Chủ nhật, 04/08/2024 13:14 GMT+7

LÀM 44 GIỜ/TUẦN LÀ NGUYỆN VỌNG CHÍNH ĐÁNG CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG Giảm giờ làm việc có thể tăng GDP

Thứ tư, 30/10/2019 14:55 GMT+7

Trả lời phỏng vấn Báo Lao Động, nguyên Ủy viên Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Phạm Thế Duyệt đã đưa ra nhận định: “Năng suất lao động không quyết định bằng cơ bắp, nhân lực cộng lại. Giảm giờ làm chưa chắc đã giảm tăng trưởng GDP, mà ngược lại, còn tăng, vì nếu người lao động được nghỉ ngơi, có sức, có lực, biết vận dụng khoa học công nghệ, họ có thể làm 1 giờ bằng 1,5 giờ”. Báo Lao Động đã ghi nhận nhiều ý kiến đồng thuận với nhận định trên.

“Muốn tăng năng suất lao động thì phải sử dụng công nghệ cao”
 
Đó là những chia sẻ của đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (đoàn TPHCM) trong phiên thảo luận về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Theo ông Nhân, hiện nay Việt Nam có hai nhóm người, người làm cho nhà nước thì lao động 5 ngày, người làm cho doanh nghiệp thì 6 ngày/tuần. Rõ ràng điều này cũng không bình đẳng. Ở các nước khác, không có Luật Lao động nào lại tách riêng công chức làm ít giờ, còn công nhân làm nhiều giờ, họ chỉ quy định giờ chung cho đất nước tùy mỗi nước có điều tiết. Thế giới từ sau năm 2000 đến nay tiếp tục thay đổi, họ bắt đầu giảm không còn 40 giờ mà giảm dần. Trong 36-38 nước của Tổ chức Kinh tế Thế giới chỉ còn hai nước trên 40 giờ là Mexico 48 giờ một tuần và Hàn Quốc 43 giờ/tuần, còn những nước khác đều đã xuống dưới 40 giờ, như Chile 37 giờ, Pháp 28,5 giờ một tuần, đặc biệt Đức có 26,2 giờ 1 tuần. Nhưng nước Đức là một trong những nước có năng suất lao động cao nhất thế giới, nền kinh tế lớn thứ tư thế giới và đứng đầu Châu Âu.
 
“Tăng năng suất lao động từ nguồn gốc là phải đổi mới công nghệ thiết bị mới, còn tăng giờ làm suy giảm năng suất lao động. Việc này ai cũng thấy, làm thêm giờ là mệt, năng suất lao động giảm. Cho nên mục tiêu đất nước tăng năng suất thì hãy đổi mới công nghệ và hướng tới giảm giờ làm chứ không phải giảm ngược lại” - ông Nhân chia sẻ.
 
Cùng quan điểm, trao đổi với Lao Động, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn TP.Hà Nội) cho rằng, hiện nay giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ của loài người. Theo đó, trên cơ sở áp dụng khoa học công nghệ, tăng năng suất lao động và công nghệ quản lý thì việc giảm giờ làm sẽ giúp người lao động duy trì được sức khoẻ, tăng cường khả năng tái tạo sức lao động cũng như có thời gian chăm sóc gia đình và tham gia các hoạt động xã hội. Việc kéo dài thời gian lao động không những ảnh hưởng đến sức khoẻ mà còn là một trong những nguyên nhân dẫn đến xung đột, tranh chấp lao động, ngừng việc và đình công.
 
Cũng theo vị đại biểu này, nhiều cuộc khảo sát, điều tra đời sống công nhân lao động cho thấy, ảnh hưởng xấu của thời giờ làm việc kéo dài đến cuộc sống của NLĐ như mất cơ hội tìm bạn đời, thiếu sự quan tâm, chăm sóc giữa vợ và chồng, đặc biệt là sự chăm sóc con cái, nhất là nhóm lao động có con nhỏ.
 
“Tăng lương, giảm giờ làm sẽ đảm bảo hài hoà với các yếu tố sức khoẻ, xã hội, góp phần tăng thu nhập, việc làm cho NLĐ, tạo điều kiện để NLĐ có thêm thời gian tái tạo sức lao động, học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng, hướng tới việc làm bền vững. Chúng ta giải quyết bằng cách từng bước nâng cao điều kiện lao động, vận dụng công nghệ cao để rút ngắn thời gian lao động. Để làm được điều này thì chúng ta cần có chính sách để tăng cường đào tạo cho NLĐ, để họ có trình độ và chuyên môn cao. Hoặc đưa vào các dây truyền sản xuất, máy móc hiện đại, công nghệ cao để có thể giảm giờ làm việc mà vẫn tăng năng suất lao động. Chính vì vậy, việc giảm giờ làm không ảnh hưởng đến sự tăng trưởng kinh tế của đất nước”- bà Khánh nhấn mạnh.
 
