Thứ tư, 16/07/2025 22:07 GMT+7

Phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức Công đoàn

Thứ tư, 05/07/2017 06:37 GMT+7

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Đánh giá cao Tổng Liên đoàn thời gian qua đã làm nhiều việc cho giai cấp công nhân

Sáng 28/6, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc với Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhằm đánh giá kết quả thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn năm ‎2016-2017, trọng tâm phối hợp công tác năm ‎2017-2018.

Nhiều hoạt động  xem xét, giải quyết một số nhu cầu cấp thiết của người lao động được quan tâm

Thay mặt Đoàn Chủ tịch trình bày báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn năm ‎2016-2017, đồng chí Bùi Vă Cường, ủy viên trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN cho biết: Năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, song với sự quan tâm của Đảng và Chính phủ, thu nhập, đời sống của công nhân lao động đã có bước cải thiện; quyền của người lao động được đảm bảo, nhiều vấn đề liên quan đến lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân lao động và hoạt động công đoàn được Chính phủ quan tâm; công tác phối hợp trong việc nắm tình hình, trao đổi thông tin ngày càng chặt chẽ, nhất là trong triển khai thực hiện các kết luận của Thủ tướng Chính phủ theo Thông báo số 176/TB-VPCP ngày 13/7/2016 đã được các Bộ, ngành phối hợp với Tổng Liên đoàn triển khai nghiêm túc.

Để góp phần xây dựng “Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ Nhân dân” và phát triển kinh tế bền vững, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn chủ động xây dựng kế hoạch làm việc với các địa phương nơi xảy ra nhiều cuộc ngừng việc tập thể của người lao động, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để đề xuất các giải pháp góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Số vụ ngừng việc tập thể năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017 tiếp tục giảm so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, Tổng Liên đoàn đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, triển khai nhiều hoạt động hiệu quả, thiết thực hơn, chăm lo nhiều hơn, cụ thể hơn đến đoàn viên và người lao động. Trên cơ sở đề xuất của TLĐ, ngày 12 tháng 5 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 655/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Đầu tư xây các dựng thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, để chăm lo tốt hơn tới những quyền lợi thiết thân của đoàn viên và người lao động. Tổng Liên đoàn đã quyết định đầu tư xây dựng 3 thiết chế công đoàn đầu tiên tại 3 tỉnh: Hà Nam, Quảng Nam và Tiền Giang. Tổng Liên đoàn đã triển khai chương trình phúc lợi đoàn viên, lấy lợi ích mang lại cho đoàn viên làm điểm tập hợp, theo đó năm 2016 và 2017 đã ký kết với 17 doanh nghiệp để đoàn viên có thẻ đoàn viên công đoàn khi sử dụng dịch vụ, sản phẩm của doanh nghiệp đã ký kết sẽ được miễn giảm giá từ 5-20% so với giá niêm yết.

Nhiều hoạt động  xem xét, giải quyết một số nhu cầu cấp thiết của người lao động được quan tâm, trong đó phải kể đến, Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị trực tuyến quốc gia về nhà ở xã hội và nhà ở công nhân; Phó Thủ tướng Chính phủ làm trưởng đoàn khảo sát đời sống công nhân lao động và các thiết chế của công đoàn phục vụ công nhân lao động tại khu công nghiệp, khu chế xuất; Đoàn giám sát liên ngành do Tổng Liên đoàn làm Trưởng đoàn tổ chức giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội tại 9 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương. Các cấp công đoàn tham gia và tổ chức 20.514 cuộc kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật đối với người lao động.

Liên tục trong 2 năm 2016 và 2017, Thủ tướng Chính phủ đã gặp gỡ, đối thoại với công nhân, lao động vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và miền Trung với nội dung, phương thức tổ chức ngày càng thiết thực, trở thành động lực tinh thần mạnh mẽ để công nhân, lao động đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tạo động lực để lãnh đạo các địa phương đối thoại, gặp gỡ công nhân lao động trong tháng công nhân.

Tổng Liên đoàn đã tổ chức tham gia đóng góp ý kiến vào 182 dự thảo Luật, Nghị định, Thông tư... có liên quan đến người lao động và tổ chức Công đoàn... nhiều đề xuất của Công đoàn đã được tiếp thu. Tổng Liên đoàn đã chủ động nghiên cứu, tích cực đề xuất với  Hội đồng tiền lương quốc gia về tăng lương tối thiểu vùng hợp lý; Chính phủ đã quyết định tăng lương tối thiểu vùng 2017 lên 7,3%.

Về công tác thực hiện Kết luận của Thủ tướng tại buổi làm việc với Đoàn Chủ tịch TLĐ ngày 09/7/2016 (Thông báo số 176/TB-VPCP ngày 13/7/2016 của Văn phòng Chính phủ) Chủ tịch TLĐ Bùi Văn Cường thông tin, có 10 kiến nghị của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn đã được xem xét giải quyết. Tiêu biểu như chủ trương giải quyết các trường hợp người lao động đã đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ nhưng bị người sử dụng lao động chiếm dụng; miễn nộp ngân sách nhà nước phần lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập quỹ của các doanh nghiệp công đoàn; Quyết định về tổ chức và hoạt động của Viện Khoa học an toàn và vệ sinh lao động thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Quyết định phê duyệt Đề án Đầu tư xây các dựng thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; Giải thưởng “Doanh nghiệp vì Người lao động”. Còn 3 nội dung đang được các Bộ, Ngành thực hiện.

