Thứ sáu, 17/01/2025 00:32 GMT+7

Thẩm quyền, điều kiện để được xét tuyển viên chức

Thứ ba, 05/05/2020 16:03 GMT+7

Người dự tuyển phải đáp ứng các điều kiện xét tuyển viên chức và cơ quan có thẩm quyền tổ chức tuyển dụng quyết định thông qua xét tuyển thì mới được dự tuyển với hình thức xét tuyển

Không chỉ công chức được tuyển dụng thông qua xét tuyển mà viên chức cũng được tuyển dụng thông qua hình thức này.
 
Xét tuyển do cơ quan có thẩm quyền quyết định
 
Điều 23 Luật Viên chức năm 2010 quy định, việc tuyển dụng viên chức dựa vào nhu cầu công việc, vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp công lập và được thực hiện thông qua thi tuyển hoặc xét tuyển.
 
Việc xét tuyển viên chức sẽ do cơ quan có thẩm quyền quyết định
 
Tại điều 5 Nghị định 29/2012/NĐ-CP, việc quyết định tuyển dụng viên chức thông qua thi tuyển hoặc xét tuyển được quy định như sau: Với đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ: Người đứng đầu thực hiện việc tuyển dụng, quyết định tuyển dụng viên chức qua thi tuyển hoặc xét tuyển và chịu trách nhiệm về quyết định của mình; Với đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ: Cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập quyết định hoặc ủy quyền quyết định tuyển dụng viên chức thông qua thi tuyển hoặc xét tuyển; Với tổ chức sự nghiệp thuộc Chính phủ: Người đứng đầu các tổ chức sự nghiệp này quyết định tuyển dụng viên chức qua thi tuyển hoặc xét tuyển.
 
Đặc biệt, hàng năm, đơn vị sự nghiệp công lập phải xây dựng kế hoạch tuyển dụng viên chức và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc quyết định để tổ chức thực hiện.
 
Như vậy, việc xét tuyển viên chức sẽ do cơ quan có thẩm quyền quyết định.
 
Điều kiện để được xét tuyển
 
Việc thi tuyển hay xét tuyển viên chức dựa vào quyết định của cơ quan có thẩm quyền nên để được xét tuyển viên chức thì trước hết phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện dự tuyển viên chức.
 
Việc thi tuyển hay xét tuyển viên chức, trước hết phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện dự tuyển
 
Cụ thể, người dự tuyển viên chức phải đáp ứng các điều kiện nêu tại điều 22 Luật Viên chức và điều 4 Nghị định 29/2012 được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1, điều 2 Nghị định 161/2018/NĐ-CP: Có quốc tịch Việt Nam và cư trú tại Việt Nam; Có lý lịch rõ ràng; Có đủ sức khỏe để thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ; Có đơn đăng ký dự tuyển; Từ đủ 18 tuổi trở lên. Tuy nhiên, trong một số lĩnh vực như văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, tuổi dự tuyển viên chức có thể thấp hơn 18 tuổi nhưng phải từ đủ 15 tuổi trở lên đồng thời phải có văn bản đồng ý của người đại diện theo pháp luật (căn cứ khoản 2, điều 1 Thông tư 15/2012 ); Có văn bằng, chứng chỉ đào tạo, hành nghề hoặc năng khiếu phù hợp với vị trí việc làm, không phân biệt loại hình đào tạo, văn bằng, chứng chỉ, trường công lập, trường ngoài công lập; Các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí việc làm do đơn vị sự nghiệp công lập xác định nhưng không được trái quy định pháp luật.
 
Đặc biệt, những người sau đây không được đăng ký dự tuyển viên chức: Người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành bản án, quyết định về hình sự của Tòa án; đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng.
 
Như vậy, người dự tuyển phải đáp ứng các điều kiện xét tuyển viên chức nêu trên và cơ quan có thẩm quyền tổ chức tuyển dụng viên chức quyết định tuyển dụng viên chức thông qua xét tuyển thì mới được dự tuyển thông qua hình thức xét tuyển.
 
Nguồn: Báo Người Lao Động

Lượt xem: 1257

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:46464
Lượt truy cập: 14085424