Phát biểu của Tổng Giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus trong thông cáo báo chí gần đây cho biết: “Nhiều năm qua đã chứng kiến sự gia tăng đều đặn về số lượng người hút thuốc lá ở nam giới. Nhưng giờ đây, lần đầu tiên chúng ta thấy tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới đang sụt giảm. Điều này có được nhờ vào sự thắt chặt của các chính phủ đối với ngành công nghiệp thuốc lá”.
Đến nay đã có 116 trong tổng số 137 quốc gia có tỷ lệ hút thuốc lá điếu giảm kể từ khi thực thi các biện pháp quản lý, giám sát. Trong đó bao gồm ngăn chặn việc hút thuốc lá thụ động, tổ chức các chương trình bỏ thuốc, nâng cao nhận thức về tác hại thuốc lá, giới hạn hoặc cấm việc quảng cáo thuốc lá, các hoạt động thúc đẩy thương mại, tài trợ và tăng thuế trên các sản phẩm thuốc lá.
Sản lượng doanh thu thuốc lá điếu sụt giảm nghiêm trọng. Ảnh: LDO.
Tuy nhiên, trong báo cáo này không bao gồm các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, hay còn gọi là thuốc lá không khói. Việc sử dụng thuốc lá điện tử cũng như các thiết bị điện tử cung cấp nicotin và các sản phẩm thuốc lá làm nóng trở thành những ẩn số để đặt ra nghi vấn, liệu có phải những người hút thuốc lá điếu đã chuyển đổi sang các sản phẩm đó. Phần nào trả lời cho câu hỏi trên là câu chuyện tại Nhật Bản. Theo đó từ năm 2016, sản lượng bán thuốc lá điếu tại Nhật tụt giảm, tương ứng với thời gian sản phẩm thuốc lá làm nóng được giới thiệu vào thị trường này.
Bên cạnh đó, Nhật Bản không có chính sách kiểm soát thuốc lá quá quyết liệt và cũng không cấm việc quảng bá các hệ thống cung cấp nicotin điện tử. Một nghiên cứu gần đây cho thấy phần lớn người sử dụng sản phẩm thuốc lá làm nóng ở Nhật Bản vẫn sử dụng song song với thuốc lá điếu. Dù vậy, những số liệu này cũng cho thấy rằng ít nhất mức độ sụt giảm sản lượng thuốc lá điếu tại Nhật Bản đã được đẩy mạnh bởi việc giới thiệu sản phẩm thuốc lá làm nóng vào thị trường.
Tính đến nay, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới vẫn đang còn nằm trong vòng tranh luận của giới khoa học. Theo các chuyên gia y tế, đối với các bệnh lý như ung thư, tim mạch, hô hấp, cần có biện pháp theo dõi và đo lường với thời gian từ 5 năm trở lên mới xác định được tính tác động của sản phẩm lên sức khỏe một cách toàn diện. Chính vì thế mà WHO đã đưa ra các chiến dịch vận động chính phủ các nước trong giai đoạn này cần có chính sách cấm hoặc thắt chặt quản lý đối với các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, tùy vào điều kiện của từng quốc gia. Nhưng việc thực thi chiến dịch này của WHO cũng đang bị vấp phải những tranh cãi khi các nhà khoa học cho rằng: Với các hoạt động truyền thông chưa đầy đủ về khoa học của các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới của WHO, liệu có phải vô tình ủng hộ cho việc tiếp tục sử dụng thuốc lá điếu, trong khi xóa bỏ thuốc lá điếu lại chính là chính sách lâu dài, trường kỳ mà WHO đang theo đuổi vì sức khỏe cộng đồng.
David Sweanor từ Trung tâm Luật Y tế, Chính sách và Đạo đức, Đại học Ottawa, Canada nhận định: “WHO đang nhìn nhận về những sản phẩm thuốc lá điện tử như thể chúng là một phần nằm trong âm mưu của các công ty thuốc lá lớn. Trên thực tế, những sản phẩm thế hệ mới đang làm gián đoạn dòng lợi nhuận của thuốc lá thương mại của ngành hàng này, và kéo doanh thu thuốc lá điếu truyền thống đi xuống. Đó chính xác là điều chúng ta cần đến ở sự đổi mới của công nghệ, nhưng WHO cùng những nhà tài trợ tư nhân của họ lại muốn phản đối điều đó bằng cách kêu gọi lệnh cấm. Nhưng họ không nhận ra rằng họ đang vô tình đứng về bên ủng hộ thuốc lá điếu truyền thông của chính những công ty thuốc lá lớn, gây dựng nên một rào cản ngăn chặn những sản phẩm công nghệ mới vào thị trường, qua đó bảo vệ vị thế thượng phong độc quyền của thuốc lá điếu truyền thống.”
Nguồn: Báo Lao Động