TS Nguyễn Việt Cường, Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng trong nghiêu cứu của ông, nhiều DN cho rằng tăng LTT chỉ khiến cho DN mất thời gian điều chỉnh lại thang, bảng lương trong DN và có ảnh hưởng chút ít đến tiền đóng BHXH do tăng LTT. Tuy nhiên, ông Cường cũng cho rằng, kể từ năm 2018, khi tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bao gồm cả những khoản phụ cấp khác theo quy định của pháp luật, thì sẽ có những tác động lớn hơn đến doanh nghiệp.
Đồng ý với quan điểm này, TS Nguyễn Đình Hòa, Trưởng khoa Lao động – Công đoàn Đại học Tôn Đức Thắng, bổ sung: Hầu hết các doanh nghiệp đã trả lương cao hơn LTT, nên khi tăng LTT không tác động nhiều, có chăng DN chỉ cơ cấu lại lợi nhuận. Kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới cho thấy chỉ đề cập đến việc LTT tác động thế nào đến năng suất lao động chứ không lấy năng suất lao động làm chuẩn để tăng LTT.
Nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng, nhấn mạnh: Các nghiên cứu của Viện Công nhân – Công đoàn và ngay cả chính Phòng Thương mại – Công nghiệp Việt Nam cho thấy, LTT hiện chỉ đáp ứng 80% nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ.
Do đó, tổ chức Công đoàn Việt Nam chưa yêu cầu tăng LTT cho NLĐ mà chỉ yêu cầu thực hiện đúng quy định tại điều 91 Bộ luật Lao động 2012, theo đó: “Mức LTT là mức thấp nhất trả cho NLĐ làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ. Mức LTT được xác định theo tháng, ngày, giờ và được xác lập theo vùng, ngành”.
Tại tọa đàm, nhiều ý kiến thể hiện không đồng ý với quan điểm cho rằng cần bỏ quy định về LTT mà nên để NLĐ và NSDLĐ tự do thỏa thuận về tiền lương. Lý do là NLĐ luôn ở thế yếu, nên không có sự bình đẳng với NSDLĐ khi thương lượng về tiền lương. Quy định về LTT và nhiều quy định khác trong pháp luật về lao động giống như tấm lưới chắn an toàn, giúp cho NLĐ không bị “rơi tự do” trong thị trường lao động.
Nguồn: Báo Lao Động