Luật sửa đổi Luật Cán bộ, công chức và LuậtViên chức không chỉ có nhiều nội dung mới về đánh giá công chức mà còn với cả viên chức.
Khắc phục những bất cập
Đánh giá viên chức là việc nhằm làm căn cứ bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chế độ, chính sách (Điều 39 Luật Viên chức năm 2010).
Tuy nhiên, hiện nay, việc đánh giá viên chức chỉ được nêu khái quát khiến việc đánh giá gặp khá nhiều khó khăn. Do đó, khoản 5, điều 2 Luật sửa đổi Luật Viên chức năm 2019 sắp có hiệu lực từ 1-7-2020 đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung mới liên quan đến đánh giá viên chức như:
Một là, không chỉ đánh giá viên chức dựa vào kết quả thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết mà còn dựa vào nhiều nội dung cụ thể hơn như: Kết quả thực hiện theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao; Tiến độ, chất lượng thực hiện nhiệm vụ; Việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phải gắn với vị trí việc làm , thể hiện thông qua công việc, sản phẩm cụ thể.
Có thể thấy, những thay đổi nêu trên hoàn toàn phù hợp với tinh thần của chính sách cải cách tiền lương nêu tại Nghị quyết 27-NQ/TW . Cụ thể, Nghị quyết nêu rõ, sắp tới viên chức sẽ được trả lương theo vị trí việc làm. Việc làm này nhằm khắc phục những bất cập tại cách tính bảng lương theo hệ số và mức lương cơ sở "cào bằng" như hiện nay.
Hai là, bổ sung thêm nội dung "chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, quy định của cơ quan, tổ chức, đơn vị". Đây là một trong những việc viên chức phải làm. Do đó, việc bổ sung nội dung này làm căn cứ đánh giá viên chức là hoàn toàn cần thiết.
Ba là, với riêng đối tượng là viên chức quản lý, thay vì chỉ đánh giá theo nội dung "kết quả hoạt động của đơn vị được giao quản lý, phụ trách" thì từ 1-7-2020, viên chức quản lý được đánh giá dựa vào: Kế hoạch làm việc theo năm, quý, tháng và kết quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý; Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của cá nhân phải gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp phụ trách; Mức xếp loại chất lượng của cá nhân không cao hơn mức xếp loại chất lượng của cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp phụ trách.
Ngoài những nội dung nêu trên, Luật sửa đổi vẫn giữ nguyên các căn cứ để đánh giá viên chức như thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp; tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân, tinh thần hợp tác với đồng nghiệp và việc thực hiện quy tắc ứng xử của viên chức…
Như vậy, có thể thấy, nội dung đánh giá viên chức đã được Luật năm 2019 sửa đổi, bổ sung theo hướng cụ thể hóa các tiêu chí, giúp việc đánh giá viên chức trở nên dễ dàng hơn.
"Khắc khe" và cụ thể hơn
Không chỉ thay đổi về nội dung đánh giá mà Luật sửa đổi năm 2019 còn thay đổi về việc thực hiện đánh giá viên chức.
Từ 1-7-2020, việc đánh giá viên chức được siết chặt và trở lên "khắt khe", cụ thể hơn
Cụ thể, các thời điểm đánh giá viên chức từ 1-7-2020 gồm: Đánh giá hàng năm (như quy định hiện hành); Trước khi kết thúc thời gian tập sự (hiện nay là khi kết thúc thời gian tập sự); Trước khi ký tiếp hợp đồng làm việc (như quy định hiện hành); Trước khi xét khen thưởng, kỷ luật, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, quy hoạch (hiện nay đang là khi xét khen thưởng, kỷ luật, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng); Khi thay đổi vị trí việc làm (quy định mới được bổ sung); Căn cứ đặc thù công việc, viên chức được đánh giá theo quý, tháng hoặc tuần, đảm bảo công khai, dân chủ, khách quan, định lượng bằng kết quả, sản phẩm cụ thể (quy định mới được bổ sung).
Do đó, những thay đổi về đánh giá viên chức từ 1-7-2020 so với quy định hiện hành khiến việc đánh giá viên chức được siết chặt và trở lên "khắt khe", cụ thể hơn.