Nội dung vụ việc:
Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Thiên Đức (gọi tắt là Công ty Thiên Đức) là chủ sở hữu Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 100060 (cấp ngày 23/4/2008) bảo hộ nhãn hiệu “HA CHI TD THIEN DUC & Hình” cho các sản phẩm thuộc nhóm 30 (bánh bích quy, bánh quy mặn, bánh xốp, bánh làm từ bột ngũ cốc…).
Ngày 31/3/2009, Công an Hà Nội đã có Công văn số 263/CAHN-PC15(Đ8) và số 451CV/CAHN-PC15(Đ8) đề nghị Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp nhận hồ sơ và xử lý theo thẩm quyền đối với Công ty Cổ phần Thương mại Tân Hiệp Thành (gọi tắt là Công ty Tân Hiệp Thành) vì đã có hành vi sản xuất, buôn bán, tàng trữ sản phẩm bim bim (bánh Snack) gắn dấu hiệu “HAITRI” tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu hiệu “HA CHI TD THIEN DUC & Hình” đang được bảo hộ cho Công ty Thiên Đức.
Ngày 03/4/2009, Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ đã ra Quyết định số 15/QĐ-TTra để tiến hành thanh tra việc sản xuất sản phẩm bim bim (bánh Snack) gắn dấu hiệu “HAI TRI” của Công ty Tân Hiệp Thành. Tại thời điểm thanh tra, Đoàn Thanh tra phát hiện trong kho của Công ty Tân Hiệp Thành còn tồn 131 bịch bim bim gắn dấu hiệu “HAI TRI” (500 gói/bịch); 18.500 m màng co Snack que gắn dấu hiệu “HAI TRI”. Giá hàng tồn kho chưa xuất bán: 100.000 đồng/01 bịch.
Vấn đề:
Xác định dấu hiệu “HAI TRI” gắn trên sản phẩm bim bim (bánh Snack) do Công ty Tân Hiệp Thành sản xuất có xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu “HA CHI TD THIEN DUC & Hình” đang được bảo hộ cho Công ty Thiên Đức theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 10060 hay không?
Kết luận và quyết định xử lý:
Xem xét dấu hiệu “ HAI TRI” gắn trên sản phẩm bim bim do Công ty Tân Hiệp Thành sản xuất, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ thấy rằng:
Dấu hiệu “HAI TRI”được thể hiện cách điệu hình các đốt tre, lá tre và phông chữ tương tự như chữ “HA CHI” cùng với cách phát âm không khác biệt, tạo thành tổng thể gây nhầm lẫn với nhãn hiệu “HA CHI TD THIEN DUC & Hình” đang được bảo hộ theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 10060. Việc sử dụng dấu hiệu “HAI TRI” nêu trên trong việc sản xuất, buôn bán, lưu thông, tàng trữ nhằm để bán các sản phẩm bim bim mà không do chủ nhãn hiệu hoặc người được chủ nhãn hiệu cho phép sản xuất sẽ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Đây là hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, vi phạm điểm b khoản 1 Điều 13 của Nghị định số 106/NĐ-CP ngày 22/9/2006 quy định về xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp.
Ngày 13/4/2009, Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ đã ra Quyết định số 18/QĐ-TTra về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Tân Hiệp Thành với số tiền: 13.100.000 đồng, buộc tiêu huỷ 65.500 vỏ bao gói bim bim (đựng trong 131 bịch); 18.500 m màng co bánh Snank gắn dấu hiệu “HAI TRI”.
Phân tích, bình luận:
Khi xác định yếu tố xâm phạm quyền đối nhãn hiệu được bảo hộ, trước tiên cần phải xem xét đến nhãn hiệu đó được bảo hộ tổng thể (phần chữ, hình, màu sắc, cách trình bày) hay bảo hộ riêng phần hình, phần chữ, màu sắc… Sau đó xem xét đến yếu tố được coi là thành phần mạnh, yếu tố được coi là thành phần yếu của nhãn hiệu.
Ví dụ: Trong nhãn hiệu “HA CHI TD THIEN DUC & Hình” được bảo hộ theo GCNĐKNHHH số 100060, thì yếu tố “HA CHI” được coi là thành phần mạnh của nhãn hiệu. Do vậy khi xác định hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu “HA CHI TD THIEN DUC & Hình” thì ta so sánh yếu tố nghi ngờ xâm phạm “HAI TRI” với dấu hiệu “HA CHI” trong tổng thể nhãn hiệu.