 Phối hợp tổ chức các buổi gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo với công nhân, người lao động nhiều hơn nữa

Sau khi lắng nghe ý kiến của Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường và các ủy viên Đoàn Chủ tịch, ý kiến các bộ, ngành, kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng nhất trí đánh giá rằng đời sống của giai cấp công nhân đã khá hơn. Giai cấp công nhân đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước năm 2016 cũng như 6 tháng đầu năm 2017.

Đánh giá cao Tổng Liên đoàn thời gian qua đã làm nhiều việc cho giai cấp công nhân, Thủ tướng khẳng định: “Tôi và các đồng chí thành viên Chính phủ luôn đặc biệt quan tâm đến bảo đảm điều kiện làm việc và đời sống vật chất tinh thần cho người lao động, đặt vấn đề nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, xây dựng thiết chế văn hóa tại các khu công nghiệp, khu chế xuất…”, Thủ tướng nói. Đặc biệt, trong 2 năm 2016, 2017, Thủ tướng dành nhiều thời gian để xử lý kiến nghị của công đoàn. Thủ tướng mong muốn Tổng Liên đoàn kiểm tra việc thực hiện kết luận, chỉ đạo, lời hứa cũng như cam kết của Thủ tướng đối với công nhân, người lao động như các ý kiến chỉ đạo, giải quyết vướng mắc được nêu ra tại các cuộc đối thoại giữa Thủ tướng và công nhân, người lao động trong 2 năm qua, tại Đồng Nai, Đà Nẵng. “Kiểm tra xem những người được Thủ tướng trao tặng kinh phí làm nhà thì đã làm nhà chưa”- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị.

Thủ tướng nhìn nhận, sự phối hợp công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn ngày càng hiệu quả, thực chất hơn. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, còn 3 nội dung phối hợp còn nhiều khó khăn, vướng mắc, chưa đạt kết quả như chính sách ưu tiên người lao động tại công ty cổ phần có vốn nhà nước được mua cổ phần khi nhà nước thoái vốn, Đề án “Cung ứng dịch vụ và truyền thông tư vấn trực tiếp cho công nhân lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất về chăm sóc sức khỏe sinh sản”, hỗ trợ kinh phí để tổ chức Công đoàn triển khai chương trình khuyến khích học tập nâng cao trình độ tay nghề cho công nhân, lao động.

Về chương trình phối hợp trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị Tổng Liên đoàn tiếp tục tích cực tham gia xây dựng thể chế, chủ động đóng góp ý kiến xây dựng, phổ biến chính sách, pháp luật, nhất là chính sách liên quan đến chế độ của người lao động, góp phần xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Thủ tướng cũng đã chia sẻ về việc cần tuyên truyền cho CNLĐ hiểu về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong đó chú trọng làm cho công nhân hiểu về việc cần năng động, đổi mới, học nghề, tự rèn luyện, tự khởi nghiệp để nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, phải tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua, tuyên truyền tốt hơn, đẩy lùi các thông tin tiêu cực, góp phần củng cố niềm tin của người lao động vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và sự quản lý, điều hành của Chính phủ.

Thủ tướng cho rằng Chính phủ cũng như Tổng Liên đoàn cần tiếp tục lo là chăm lo đời sống người lao động, trước hết là việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. Đồng thời, cần phối hợp để tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động, kịp thời kiến nghị giải quyết vướng mắc, xử lý vi phạm, góp phần xây dựng quan hệ hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp. Nâng cao hiệu quả giám sát xã hội. Phối hợp tổ chức các buổi gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo với công nhân, người lao động nhiều hơn nữa, trong đó có cuộc gặp giữa Thủ tướng với các đại diện các đoàn đại biểu dự Đại hội công đoàn Việt Nam hay cuộc đối thoại giữa Thủ tướng với công nhân, người lao động nhân dịp Tết Lao động 1/5…

Về việc xác định lộ trình thực hiện tiền lương tối thiểu của người lao động theo Điều 91 Bộ luật Lao động năm 2012, Thủ tướng đề nghị Tổng Liên đoàn đề xuất, tham gia ý kiến với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, với Hội đồng Tiền lương Quốc gia để trình Thủ tướng xem xét. Thủ tướng nêu rõ tinh thần giải quyết một cách hài hòa, các bên thảo luận một cách thấu tình đạt lý, chặt chẽ, “phải trái phân minh, nghĩa tình trọn vẹn”, bởi nếu tăng lương tối thiểu cao quá thì khó thu hút đầu tư, có nghĩa là không giải quyết nhiều việc làm cho người lao động nhưng để thấp quá thì đời sống người lao động gặp khó khăn.

Về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm trong bữa ăn ca của CNLĐ, Thủ tướng yêu cầu phải bảo đảm bữa ăn cho người công nhân, kiểm soát cả số lượng, chất lượng, nguồn cung cấp thực phẩm an toàn, xác định trách nhiệm cá nhân và xử lý nghiêm khác việc để xảy ra ngộ độc… Thủ tướng chia sẻ và cho rằng, lương công nhân còn thấp, phải dựa vào tái sản xuất sức lao động thông qua bữa ăn tập thể giữa ca. “Đây là việc quan trọng mà tất cả chúng ta đều phải quan tâm”.

Kết thúc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Chính quyền địa phương và các cấp công đoàn tạo mọi điều kiện cho sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, hệ sinh thái khởi nghiệp, phát triển hợp tác xã, FDI và các loại hình doanh nghiệp của Việt Nam để làm sao giải quyết việc làm cho người lao động tốt nhất, đồng thời, các cấp, các ngành và các doanh nghiệp phải quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của người lao động, để người lao động có điều kiện tái sản xuất sức lao động, xây dựng quan hệ tốt đẹp giữa lao động và doanh nghiệp.

 Nguồn NLĐ

Lượt xem: 4250

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:39208
Lượt truy cập: 15182901