Còn đại biểu Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) chia sẻ, theo Quyết định 188 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chế độ tuần làm việc 40 giờ, chúng ta đã thực hiện chế độ làm việc 40 giờ/tuần trong các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp, tổ chức chính trị xã hội. Trong 20 năm qua quy định này đã tạo ra khoảng cách và sự bất bình đẳng lớn trong lực lượng lao động giữa người làm công ăn lương trong khu vực nhà nước và NLĐ khu vực ngoài nhà nước, đây là vấn đề cần được giải quyết kịp thời. Việc giảm giờ làm, giảm thời gian làm việc bình thường nhằm đảm bảo hài hòa với các yếu tố sức khoẻ, góp phần tăng thu nhập việc làm cho NLĐ.
 
“Tôi cho rằng, về phía doanh nghiệp điều này cũng tạo ra động lực để doanh nghiệp cải tiến trang thiết bị đổi mới quản trị doanh nghiệp, nâng cao năng suất lao động. Nếu chỉ quy định nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ như trong dự thảo thì không giải quyết được vướng mắc một cách triệt để và không đồng đều giữa các doanh nghiệp” - đại biểu Thúy nói thêm.
 
Sử dụng lao động chân tay không phải là động lực tăng trưởng trong tương lai
 
Ở một góc nhìn khác, đại biểu Hoàng Văn Cường (đại biểu TP.Hà Nội) cho rằng, chúng ta cũng là nước trong thời gian vừa qua có sự phát triển tốt về nhiều mặt đời sống, kinh tế, xã hội. Điều đó chứng tỏ năng suất lao động của chúng ta cũng đã tăng lên, NLĐ có quyền được hưởng thụ thành quả của xã hội bằng việc giảm giờ làm.
 
Việc nếu chúng ta không muốn có tác động xấu tới doanh nghiệp, đi đôi với giảm giờ làm thì bản thân doanh nghiệp và NLĐ phải tìm cách để tăng hiệu suất lao động trong thời gian 44 giờ. Điều này có thể thực hiện được bằng việc trước hết doanh nghiệp phải đầu tư thêm trong việc ứng dụng các máy móc, thiết bị công nghệ tiên tiến hơn và các yếu tố làm việc được cải thiện thì việc tăng hiệu suất làm việc của NLĐ trong thời gian ngắn chắc chắn sẽ cao. Bản thân NLĐ trong điều kiện giảm giờ thì cũng có thể nghĩ tới việc nâng cao trình độ tay nghề, nâng cao được kỹ năng nghề nghiệp để đưa hiệu suất làm việc của người ta cao lên. Và trong điều kiện giảm giờ làm thì người ta sẽ có thời gian làm được việc đó.
 
“Nếu chúng ta thực hiện song song việc giảm giờ làm đi đôi với việc khuyến khích doanh nghiệp, NLĐ thực hiện những biện pháp tăng năng suất lao động thì điều này không ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế. Thậm chí đây còn là cơ hội, động lực để các DN, NLĐ nghĩ tới một hướng làm thế nào để càng ngày càng cải tiến về công nghệ, kỹ thuật, năng lực quản trị nhằm tăng được hiệu suất. Tôi cho rằng đó là một sức ép tốt cho sự phát triển của xã hội” - ông Cường nói.
 
Cũng theo ông Cường, tăng trưởng của chúng ta trong thời gian tới cũng coi trọng việc dựa vào công nghệ, dựa vào đổi mới sáng tạo và tạo ra khu vực có giá trị gia tăng cao chứ không phải dựa vào khu vực sử dụng nhiều lao động thủ công. Cho nên việc chúng ta mong muốn, thúc đẩy nhiều hơn việc ứng dụng công nghệ mới, ứng dụng nhiều giải pháp mới để bước chân vào khu vực có giá trị mới cao thì đó mới là yếu tố quan trọng.
 
Trong điều kiện hiện tại tăng trưởng kinh tế VN đang phụ thuộc một phần không nhỏ vào một số hoạt động sản xuất mang tính chất gia công. Chúng ta phải đưa ra những giải pháp, những áp lực. Việc cắt giảm thời gian lao động đó cũng là sức ép để buộc DN cũng như NLĐ vượt ra khỏi việc sử dụng đơn thuần các công nghệ kỹ thuật thấp và quá nhiều lao động sống. Đó không phải là động lực tăng trưởng trong tương lai.
 
 
Nguồn: Báo Lao Động

Lượt xem: 1355

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:25537
Lượt truy cập: 13582284