Thứ bảy, 30/11/2024 09:21 GMT+7
Thứ ba, 07/09/2010 10:22 GMT+7

Uỷ ban Pháp luật Quốc hội tổ chức tọa đàm về Bộ Pháp điển về sở hữu trí tuệ

Ngày 01/9/2010, Uỷ Ban Pháp luật Quốc hội đã tổ chức tọa đàm đóng góp ý kiến cho Bộ Pháp điển về sở hữu trí tuệ Việt Nam, ông Đặng Văn Chiến – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Quốc hội chủ trì tọa đàm.

  Cùng tham dự có ông Nguyễn Quân – Thứ trưởng thường trực Bộ Khoa học và Công nghệ, ông John Bentley, Cố vấn trưởng pháp luật, Dự án USAID – STAR Việt Nam và đại diện các cơ quan tham gia xây dựng và hoàn thiện Bộ Pháp điển về sở hữu trí tuệ: Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch), Văn phòng bảo hộ giống cây trồng (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), Trung tâm Luật Việt Nam (thuộc Công ty Cổ phần truyền thông quốc tế INCOM).

Trong những năm gần đây, văn bản pháp luật nói chung và lĩnh vực sở hữu trí tuệ nói riêng ở Việt Nam được nhiều cơ quan, nhiều cấp ban hành và cũng được sửa đổi, bổ sung, thay thế nhiều lần bởi nhiều cơ quan. Những quy định đã bị thay thế, sửa đổi và những quy định hướng dẫn thi hành nằm rải rác ở nhiều văn bản do nhiều cơ quan khác nhau ban hành, dẫn đến tình trạng chung là cả người áp dụng pháp luật lẫn người có nghĩa vụ thi hành pháp luật đều không thể khẳng định chắc chắn những văn bản pháp luật hiện mình có trong tay là toàn bộ quy định hiện hành điều chỉnh một vấn đề nào đó, văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ và văn bản liên quan cũng nằm trong tình trạng đó.

Để khắc phục vấn đề này, cần thiết phải xây dựng Bộ Pháp điển để hệ thống hoá, hợp nhất hoá và chọn lọc tất các các quy định hiện hành và đang được áp dụng để sắp xếp theo từng chủ đề và theo trật tự nhất định. Bộ Pháp điển sẽ phải được công bố công khai dưới dạng online (có thể cập nhật thường xuyên) và dạng giấy (được cập nhật định kỳ), để các cơ quan nhà nước, công chúng có thể tiếp cận tất cả các quy định tại văn bản pháp luật do các cơ quan có thẩm quyền khác nhau ban hành. Để thực hiện thí điểm về pháp điển hoá hệ thống pháp luật Việt Nam, Uỷ ban Pháp luật Quốc hội đã thống nhất với Dự án USAID – STAR Việt Nam chọn Đề án xây dựng Bộ Pháp điển về sở hữu trí tuệ là đề án thí điểm cho hoạt động pháp điển theo chương trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật của Quốc hội.

Sau thời gian hai tháng triển khai, dưới sự chỉ đạo của Uỷ ban Pháp luật Quốc hội, Thanh tra Bộ KH&CN cùng các cơ quan, tổ chức hữu quan đã hoàn thành Dự thảo Bộ Pháp điển về sở hữu trí tuệ. Các quy định có hiệu lực thi hành tập hợp từ trên 100 văn bản pháp quy hiện hành liên quan đến sở hữu trí tuệ đã được đưa vào Dự thảo Bộ Pháp điển về sở hữu trí tuệ với dung lượng trên 1000 trang. Trong đó, các quy định có hiệu lực thi hành liên quan đến bảo hộ và thực thi quyền tác giả, quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng được sắp xếp theo từng chủ đề cụ thể và theo trật tự cơ quan có thẩm quyền ban hành.

            Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Đặng Văn Chiến – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Quốc hội đã nhấn mạnh yêu cầu đối với Bộ Pháp điển là phải “đủ”, “đúng” và “tiện ích” cho người dùng và cơ quan duy trì Bộ Pháp điển. Bộ Pháp điển về sở hữu trí tuệ được tạo ra có ý nghĩa như một cuốn “Từ điển pháp luật hiện hành về sở hữu trí tuệ” của Việt Nam. Tất cả các quy phạm pháp luật được nhà nước áp dụng trong thực tế được tập hợp đầy đủ trong Bộ Pháp điển. Các quy định sau khi đã được rà soát để loại bỏ những phần đã hết hiệu lực, được sắp xếp vào một cấu trúc chung dựa trên cấu trúc của Luật sở hữu trí tuệ hiện hành, các quy định của luật được xếp cạnh các quy định hướng dẫn. Việc đánh số các quy định trong Bộ Pháp điển được tiến hành trên cơ sở đúc kết các phương pháp được áp dụng ở một số nước đã thực hiện pháp điển (Hoa Kỳ, Pháp), đặc biệt là cách làm Bộ Pháp điển quy định pháp luật Liên Bang Hoa Kỳ (CFR), với mục tiêu giúp cho việc cập nhật các quy định được tiến hành một cách hiệu quả và thuận tiện. Những người cần sử dụng có thể tra cứu tất cả các quy định pháp hiện hành hiện đang có hiệu lực thi hành và yên tâm rằng chỉ có chừng ấy quy phạm pháp luật hiện đang được cơ quan liên quan có thẩm quyền áp dụng khi giải quyết các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ.

Các đại biểu tham gia tọa đàm đánh giá cao về ý nghĩa, mục đích của Bộ Pháp điển và mong muốn Bộ Pháp điển sớm được công bố chính thức để  phục vụ cho công chúng. Phát biểu tại buổi toạ đàm, lãnh đạo Uỷ ban Pháp luật Quốc hội và lãnh đạo Bộ KH&CN đều thống nhất trước mắt tiếp tục giao cho Thanh tra Bộ KH&CN chủ trì phối hợp với Trung tâm Luật Việt Nam và các cơ quan chuyên môn, bộ ngành liên quan triển khai phương án duy trì nội dung Bộ Pháp điển sao cho đạt hiệu quả tốt nhất cho người sử dụng.

Đánh giá kết quả thực hiện đề án thử nghiệm, lãnh đạo Uỷ ban Pháp luật đã đánh giá cao nỗ lực của Thanh tra Bộ KH&CN và các cơ quan chuyên môn của các Bộ, Trung tâm luật Việt Nam, chuyên gia của Dự án USAID – STAR Việt Nam (nhóm nghiên cứu thực hiện đề án xây dựng Bộ Pháp điển về sở hữu trí tuệ) đã vượt qua moi khó khăn và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong thời gian ngắn, thể hiện sự “lựa chọn đúng lĩnh vực đáng làm và phải làm”. Sau khi được các bộ liên quan phê chuẩn về nội dung, Bộ Pháp điển về sở hữu trí tuệ sẽ được công bố chính thức trên website của Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, Website của các bộ liên quan. Cũng như đối với Cơ sở dữ liệu về thực thi quyền sở hữu trí tuệ đã được công bố trên website của Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, mọi người dân, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, hiệp hội, người thi hành pháp luật và người hành nghề tư vấn, nghiên cứu, giáo dục pháp luật có thể tự do tiếp cận và khai thác Bộ pháp điển này trong hoạt động nghiên cứu, tư vấn, áp dụng pháp luật của mình.

Ủy ban Pháp luật của Quốc Hội đang xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến và nhân rộng kết quả đạt được từ đề án thử nghiệm sang một số lĩnh vực quản lý nhà nước khác. Mục tiêu của đề án thử nghiệm là tìm ra giải pháp khả thi cho công cuộc pháp điển hóa toàn bộ hệ thống pháp luật quốc gia hiện hành theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời đáp ứng yêu cầu minh bạch hóa chính sách, pháp luật theo các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế.

Dự kiến giữa tháng 9 năm 2010, Bộ pháp điển online về sở hữu trí tuệ sẽ được công bố trên website của Bộ Khoa học và Công nghệ và của các bộ liên quan. Hiện nay một phần của Bộ Pháp điển đã được giới thiệu trên trang tin điện tử của Thanh tra Bộ KH&CN để công chúng, giới luật gia và các doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến./.

                                                                                                                                     Thanh tra Bộ KH&CN

 

Lượt xem: 4386

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:12696
Lượt truy cập: 46492214