nhiều thành tích trong công tác CCHC và ứng dụng CNTT với nhiều kết quả nổi bật: Đã cắt giảm ¾ số thủ tục hành chính (giảm từ 263 xuống 27 thủ tục); xây dựng cơ sở dữ liệu và cấp mã BHXH cho 97 triệu dân, góp phần quan trọng vào xây dựng chính phủ số, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho toàn xã hội… Đặc biệt là hệ thống giám định BHYT điện tử đã kết nối 100% cơ sở khám chữa bệnh, thực hiện giám định tự động chi phí khám chữa bệnh BHYT giúp cho việc quản lý, sử dụng quỹ khám, chữa bệnh BHYT được công khai, minh bạch, hiệu quả. Có được kết quả này, ngoài những đóng góp của toàn ngành BHXH còn có sự vào cuộc quyết liệt, chỉ đạo sát sao, hiệu quả của đồng chí Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh”.
Hiện nay, nhiều TTHC đã được rút ngắn thời gian giải quyết, như thời hạn cấp sổ BHXH từ 20 ngày, cấp thẻ BHYT từ 7 ngày xuống còn 5 ngày, và cấp lại thẻ BHYT ngay trong ngày đối với những trường hợp đang nằm viện hoặc không có thay đổi về thông tin... Qua đó, CCHC đã giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người lao động khi tham gia giao dịch với cơ quan BHXH. Ngành BHXH đã hoàn thành việc rà soát và cấp mã định danh BHXH cho trên 92 triệu dân. Xây dựng và vận hành Hệ thống thông tin giám định BHYT điện tử lưu trữ hồ sơ khám, chữa bệnh BHYT của trên 85 triệu người tham gia BHYT. Thực hiện kết nối và đồng bộ toàn diện các phần mềm nghiệp vụ.

Lượt xem: 1528

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:34448
Lượt truy cập: 14070425