Tham gia BHYT là cách tốt nhất để người dân chia sẻ khó khăn với nhau khi ốm đau, bệnh tật. Và BHYT hộ gia đình cũng là lựa chọn của nhiều người.
Theo khoản 1, điều 1 Luật BHYT sửa đổi, bổ sung 2014 nêu rõ: BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng với các đối tượng theo quy định của Luật này để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện.
Theo đó, có 6 nhóm đối tượng tham gia BHYT được xác định cụ thể tại điều 12 là: Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng; Nhóm do cơ quan BHXH đóng; Nhóm do ngân sách Nhà nước đóng; Nhóm được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng; Nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình; Nhóm do người sử dụng lao động đóng.
Việc bắt buộc mua BHYT theo hộ gia đình là chủ trương của Nhà nước nhằm thực hiện chính sách BHYT toàn dân, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia
Với mỗi nhóm, đối tượng tham gia sẽ khác nhau. Chi tiết tại Nghị định 146/2018/NĐ-CP như sau: Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng, bao gồm: Người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn/không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên; Cán bộ, công chức, viên chức…
Nhóm do cơ quan BHXH đóng, bao gồm: Người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng; Người đang hưởng trợ cấp BHXH hàng tháng do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp…
Nhóm do ngân sách Nhà nước đóng, bao gồm: Cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp hàng tháng; Cựu chiến binh…
Nhóm được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng, bao gồm: Người thuộc hộ gia đình cận nghèo theo tiêu chí chuẩn cận nghèo; Học sinh, sinh viên…
Nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình, bao gồm: Người có tên trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, trừ những người thuộc các nhóm khác; Chức sắc, chức việc, nhà tu hành…
Nhóm do người sử dụng lao động đóng, bao gồm: Thân nhân công nhân, viên chức quốc phòng đang phục vụ trong quân đội; Thân nhân công nhân công an đang phục vụ trong công an…
Như đã đề cập, nếu thuộc một trong những đối tượng nêu trên thì người dân bắt buộc phải tham gia BHYT. Trường hợp có trách nhiệm tham gia nhưng không tham gia sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 - 100.000 đồng (theo khoản 1, điều 57 Nghị định 176/2013/NĐ-CP ).
Điều đáng nói, theo Công văn số 777/BHXH-BT ngày 12-3-2015, từ 1-1-2016 trở đi, toàn bộ những người có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú phải thực hiện BHYT theo hộ gia đình.
Tức là, trừ những người đã tham gia BHYT thì những người có tên trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú phải cùng tham gia BHYT theo hộ gia đình. Việc bắt buộc mua BHYT theo hộ gia đình là chủ trương của Nhà nước nhằm thực hiện chính sách BHYT toàn dân, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia. Chính vì vậy, các thành viên trong hộ gia đình cũng cần có trách nhiệm cùng nhau tham gia.
Nguồn: Báo Người Lao Động