Thứ hai, 06/01/2025 18:24 GMT+7

Lấy ý kiến các Bộ, Ngành về ứng phó với Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Thứ tư, 18/01/2017 10:38 GMT+7

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã đến và Việt Nam không thể bỏ lỡ cơ hội phát triển này- đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Phạm Đại Dương tại Tọa đàm “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Industry 4.0): Huy động nguồn lực, tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức” do Bộ KH&CN tổ chức sáng 13/1/2017.

Tọa đàm do Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đại Dương chủ trì nhằm lấy ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành, một số địa phương để hoàn thiện báo cáo về huy động nguồn lực, tận dụng cơ hội, giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực của Industry 4.0 trình Chính phủ. Tham dự Tọa đàm có các nhà quản lý, chuyên gia đến từ Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Văn phòng Chính phủ, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam…
 


Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đại Dương phát biểu ý kiến tại Tọa đàm (Ảnh: Trần Phong)


Có thể khẳng định, nếu cách mạng công nghiệp lần thứ 1 là cơ khí hóa, cách mạng công nghiệp lần thứ 2 là điện khí hóa, cách mạng công nghiệp lần thứ 3 là tự động hóa thì cách mạng công nghệ lần thứ 4 tạm khái quát là số hóa và tự động hóa thông minh. Theo đó, Industry 4.0 có ba đặc trưng cơ bản: Kết hợp giữa hệ thống thực với hệ thống ảo; Quy mô trên nhiều lĩnh vực và diễn ra với tốc độ nhanh; Tác động mạnh mẽ và toàn diện. 

Thực tế cho thấy Industry 4.0 đang vẽ lại bản đồ thế giới: Mỹ khôi phục vị thế hàng đầu; Đức, một số nước Châu Âu, Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc) cũng tham gia mạnh mẽ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo. Những quốc gia chủ yếu dựa vào dầu mỏ hay tài nguyên bị ảnh hưởng mạnh như OPEC, Úc, Canada, Nga, Braxin… đang trải qua một quá trình tái cơ cấu nhiều thách thức. Industry 4.0 cũng vẽ lại bức tranh về các doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới với slogan “Chia tay dầu mỏ, đón chào công nghệ”. 

Trước câu hỏi “Đã đến thời điểm của Industry 4.0 hay chưa? Việt Nam có quá lo lắng trước Industry 4.0?”, hầu hết các đại biểu đều cho rằng: Chúng ta đã lỡ nhịp với 3 cuộc cách mạng công nghiệp trước đó, và Industry 4.0 là cơ hội không thể bỏ lỡ. Industry 4.0 đã hiện diện khá rõ nét trên thế giới và sẽ rất sớm “cơn lốc” này sẽ đổ bộ vào Việt Nam. 

GS.TS Đỗ Trung Tá, Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, đứng trước Industry 4.0, yêu cầu đặt ra đối với Việt Nam đó là: Thông minh hóa mạng lưới Internet để phục các ngành, tri thức hóa nguồn nhân lực, đặc biệt là tăng cường phổ biến kỹ năng sử dụng Internet và phải quyết liệt như kiểu “diệt giặc dốt”. Bên cạnh đó là toàn cầu hóa kinh doanh thông qua Internet và cuối cùng là tiêu chuẩn hóa cuộc sống. 

Điều này cũng được ông Trương Đình Tuyển, Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại khuyến cáo: Việt Nam nên tập trung vào các ngành có lợi thế so sánh để đầu tư, cụ thể là ngành nông nghiệp, du lịch, công nghệ thông tin. 

Các vấn đề đặt ra với Việt Nam trước Industry 4.0 được chỉ ra đó là: Nhận thức chung về thực chất Industry 4.0 để đưa ra các hành động cụ thể. Theo đó, cụm từ nào có thể nói được bản chất của Industry 4.0 như các cuộc cách mạng công nghiệp trước, cùng với đó là đổi mới mô hình tăng trưởng ở các cấp độ doanh nghiệp, ngành, quốc gia. 

Trước nhiều vấn đề đặt ra khi đối diện với Industry 4.0, báo cáo của Bộ KH&CN dự kiến trình Chính phủ sẽ làm rõ: Bản chất thực sự của Industry 4.0, các vấn đề đặt ra cho mỗi quốc gia khác nhau, trong đó có Việt Nam; Kinh nghiệm ứng phó với Industry 4.0 của các quốc gia, cụ thể, chủ thuyết của các quốc gia đi đầu như Đức, Mỹ, các quốc gia xem xét Industry 4.0 và đặt vào sự phát triển kinh tế xã hội như Nhật Bản. Hiện trạng về trình độ sản xuất, quy mô nền kinh tế Việt Nam để từ đó đưa ra các giải pháp hành động khả thi để tận dụng cơ hội của Industry 4.0 (các khu vực đã tích lũy được nền tảng công nghệ, kỹ thuật nhất định) và giảm thiểu các tác động tiêu cực lên kinh tế- xã hội. Từ những dữ liệu trên, tham mưu với Chính phủ phân công cho các Bộ, ngành, một số địa phương mạnh (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh) thực hiện các giải pháp và hành động cụ thể. 

Bộ KH&CN đã đặt hàng chuyên gia cho ý kiến về những nội dung trên và dự kiến, các ý kiến đóng góp cho bản báo cáo sẽ được gửi về trước ngày 15/2/2017. Cuối tháng 2 sẽ tổ chức Hội đồng báo cáo Chính phủ.

 

 

 

 

Lượt xem: 6666

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:30614
Lượt truy cập: 14016062