Thứ hai, 25/11/2024 07:42 GMT+7
Thứ hai, 07/12/2015 16:23 GMT+7

Bộ KH&CN tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng

Ngày 04/12/2015, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN), đến dự và chủ trì Hội nghị có Bộ trưởng Nguyễn Quân cùng đại diện lãnh đạo, cán bộ, công chức của hơn 60 đơn vị trực thuộc Bộ.

Tại Hội nghị, ông Trần Minh Dũng, Chánh Thanh tra Bộ KH&CN đã trình bày Báo cáo tóm tắt kết 10 năm thực hiện Luật PCTN của Bộ KH&CN. Báo cáo đã đề cập đầy đủ, chi tiết kết quả thực hiện công tác PCTN trên các phương diện của Bộ 10 năm qua như: Việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật PCTN, Chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2020, Chương trình hành động của Chính phủ về PCTN, Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng; Việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, mô hình tổ chức các cơ quan PCTN và sự phối hợp công tác giữa các cơ quan PCTN; Việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; Việc phát hiện, xử lý tham nhũng, công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện Luật PCTN;…

Hội nghị là cơ hội để mỗi cán bộ, công chức cùng nhau thẳng thắn nhìn lại những ưu điểm, khuyết điểm, chia sẻ những bài học kinh nghiệm quý báu đã đúc kết lại được trong suốt 10 năm thực hiện Luật PCTN và đề xuất những giải pháp để tiếp tục phát huy những ưu điểm nhằm tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động của Bộ thời gian tới. 

10 năm qua, Bộ KH&CN đã tăng cường thực hiện việc xây dựng các cơ chế quản lý KH&CN theo hướng công khai, minh bạch trong “xét, tuyển chọn, giao trực tiếp, tài trợ thực hiện nhiệm vụ KH&CN và việc đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN” nhằm loại bỏ, sửa đổi những văn bản không còn phù hợp với thực tiễn quản lý của ngành và xác định đây là khâu quan trọng cho công tác đấu tranh PCTN, cải cách hành chính của Bộ. Đồng thời, Bộ đã ban hành 06 văn bản trực tiếp hướng dẫn, thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN; dự thảo trình Quốc hội, Chính phủ rất nhiều văn bản quan trọng; phối hợp với Văn phòng Chính phủ hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ một số đề án;… Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng trong công tác quản lý luôn được Bộ chú trọng thực hiện và đã đạt được những kết quả nhất định. Cụ thể, công khai, minh bạch trong hoạt động chung qua việc thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, ban hành quy chế làm việc; thông báo công khai việc tuyển chọn, xét chọn tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, thông báo công khai việc hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp thực hiện nghiên cứu đổi mới công nghệ trên các báo, mạng thông tin KH&CN Việt Nam, mạng thông tin KH&CN của Bộ; xây dựng, ban hành và thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn; chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng;… 

Bộ KH&CN đã triển khai 30 cuộc thanh tra hành chính và việc thực hiện các nội dung về PCTN tại 30 đơn vị của Bộ; thanh tra 41 nhiệm vụ KH&CN cấp nhà nước, 2 tổ chức KH&CN và 01 Chương trình KH&CN. Điển hình trong việc công khai, minh bạch khi xét, tuyển chọn, tài trợ và đánh giá nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN 10 năm qua như: Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia đã đăng tải toàn bộ thông tin liên quan đến quá trình xét chọn, nghiệm thu trên website của Quỹ; Văn phòng Chương trình Nông thôn miền núi đã thu hồi kinh phí đối với 36 dự án do không sử dụng hết hoặc chi sai quy định; Vụ Khoa học Xã hội và Tự nhiên tổ chức xét chọn 400 đề tài độc lập cấp nhà nước/quốc gia và đã tổ chức nghiệm thu cho gần 330 đề tài…Có thể nói, trong 10 năm qua, với những chỉ đạo của Ban Cán sự, Đảng ủy và Lãnh đạo Bộ cùng với nỗ lực của các tổ chức đoàn thể chính trị trong Bộ và của các cán bộ, công chức trên từng vị trí công tác, công tác PCTN đã có những kết quả tích cực về cả nhận thức và hành động. So với trước khi có Luật PCTN, công tác PCTN đã có bước tiến quan trọng, các giải pháp phòng ngừa tham nhũng được quan tâm thực hiện đồng bộ nhất là việc thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Luật KH&CN và việc công khai, minh bạch trong hoạt động KH&CN.

Tuy nhiên công tác tự rà soát, phát hiện tham nhũng trong từng đơn vị còn hạn chế, nhận thức của một bộ phận cán bộ công chức, kể cả thủ trưởng đơn vị đối với công tác này chưa cao hoặc chưa đầy đủ,… Để nâng cao hiệu quả của công tác PCTN trong thời gian tới, Bộ KH&CN kiến nghị Quốc hội, các cơ quan thuộc Quốc hội quan tâm, tập trung việc sửa đổi, bổ sung Luật PCTN và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan; tăng cường hoạt động giám sát, chất vấn về công tác PCTN nhằm thúc đẩy, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước và hiệu quả thực hiện các giải pháp PCTN; đổi mới các quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ; xây dựng đồng bộ chính sách đào tạo, thu hút, trọng dụng, đãi ngộ xứng đáng nhân tài KH&CN;… 

Hội nghị được nghe các bài tham luận và ý kiến phát biểu của một số đơn vị trực thuộc Bộ, đặc biệt là sự chia sẻ các bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình thực hiện Luật PCTN như: Cần chú trọng công khai, minh bạch, ngăn ngừa tham nhũng ngay từ khâu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; đảm bảo công khai minh bạch trong hoạt động quản lý nội bộ của từng đơn vị trực thuộc nhằm ngăn ngừa các kẽ hở có thể phát sinh tình trạng tham nhũng, lãng phí tại Bộ trong thời gian tới.

Lượt xem: 8995

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:10071
Lượt truy cập: 46331338