Thứ hai, 13/01/2025 06:24 GMT+7

Bảo vệ người lao động khi ra nước ngoài làm việc

Thứ tư, 10/06/2020 15:42 GMT+7

Cả người lao động và doanh nghiệp đang chờ dự luật đi vào thực tiễn để con đường ra nước ngoài làm việc được thuận lợi hơn với chi phí hợp lý hơn

Theo chương trình nghị sự, hôm nay (10-6), Quốc hội sẽ thảo luận về dự Luật Người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Luật này quy định về hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; các quyền và nghĩa vụ của NLĐ làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp (DN), tổ chức sự nghiệp đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
 
Tạo hành lang pháp lý
 
Tại hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) do Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa tổ chức hôm 5-6 tại Thanh Hóa, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội - cho rằng cái gốc của luật là nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho NLĐ.
 
Một lớp học tiếng Nhật của Công ty TNHH Nhật Huy Khang
 
Trước đó, ngày 21-5, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội họp trực tuyến đã nghe Chính phủ trình bày tờ trình về dự án Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Theo đó, Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được sửa đổi nhằm giải quyết 6 chính sách mà Chính phủ đã trình Quốc hội trước đây và đáp ứng các yêu cầu: Giải quyết các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành sau gần 13 năm áp dụng trên thực tế; đáp ứng các yêu cầu thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm sự đồng bộ của các luật mới ban hành trong thời gian gần đây; điều chỉnh những vấn đề mới từ thực tế hoạt động NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong bối cảnh tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và quản lý vấn đề di cư, dịch chuyển lao động quốc tế, phát triển việc làm ngoài nước và bảo hộ quyền làm việc của công dân.
 
Điểm mấu chốt của các nội dung sửa đổi bổ sung lần này của luật là nhằm tạo môi trường minh bạch, thông suốt và đồng bộ cho hoạt động đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đồng thời giảm chi phí và bảo vệ tốt hơn quyền lợi của NLĐ đi làm việc ở nước ngoài như việc quy định minh bạch thông tin đối với các DN hoạt động dịch vụ và bãi bỏ một số điều về phí môi giới và sửa đổi bổ sung quy định về chia sẻ phí dịch vụ của người sử dụng lao động đối với NLĐ. Dự thảo luật cũng thắt chặt hơn nữa quản lý nhà nước đối với DN dịch vụ như nâng cao các điều kiện cấp phép hoạt động nhằm loại bỏ những DN hoạt động kém hiệu quả và khuyến khích những DN tâm huyết có cơ hội vươn lên và hướng tới đầu tư phát triển bền vững. "Về cơ bản, dự thảo luật (sửa đổi) không mở rộng phạm vi điều chỉnh, song đã bổ sung hình thức NLĐ đi làm việc ở nước ngoài thông qua đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh, TP trực thuộc trung ương, cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, TP trực thuộc trung ương để thực hiện các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế" - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh chia sẻ.
 
Cạnh tranh bằng chất lượng lao động
 
Theo sát với dự luật sửa đổi lần này, ông Đinh Thanh Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Xuất khẩu lao động (XKLĐ) Mai Linh (quận Gò Vấp, TP HCM), cho rằng việc luật đề cao vai trò của địa phương trong việc chủ động tìm kiếm thị trường mới theo hướng cho thu nhập cao hơn sẽ giúp hoạt động XKLĐ thuận lợi hơn, đi vào thực chất và nâng chất hơn. "Tôi quan tâm phần bổ sung các quy định nhằm đào tạo nhân lực chất lượng cao theo thỏa thuận, chính sách đầu tư các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để định hướng chuẩn hóa và nâng cao chất lượng lao động về chuyên môn, kỹ thuật, ngoại ngữ; đẩy mạnh việc đưa NLĐ làm việc trong một số ngành nghề, lĩnh vực đòi hỏi kỹ thuật cao. Đó là cách để chúng ta xây dựng một lực lượng lao động có tay nghề, có trình độ kỹ thuật, kỹ năng trên thị trường lao động quốc tế. Tôi nghĩ với bổ sung mới này, lao động Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội cạnh tranh trên trường quốc tế" - ông Đinh Thanh Bình khẳng định.
 
Là một người có nhiều năm hoạt động tư vấn XKLĐ, bà Nguyễn Hoài Phượng, Giám đốc tuyển sinh Công ty CP Đối tác NQD (quận Bình Tân, TP HCM), cho biết rất vui mừng vì trong dự thảo luật tập trung làm rõ khái niệm về tiền dịch vụ và bổ sung một số quy định liên quan đến tiền dịch vụ nhằm giảm thiểu tối đa chi phí đối với NLĐ. Đặc biệt, dự luật đã bổ sung khái niệm và quy định rõ nội dung về hợp đồng môi giới, vấn đề thù lao theo hợp đồng môi giới; bỏ quy định về việc NLĐ có trách nhiệm hoàn trả một phần tiền môi giới cho DN dịch vụ. "Nếu luật quy định rõ ràng, minh bạch các khoản chi phí sẽ giúp rất nhiều cho NLĐ. NLĐ có nhu cầu ra nước ngoài làm việc phần lớn có gia cảnh khó khăn. Với việc "thả cửa" như hiện nay thì gánh nặng chi phí sẽ đè lên vai NLĐ và việc bỏ trốn, vi phạm hợp đồng là khó tránh khỏi vì họ quá áp lực trả nợ" - bà Phượng nói. Bà Phượng lấy dẫn chứng mới nhất thông báo của Bộ LĐ-TB-XH về việc tạm dừng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc đối với 10 huyện, thị xã, TP tiếp tục là hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai cố ra nước ngoài làm việc bằng mọi giá. Bà Phượng cho rằng đó là những địa phương có tỉ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước đúng thời hạn từ 28% trở lên và có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 53 người trở lên. "Đó là hậu quả của việc thả nổi các khoản phí dịch vụ, dẫn đến việc các DN "làm mưa, làm gió" để rồi NLĐ phải nai lưng làm trả nợ. Khi không còn khả năng, họ buộc phải nhảy ra ngoài, cư trú bất hợp pháp, hết hạn hợp đồng nhưng không trở về" - bà Phượng phân tích thêm.
 
Nguồn: Báo Người Lao Động

Lượt xem: 1745

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:6843
Lượt truy cập: 14071938