Thứ năm, 23/01/2025 20:13 GMT+7

Lý giải vì sao trẻ lớn phải tiêm vắc-xin bạch hầu giảm liều

Thứ hai, 21/09/2020 15:22 GMT+7

Cả nước hiện có 198 ca bệnh bạch hầu, chủ yếu ghi nhận ở khu vực Tây Nguyên và miền Trung. Chuyên gia khuyến cáo không tiêm vắc-xin chứa thành phần bạch hầu nguyên liều cho trẻ từ 4 tuổi trở lên.

Ngày 21-9, tại hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng năm 2020, ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết từ đầu năm đến nay, cả nước có 198 ca bệnh bạch hầu, chủ yếu là các ca mắc trong tháng 6-7. Trong đó, khu vực Tây Nguyên là 172 ca, miền Trung 22 ca, miền Nam 4 ca. Riêng miền Bắc từ năm 2015 đến nay không có ca bệnh bạch hầu.
 
Điều tra dịch tễ cho thấy trong 198 trường hợp dương tính với virus gây bệnh bạch hầu (138 ca bệnh và 60 người lành mang trùng), trong đó 4 tử vong (Đắk Nông 2, Gia Lai 1, Kon Tum 1). So với cùng kỳ năm 2019, năm nay, số ca mắc tăng 157 trường hợp, tử vong tăng 1 trường hợp (năm 2019 có 41 trường hợp mắc, 3 tử vong). Số mắc tăng lên từ tháng 6 đến tháng 8, riêng khu vực Tây Nguyên tăng rõ rệt từ tháng 6-2020.
 
Số mắc từ 3 tháng đến 78 tuổi, phân bố rải rác ở các nhóm tuổi, cao nhất ở nhóm 10-14 tuổi. Đáng nói có tới 161 ca bạch hầu không tiêm chủng (chiếm 81,3%), chỉ có 37 ca bệnh có tiêm chủng.
 
Lãnh đạo Cục Y tế dự phòng cũng dự báo trong thời gian tới, có thể tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc bệnh bạch hầu, các ổ dịch tại khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp, sau nhiều năm tích lũy số lượng không được tiêm chủng hoặc tiêm không đủ mũi, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, khu vực đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
 
Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh năm 2020- Ảnh: Q.Hưng
 
Theo PGS-TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu là biện pháp quan trọng và hiệu qủa nhất. Trẻ em dưới 1 tuổi sẽ được tiêm 3 liều cơ bản lúc 2, 3, 4 tháng tuổi và liều nhắc lại lúc 18- 24 tháng tuổi. Với 4 mũi tiêm này trẻ sẽ được tiêm các vắc-xin chứa thành phần bạch hầu nguyên liều
Ở mũi tiêm vắc-xin thứ 5 (trẻ 4-7 tuổi) và mũi tiêm thứ 6 (5-16 tuổi) trẻ sẽ được tiêm vắc-xin chứa thành phần bạch hầu giảm liều. Cùng đó, việc tiêm vắc-xin ngừa bạch hầu cho người lớn cũng là thành phần bạch hầu giảm liều.
 
"Không được tiêm vắc-xin DPT (bạch hầu – ho gà- uốn ván) cho trẻ từ 48 tháng tuổi trở lên. Có người nghĩ rằng, trẻ nhỏ vài tháng tuổi tiêm được vắc-xin bạch hầu nguyên liều thì trẻ lớn hay người lớn cũng tiêm được, nhưng với vắc-xin bạch hầu trẻ lớn buộc phải giảm liều, nếu không có thể dẫn đến sốc phản vệ, gây co giật, nguy hiểm đến tính mạng, thậm chí tử vong"- PGS Dương cảnh báo.
 
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm bạch hầu tại thôn 7, xã Cư Króa, huyện M’Đrắk, Đắk Lắk - Ảnh: TTXVN
 
Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch. Miễn dịch bạch hầu không bền vững. Đối với người đã tiêm đủ 4 mũi vắc-xin có thành phần bạch hầu cần tiếp tục được tiêm nhắc lại. Hiện bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở nước ta do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ và tiếp xúc với mầm bệnh.
 
Các chuyên gia khuyến cáo để phòng bệnh bạch hầu người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi, hạn chế tiếp xúc với người mắc/nghi ngờ mắc bệnh; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân ở nhà, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng; khi có dấu hiệu mắc bệnh/nghi ngờ mắc bệnh phải thông báo ngay cho cơ quan y tế, khám, xét nghiệm kịp thời...
 
Nguồn: Báo Người Lao Động

Lượt xem: 1807

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:64441
Lượt truy cập: 14110124