Thứ hai, 25/11/2024 08:27 GMT+7
Thứ hai, 07/12/2015 16:10 GMT+7

Hội thảo "Bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng tại Việt Nam - Thực trạng và Giải pháp"

Trong khuôn khổ hợp tác với Tổ chức nhãn hiệu quốc tế (INTA), ngày 03/12/2015 tại Hà Nội, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức buổi hội thảo “Bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng tại Việt Nam – Thực trạng và giải pháp”, đồng thời giới thiệu về Dự án Nhãn hiệu nổi tiếng (Dự án là một trong những hoạt động được thực hiện trên cơ sở Bản ghi nhớ được ký kết ngày 24/3/2015 giữa Thanh tra Bộ KH&CN và INTA) với sự tham dự của hơn 100 đại biểu đại diện cho các cơ quan bảo hộ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ, thành viên của INTA, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các cơ quan nghiên cứu và đào tạo, đại diện sở hữu công nghiệp.

Tại Hội thảo, các diễn giả đại diện cho doanh nghiệp (chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng), Cục Sở hữu trí tuệ, cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ, đại diện sở hữu công nghiệp và Viện/ Trường trao đổi ba nội dung chính: (i) Những vướng mắc trong bảo hộ, thực thi quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng tại Việt Nam; (ii) Kinh nghiệm trong bảo hộ, thực thi quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng; và (iii) Giải pháp hoàn thiện khung pháp lý và tháo gỡ vướng mắc liên quan đến bảo hộ, thực thi quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng.

Các diễn giả và nhiều đại biểu tham dự Hội thảo cho rằng: các quy định pháp luật Việt Nam hiện hành về nhãn hiệu nổi tiếng còn nhiều khiếm khuyết và cần phải sớm hoàn thiện, đặc biệt phải kể đến các quy định về các tiêu chí để nhãn hiệu được công nhận là nổi tiếng (Điều 75 Luật Sở hữu trí tuệ), các quy định về trình tự, thủ tục công nhận nhãn hiệu nổi tiếng. Chính vì vậy, trong thực tiễn phát sinh không ít vướng mắc trong bảo hộ, thực thi quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng. Do đó, cần phải hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan theo hướng: (i) phân biệt rõ nhãn hiệu nổi tiếng và nhãn hiệu được biết đến rộng rãi, đồng thời quy định cụ thể các tiêu chí đối với các nhãn hiệu này; (ii) về tiêu chí, cần xác định rõ người tiêu dùng nào và thị trường nào; (iii) nên có danh mục nhãn hiệu nổi tiếng và danh mục này không cố định; (iv) có những quy định khác nhau về nhãn hiệu nổi tiếng trong bảo hộ và trong thực thi quyền sở hữu công nghiệp.

Bên cạnh đó, thông qua một số vụ việc cụ thể, các diễn giả cũng trình bày việc bảo hộ, thực thi quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng một số nơi trên thế giới như Mỹ, EU, TrungQuốc, Malaysia, Singapore…

Hội thảo, hội nghị và truyền thông là một trong ba nhóm hoạt động của Dự án Nhãn hiệu nổi tiếng. Hội thảo đầu tiên này mở ra các hoạt động tiếp theo cho Dự án được thực hiện trong năm 2016.

 

Lượt xem: 10722

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:11495
Lượt truy cập: 46332169