Thứ hai, 05/08/2024 17:13 GMT+7

Tìm lời giải bài toán kinh phí công đoàn

Thứ hai, 30/09/2019 14:58 GMT+7

Phải hướng mục tiêu thu kinh phí công đoàn (KPCĐ) lên khỏi khái niệm “hoàn thành nhiệm vụ” để vươn tới khái niệm phục vụ công nhân (CN). Vì chỉ có phục vụ thiết thực, công khai minh bạch cho CN, mới là chìa khóa để thu KPCĐ một cách thuận lợi và bền vững

Đó là thông điệp được đúc kết tại Hội thảo “Nâng cao chất lượng quản lý tài chính, tài sản CĐ năm 2019” do LĐLĐ Đồng Tháp vừa tổ chức tại TP.Cao Lãnh, Đồng Tháp.

Từ khó đến khổ

Mở đầu buổi hội thảo, bà Đặng Thị Tuyết Trinh - Phó Ban Tài chính LĐLĐ Đồng Tháp - cho biết, 8 tháng đầu năm, thu KPCĐ toàn tỉnh đạt 60,49%. Đáng báo động hơn là thu KPCĐ của các đơn vị chưa thành lập CĐCS chỉ đạt hơn 18%. Trong khi đó, thu đoàn phí CĐ cũng đang dưới mức 70%.

Tuy nhiên theo bà Trinh, lỗi ở đây không chỉ đến từ doanh nghiêp (DN). Cụ thể, bên cạnh yếu tố sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, một số DN có ý thức chấp hành pháp luật chưa cao... Trong khi đó, còn có nguyên nhân do yếu kém của tổ chức CĐ. Cụ thể, cán bộ làm công tác kế toán tại một số CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở thiếu, một số nơi còn kiêm nhiệm nên nghiệp vụ hạn chế, dẫn đến khó khăn trong việc quản lý tài chính.

Thừa nhận hạn chế của mình, đại diện các CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở cũng đưa ra những khó khăn riêng, như: DN trây ì, cố tình tìm cách né tránh. Ông Phạm Văn Thuận - Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Lai Vung - chia sẻ: Có DN quy mô vài chục lao động, nhưng khi xuống kiểm tra, thấy chỉ có 1- 2 lao động đăng ký BHXH. Sau đó, phối hợp các đơn vị chức năng xuống làm việc, đại diện doanh nghiệp hứa... nhưng chưa có kết quả.

Thậm chí, đại diện nhiều LĐLĐ huyện còn thừa nhận, không chỉ hứa thật nhiều rồi thất hứa thật nhiều, mà DN còn dùng chiêu ảnh hưởng đến việc làm của người lao động để tác động lãnh đạo địa phương “nói đỡ”. Đó là chưa kể đến việc chủ DN tìm cách “né” các buổi làm việc. Ông Bùi Quang Triêm - Chánh thanh tra Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Đồng Tháp, Ủy viên UBKT LĐLĐ Đồng Tháp - cho hay: Mới đây, khi kiểm tra 10 DN theo chủ trương chung, có đến 9 DN chỉ cử cán bộ ra làm việc, nên rất khó để trao đổi...

Tìm lối đi riêng

Tại hội thảo, các đại biểu xác định việc chuyên nghiệp hóa công tác tài chính là chìa khóa để củng cố tiến độ và chất lượng việc thu KPCĐ. Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ Đồng Tháp Nguyễn Thanh Nhàn cụ thể: “Không chỉ hiểu đúng, hiểu đủ, mà cần có kỹ năng nói để doanh nghiệp nghe và thực hiện”.

Từ kinh nghiệm thực tiễn của đơn vị, bà Nguyễn Thị Thủy Tiên - Chủ tịch CĐ các Khu công nghiệp-Khu kinh tế tỉnh - gợi mở: “Bên cạnh việc truyền đạt đầy đủ các yếu tố pháp lý của KPCĐ đến chủ tịch CĐ tại các DN để tác động “bên trong”, CĐ cần tranh thủ các trưởng đoàn kiểm tra liên ngành để đưa vấn đề KPCĐ vào nội dung biên bản để sau phúc tra...”.

Tán thành ý kiến này, nhiều đại biểu đề xuất thêm, bên cạnh việc tự học tập nâng cao, mỗi năm LĐLĐ tỉnh cần tập huấn nghiệp vụ, hoặc có những buổi tọa đàm chuyên đề tài chính để cập nhật kiến thức một cách có hệ thống.

Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, để việc thu KPCĐ thuận lợi và bền vững, cần phải có bộ ba giải pháp căn cơ: Thiết thực - công khai - minh bạch. “Các cấp CĐ cần quán triệt suy nghĩ thu KPCĐ vượt khỏi khái niệm hoàn thành nhiệm vụ, để hướng tới mục tiêu lớn hơn là: Thu KPCĐ để phục vụ đoàn viên, CNLĐ. Và việc thu chi này phải được công khai, minh bạch để các DN hiểu và chia sẻ. Chỉ có như thế mới tạo ra sự chuyển biến mới cho việc đóng KPCĐ theo hướng thuận lợi và bền vững” - ông Trần Hoàng Vũ - Chủ tịch LĐLĐ Đồng Tháp - đề xuất tại hội thảo.

Nguồn: Báo Lao Động

Lượt xem: 1615

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:29665
Lượt truy cập: 13586995