Chủ nhật, 12/01/2025 05:43 GMT+7

Những thiệt thòi khi nhận BHXH một lần trong mùa dịch Covid-19

Thứ năm, 23/04/2020 11:28 GMT+7

Khi nhận BHXH một lần lúc này, người lao động chỉ thấy cái lợi trước mắt mà không tính toán cho tương lai lâu dài, đặc biệt là khi hết tuổi lao động

Theo BHXH Việt Nam, trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, đã có một bộ phận người lao động làm hồ sơ hưởng BHXH 1 lần để trang trải cuộc sống.
 
Khoản 3, điều 5 Luật BHXH 2014 về nguyên tắc BHXH nêu rõ: Thời gian đóng BHXH đã được tính hưởng BHXH một lần thì không tính vào thời gian làm cơ sở tính hưởng các chế độ BHXH. Do đó, khi nhận BHXH 1 lần lúc này, người lao động chỉ thấy cái lợi trước mắt mà không tính toán cho tương lai lâu dài, đặc biệt là khi hết tuổi lao động. Cụ thể:
 
1. Số tiền BHXH nhận được ít hơn nhiều so với số tiền đóng. Điều 5 Quyết định 595/QĐ-BHXH quy định, hàng tháng, người lao động đóng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí, tử tuất; người sử dụng lao động đóng 14% trên quỹ tiền lương đóng BHXH của người lao động vào quỹ này. Như vậy, mỗi tháng, người lao động phải đóng tổng 22% mức tiền lương tháng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất, tương đương 1 năm đóng 22% x 12 = 2,64 tháng lương.
 
Thời điểm này, nếu không may bị thất nghiệp, người lao động nên đăng ký để nhận được gói hỗ trợ của Chính phủ và tiếp tục làm việc cũng như tham gia BHXH
 
Trong khi đó, khoản 2, điều 60 Luật BHXH quy định mức hưởng BHXH một lần, cứ mỗi năm được: 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014; 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi. Có thể thấy, so với số tiền đóng thì số tiền BHXH một lần nhận được ít hơn rất nhiều.
 
2. Không được cộng nối thời gian tham gia BHXH. Theo quy định tại điều 61 Luật BHXH 2014, người lao động khi nghỉ việc mà chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu hoặc chưa hưởng BHXH một lần thì được bảo lưu thời gian đóng BHXH. Điều này đồng nghĩa với việc, nếu chưa nhận BHXH một lần, người lao động sẽ được cộng nối với thời gian tham gia BHXH trước đó. Ngược lại, nếu đã nhận BHXH một lần, thời gian tham gia BHXH sau này sẽ được tính mới. Từ đó có thể dẫn tới, người lao động sẽ không đủ điều kiện hưởng lương hưu khi đã hết tuổi lao động hoặc nếu đủ thì tiền lương hưu khi về già cũng rất thấp.
 
3. Có thể không được cấp thẻ bảo hiểm miễn phí. Căn cứ khoản 1, điều 2 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, đối tượng được cơ quan BHXH đóng BHYT bao gồm: Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng; Người đang hưởng trợ cấp BHXH hàng tháng… Như vậy, người được nhận lương hưu sẽ được nhận thẻ BHYT miễn phí. Trường hợp đã nhận BHXH một lần dẫn tới việc không đủ điều kiện hưởng lương hưu thì đương nhiên, người lao động phải tự bỏ tiền để tham gia BHYT bằng cách tham gia BHYT hộ gia đình.
4. Mất cơ hội có thêm khoản tiền khi về già. Bên cạnh việc không có thẻ BHYT, người lao động không được hưởng lương hưu còn không có cơ hội có thêm một khoản tiền. Bởi điều 57 Luật BHXH nêu rõ, Chính phủ quy định việc điều chỉnh lương hưu trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách nhà nước và quỹ BHXH.
 
Theo thông lệ, cứ ngày 1-7 hàng năm, mức lương hưu của người đang hưởng lương hưu đều được tăng lên. Điển hình, theo Nghị định 88/2018/NĐ-CP, từ ngày 1-7-2018, mức lương hưu tăng thêm 6,92% trên mức lương hưu của tháng 6-2018.
 
5. Khi chết không được trợ cấp mai táng và trợ cấp tuất hàng tháng. Đây tiếp tục là hệ lụy khác từ việc nhận BHXH một lần ảnh hưởng tới việc nhận lương hưu. Theo khoản 1, điều 66 Luật BHXH 2014, người đang hưởng lương hưu chết thì người lo mai táng được nhận một lần trợ cấp mai táng với mức bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người đang hưởng lương hưu chết.
 
Ngoài ra, theo khoản 1, điều 67, thân nhân của người này nếu đủ điều kiện còn được hưởng tiền tuất hàng tháng bằng 50% mức lương cơ sở. Trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức lương cơ sở.
 
Bên cạnh đó, cũng liên quan đến tiền tuất hàng tháng, điểm a, khoản 1, điều 67 này còn nêu, người lao động đã đóng BHXH đủ 15 năm trở lên nhưng chưa hưởng BHXH một lần thì thân nhân được nhận khoản tiền này. Do đó, việc nhận BHXH một lần ảnh hưởng rất lớn đến chế độ tử tuất của người lao động.
 
Do đó, khi nhận BHXH một lần, người lao động sẽ phải chịu rất nhiều thiệt thòi. Thời điểm này, nếu không may bị thất nghiệp, người lao động nên đăng ký để nhận được gói hỗ trợ của Chính phủ và tiếp tục làm việc cũng như tham gia BHXH.
 
 
Nguồn: Báo Người Lao Động

Lượt xem: 1488

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:6192
Lượt truy cập: 14068575