Thứ sáu, 24/01/2025 07:21 GMT+7

Giảm giờ làm, tăng năng suất: Kinh nghiệm từ thế giới

Thứ hai, 28/10/2019 14:24 GMT+7

Nhiều nghiên cứu trên thế giới chỉ ra rằng, một tuần làm việc dài hơn không nhất thiết dẫn đến năng suất lao động cao hơn. Chẳng hạn, người lao động toàn thời gian ở Anh làm việc nhiều hơn gần 2 giờ so với mức trung bình của EU, nhưng vẫn không hiệu quả bằng người lao động ở Đan Mạch làm việc ít giờ hơn.

Giờ làm việc trung bình
 
Số giờ làm việc trung bình ở các nước phát triển đã giảm từ 3.000 giờ mỗi năm vào năm 1870 (57,7 giờ mỗi tuần) xuống còn từ 1.500 đến 2.000 giờ mỗi năm vào năm 1990 (28,8 - 38,5 giờ mỗi tuần). Người lao động toàn thời gian hiện làm việc ít hơn 20 đến 30 giờ mỗi tuần so với thế kỷ 19 - theo tổng hợp của trang Clockify.
 
Trung bình, một người lao động toàn thời gian ở một quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) làm việc 36,8 giờ mỗi tuần. Trong OECD, các quốc gia Châu Âu có số giờ làm việc trung bình mỗi tuần thấp nhất, trong đó thấp nhất trong số này là Hà Lan với 29,3 giờ/tuần và cao nhất là Anh 36,55 giờ/tuần.
 
Trung bình, một nhân viên toàn thời gian ở Mỹ làm việc 38,6 giờ mỗi tuần, nhiều hơn các quốc gia OECD khác. Người Châu Âu làm việc ít hơn tới 19% mỗi năm so với những người làm việc ở Mỹ, tương đương ít hơn 1 giờ mỗi ngày làm việc.
 
Năng suất và giảm giờ làm
 
Theo trang HRM Asia, trong khi Qatar dẫn đầu với tuần làm việc trung bình dài nhất thế giới với 49 giờ, thì Châu Á thống trị các danh sách với 9 trong số 10. Tất cả các quốc gia này làm việc ít nhất 45 giờ một tuần, theo dữ liệu gần đây được Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố.
 
Ba nước ASEAN nằm trong top 10 - Myanmar (48), Brunei (47) và Malaysia (46). Hai quốc gia ASEAN khác là Thái Lan và Singapore nằm trong top 20, với trung bình 43 giờ mỗi tuần.
 
Một tuần làm việc dài hơn không nhất thiết dẫn đến năng suất lao động cao hơn. Ví dụ, công nhân ở Mexico, Hàn Quốc và Hy Lạp có một số ca làm việc hằng năm dài nhất trên hành tinh, nhưng GDP mỗi giờ của họ thuộc loại thấp nhất.
 
Theo tính toán của các chuyên gia lao động thế giới, khi năng suất tăng, giờ làm việc giảm. Thời gian tuần làm việc thực tế đã giảm ở các nước phát triển, mỗi lần giảm thời gian của tuần làm việc đều đi kèm với sự gia tăng thu nhập bình quân đầu người thực tế.
 
Năng suất đã tăng theo cấp số nhân trong hơn một thế kỷ. Một công nhân trung bình ngày nay cần phải làm việc 11h/tuần để sản xuất nhiều như một người làm việc 40h/tuần vào năm 1950. Nhưng làm việc nhiều giờ không còn được coi là một ưu tiên. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng khi nhân viên làm việc lâu hơn 40 hoặc 50 giờ mỗi tuần, tổng sản lượng của họ sẽ giảm xuống dưới mức đã có khi chỉ cần 40 đến 50 giờ làm việc. Một nhân viên làm việc quá sức có thể mệt mỏi đến mức họ mắc lỗi mà phải mất nhiều thời gian để sửa hơn so với số giờ làm việc thêm.
 
Người lao động ở Anh có tuần làm việc dài nhất so với các nước trong Liên minh Châu Âu. Mặc dù thời gian dài, các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng điều này không làm cho Anh trở thành một quốc gia năng suất hơn. Một phân tích của Hiệp hội Công đoàn Anh về giờ làm việc và năng suất cho thấy, trong khi nhân viên toàn thời gian ở Anh làm việc nhiều hơn gần hai giờ so với mức trung bình của EU, nhưng vẫn không hiệu quả bằng nhân viên ở Đan Mạch làm việc ít giờ hơn.
 
Những phát hiện này đã dẫn đến quan tâm về mối quan hệ giữa số giờ làm việc và năng suất - và kết quả của một số nghiên cứu cho thấy khái niệm về “số giờ làm việc tối ưu”. Một số chuyên gia cho rằng nó không nên quá 35 giờ một tuần, bởi làm việc kéo dài dẫn đến các vấn đề về sức khoẻ cấp tính hoặc mãn tính, do đó năng suất bắt đầu giảm.
 
Nguồn: Báo Lao Động

Lượt xem: 1397

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:12531
Lượt truy cập: 14113139