Nội dung vụ việc:
Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương MEDIPLANTEX (gọi tắt là Công ty MEDIPLANTEX) là chủ sở hữu Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 44906 bảo hộ nhãn hiệu “Superkan” cho các sản phẩm thuốc và dược phẩm các loại thuộc nhóm 05.
Ngày 25/7/2007, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ nhận được Đơn yêu cầu của Công ty Sở hữu trí tuệ Sao Việt, đại diện sở hữu công nghiệp theo uỷ quyền của Công ty MEDIPLANTEX đề nghị thanh tra và xử lý Công ty Cổ phần Dược và Vật tư Thanh Hóa (gọi tắt là Công ty Dược Thanh Hóa) vì có hành vi cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu công nghiệp đối với sản phẩm thuốc mang nhãn hiệu “Superkan”.
Ngày 29/10/2007, Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ đã ra Quyết định số 51/QĐ-TTra tiến hành thanh tra việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm dược phẩm mang nhãn hiệu “Thekan” tại Công ty Dược Thanh Hóa. Tại thời điểm thanh tra, Đoàn Thanh tra phát hiện trong kho của Công ty Dược Thanh Hóa đang tàng trữ 13.000 hộp sản phẩm mang nhãn hiệu “Thekan” chờ xuất bán.
Vấn đề:
Xác định việc Công ty Dược Thanh Hóa sử dụng chỉ dẫn thương mại “Thekan & Hình” trên vỏ hộp thuốc có tương tự gây nhầm lẫn với chỉ dẫn thương mại “Superkan & Hình” trên hộp thuốc của Công ty MEDIPLANTEX hay không?
Kết luận và quyết định xử lý:
So sánh các chỉ dẫn thương mại trên sản phẩm thuốc mang nhãn hiệu “Superkan” (được Cục Quản lý Dược cấp giấy phép lưu hành năm 2001) và chỉ dẫn thương mại trên sản phẩm thuốc mang nhãn hiệu “Thekan’ (được Cục Quản lý Dược cấp giấy phép lưu hành năm 2004), Thanh tra Bộ KH&CN thấy rằng tuy có khác biệt về mặt nhãn hiệu (nhãn hiệu Thekan và nhãn hiệu Superkan đều được bảo hộ tại Việt Nam), về vị trí hình lá cây Ginko cách điệu, cách thể hiện bốn góc hình chữ nhật, cách trình bày dòng chữ “Cao bạch quả…” nhưng về tổng thể cách trình bày, kết hợp phần chữ và hình, màu sắc thể hiện là tương tự nhau, phần hình lá cây Ginko cách điệu cùng được thể hiện bằng màu xanh lá cây có cùng tỷ lệ trên mặt chính diện của hộp thuốc. Do Công ty MEDIPLANTEX sử dụng chỉ dẫn thương mại “Superkan & Hình” trước Công ty Dược Thanh Hóa nên việc sử dụng chỉ dẫn thương mại “Thekan & Hình” của Công ty Dược Thanh Hóa sẽ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về xuất xứ của sản phẩm. Đây là hành vi cạnh tranh không lành mạnh quy định tại Điều 130 Luật SHTT, vi phạm điểm a khoản 2 Điều 30 của Nghị định 120/2005/NĐ-CP ngày 30/9/2005 của Chính phủ quy định xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh.
Ngày 10/11/2007, Công ty MEDIPLANTEX đã có đơn số 112/CV/MNP gửi Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ xin rút yêu cầu xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu công nghiệp đối với Công ty Dược Thanh Hoá do hai Công ty đã có thoả thuận, thống nhất tự giải quyết vụ việc.
Do đó căn cứ khoản 5 Điều 21 Nghị định 106/2006/NĐ-CP và Đơn xin rút yêu cầu xử lý vi phạm, ngày 15/11/2007, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ đã có Công văn số 337/TTra thông báo không xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh đối với Công ty Dược Thanh Hóa.
Phân tích, bình luận:
Các chỉ dẫn thương mại trên sản phẩm thuốc mang nhãn hiệu “Superkan” và chỉ dẫn thương mại trên sản phẩm thuốc mang nhãn hiệu “Thekan” tuy có khác biệt về mặt nhãn hiệu, về vị trí hình lá cây Ginko cách điệu, cách thể hiện bốn góc hình chữ nhật, cách trình bày dòng chữ “Cao bạch quả…” nhưng về tổng thể cách trình bày, kết hợp phần chữ và hình, màu sắc thể hiện là tương tự nhau, phần hình lá cây Ginko cách điệu cùng được thể hiện bằng màu xanh lá cây có cùng tỷ lệ trên mặt chính diện của hộp thuốc. Do Công ty MEDIPLANTEX sử dụng chỉ dẫn thương mại “Superkan & Hình” trước Công ty Dược Thanh Hóa nên việc sử dụng chỉ dẫn thương mại “Thekan & Hình” của Công ty Dược Thanh Hóa sẽ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về xuất xứ của sản phẩm.
Do đó, khi xác định yếu tố cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu công nghiệp cần lưu ý: so sánh việc sử dụng chỉ dẫn thương mại (hành vi gắn chỉ dẫn thương mại đó lên hàng hóa, bao bì hàng hóa…). Chứng minh quyền sử dụng trước của đối tượng đối với chỉ dẫn thương mại.