Thứ ba, 21/01/2025 05:28 GMT+7

Từ ngày 1-1-2020, thêm điều cấm với cán bộ, công chức, viên chức

Thứ hai, 09/12/2019 14:16 GMT+7

Có 5 Luật mới sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2020, trong đó đáng chú ý nhất phải kể đến Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Đặc biệt, Luật này quy định một điều cấm với cán bộ, công chức, viên chức.

Luật hóa quy định "Cấm uống rượu bia trong giờ làm việc" 
 
Điều 5 của Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia năm 2019 nêu ra 13 hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia. Trong đó khoản 5 nghiêm cấm: "Cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC), người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập".
 
Đây là lần đầu tiên quy định nghiêm cấm CB, CC, VC uống rượu bia trước, trong giờ làm việc, giờ nghỉ giữa giờ được đưa vào trong Luật. Trước đó, quy định này cũng đã từng được đề cập đến, nhưng hầu như chỉ dừng lại ở một số văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
 
Cụ thể, tại Chỉ thị 26 về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp, Thủ tướng yêu cầu: Đối với CB, CC, VC, nghiêm cấm việc sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc và ngày trực.
 
Như vậy, với việc chính thức luật hóa quy định “nghiêm cấm uống rượu bia trước và trong giờ làm việc, nghỉ giữa giờ” từ ngày 1-1-2020, CB, CC, VC trên cả nước cần hết sức lưu ý. Khi được luật hóa, chắc hẳn sẽ sớm có những văn bản hướng dẫn đề cập đến các chế tài xử phạt đối với CB, CC, VC vi phạm.
 
 
Thêm một điều cấm với cán bộ, công chức, viên chức từ ngày 1-1-2020
 
Nhiều hành vi bị nghiêm cấm khác liên quan đến rượu, bia
 
Ngoài việc cấm uống rượu, bia trước và trong giờ làm việc, nghỉ giữa giờ, CB, CC, VC nói riêng và mọi người dân nói chung cần lưu ý đến các hành vi nghiêm cấm khác liên quan đến rượu, bia được đề cập đến Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia.
 
Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; Người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; Bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi; Sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu, bia; Quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên; Cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về ảnh hưởng của rượu, bia đối với sức khỏe; Khuyến mại trong hoạt động kinh doanh rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên; sử dụng rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên để khuyến mại dưới mọi hình thức; Sử dụng nguyên liệu, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến không được phép dùng trong thực phẩm; nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không bảo đảm chất lượng và không rõ nguồn gốc, xuất xứ để sản xuất, pha chế rượu, bia; Kinh doanh rượu không có giấy phép hoặc không đăng ký; bán rượu, bia bằng máy bán hàng tự động; Kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển rượu, bia giả, nhập lậu, không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhập lậu rượu, bia.
 
Ngoài ra, còn các hành vi bị nghiêm cấm khác liên quan đến rượu, bia do luật định.
 
 
Nguồn: Báo Người Lao Động
 

Lượt xem: 1347

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:5900
Lượt truy cập: 14096736