Nguyễn Hồng (tỉnh Đồng Nai) hỏi: "Vợ tôi là giáo viên bị sẩy thai 6 tuần tuổi, bác sĩ cho giấy ra viện nghỉ 20 ngày từ ngày 15-6, trùng ngày nghỉ hè, vậy vợ tôi có được hưởng chế độ sẩy thai và chế độ dưỡng sức sau sẩy thai không? Thủ tục gồm những gì?".
BHXH Việt Nam trả lời: Tại khoản 2 điều 3 Thông tư số 48/2011/TT-BGDĐT ngày 25-10-2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) quy định chế độ làm việc đối với giáo viên mầm non; khoản 4 điều 1 Thông tư số 15/2017/TT-BGDĐT ngày 9-6-2017 của Bộ GD-ĐT sửa đổi, bổ sung một số điều quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT ngày 21-10-2009 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, thời gian nghỉ hè là thời gian nghỉ phép hằng năm, thời gian này giáo viên được hưởng nguyên lương và các khoản phụ cấp (nếu có). Theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại điểm 1.2 khoản 1 Công văn số 4831/LĐTBXH-BHXH ngày 17-11-2017, trong thời gian người lao động nghỉ phép hằng năm không giải quyết chế độ thai sản theo quy định tại điều 32, điều 33 và chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe theo quy định tại điều 41 của Luật BHXH năm 2014. Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp vợ ông bị sẩy thai 6 tuần tuổi, giấy ra viện nghỉ 20 ngày từ ngày 15-6, trùng với ngày nghỉ hè nên vợ ông không được giải quyết hưởng chế độ thai sản và dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau thai sản.
Nguồn: Báo Người Lao Động