Các hành vi vi phạm chủ yếu như: kinh doanh xăng dầu không đạt yêu cầu về chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 1 : 2009/BKHCN; phương tiện đo không đạt yêu cầu kỹ thuật về đo lường; tự ý tháo dỡ các dấu hiệu niêm phong, kẹp chì của tổ chức kiểm định tại các phương tiện đo; sử dụng phương tiện đo đã hết thời hạn kiểm định; tự ý điều chỉnh, sửa chữa, thay thế, lắp thêm, rút bớt các chi tiết, thiết bị của phương tiện đo để làm thay đổi đặc tính đo lường của phương tiện đo nhằm thu lợi bất chính, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Mặt khác, trong thời gian qua đã xảy ra mộ số ô tô, xe máy của nhiều hãng xe bốc cháy khi đang đi hay dừng đỗ chưa biết nguyên nhân gây cháy, nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân gây cháy xe là do chất lượng xăng dầu.
Trước tình hình đó, để kịp thời đánh giá được thực trạng việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu và tìm ra nguyên nhân gây cháy nổ ô tô, xe máy nhằm tăng cường sự quản lý nhà nước về lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, tạo sự yên tâm cho người sử dụng nguồn nhiên liệu xăng dầu; ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, qua đó nhằm răn đe, phòng ngừa các hành vi kinh doanh gian lận, bảo đảm sự công bằng và cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở kinh doanh, đảm bảo lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, ngày 16/01/2012, Uỷ ban nhân dân tỉnh Hòa Bình đã có Công văn số 46/UBND-DA về việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xăng dầu.
Trong Công văn số 46/UBND-DA nêu trên cũng đã giao cho Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hòa Bình chủ trì, phối hợp cùng các cơ quan chức năng, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, đặc biệt tập trung kiểm tra chất lượng xăng dầu theo hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ tại Công điện số 62/CĐ-BKHCN ngày 11/01/2012 và Công văn số 113/BKHCN-TTra ngày 19/01/2012 về việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xăng dầu.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh và Bộ Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ đã chỉ đạo Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ, Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng phối hợp cùng các cơ quan chức năng để tổ chức triển khai công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với các cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh.
Tại địa bàn các huyện, thị được thanh tra, Đoàn thanh tra đã phối hợp cùng Phòng kinh tế và hạ tầng các huyện, Phòng Kinh tế thành phố Hòa Bình, tiến hành thanh tra theo nội dung kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt.
Từ tháng 01 đến tháng 3 năm 2012, Đoàn Thanh tra liên ngành đã tiến hành thanh tra tại 88/124 cơ sở trên địa bàn toàn tỉnh Hoà Bình.
Qua thanh tra, kiểm tra thực tế tại 88 cơ sở, Đoàn thanh tra đã phát hiện 10/88 cơ sở được thanh tra vi phạm, chiếm 11,36% số cơ sở được thanh tra. Xử phạt vi phạm hành chính đối với 10 cơ sở số tiền là 198.000.000 đồng, tạm đình chỉ hoạt động và buộc thực hiện kiểm định đối với 08 cột đo nhiên liệu vi phạm, hành vi vi phạm như sau:
+ Vi phạm về lĩnh vực đo lường: 05 cơ sở, bao gồm: Sử dụng phương tiện đo (cột đo nhiên liệu) đã quá thời hạn kiểm định; không đạt yêu cầu về đo lường, có sai số vượt quá giới hạn cho phép gây thiệt hại cho người tiêu dùng; tự ý tháo, dỡ dấu kẹp chì; thay thế IC chương trình làm thay đổi tình trạng kỹ thuật, đặc tính đo lường của phương tiện đo.
+ Vi phạm về lĩnh vực chất lượng: 05 cơ sở, bao gồm: Kinh doanh xăng RON 92 có trị số octan thấp hơn so với Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia (kết quả thử nghiệm: 01 mẫu đạt 91,0 và 02 mẫu đạt 91,5): 03 cơ sở; kinh doanh dầu Điêzen 0,05%S có hàm lượng lưu huỳnh cao hơn so với chuẩn kỹ thuật Quốc gia (kết quả thử nghiệm: 01 mẫu đạt 825 mg/kg và 01 mẫu đạt 1960 mg/kg) : 02 cơ sở.
Như vậy, có thể nói, cuộc thanh tra đã đạt được mục tiêu là tăng cường sự quản lý nhà nước về lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; kiểm soát chặt chẽ tình trạng gian lận thương mại trong hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Qua cuộc thanh tra, đã nâng cao được nhận thức và hành động của các cơ sở kinh doanh xăng dầu về việc chấp hành các quy định của pháp luật; đối với các cơ sở có sai phạm Đoàn thanh tra đã lập biên bản vi phạm và bảo đảm ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm hành chính, qua đó nhằm răn đe, phòng ngừa các hành vi gian lận, nhằm làm cho pháp luật được thực thi một cách nghiêm túc và có hiệu quả.
10 cơ sở vi phạm đã bị xử phạt vi phạm hành chính cụ thể như sau:
1. Xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực chất lượng đối với Cửa hàng Xăng dầu Xuân Đài; địa chỉ: Xóm Co Lương, xã Vạn Mai, huyện Mai Châu về hành vi bán xăng không chì RON 92 có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia; xử phạt với số tiền là 30.000.000 đồng.
2. Xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực chất lượng đối với Cửa hàng Xăng dầu Thăng Long; địa chỉ: Phố Tân Sơn, thị trấn Vụ Bản, huyện Lạc Sơn về hành vi bán xăng không chì RON 92 có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia; xử phạt với số tiền là 30.000.000 đồng.
3. Xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực chất lượng đối với Cửa hàng Xăng dầu số 2 Bãi Nai; địa chỉ: Xã Mông Hóa, huyện Kỳ Sơn về hành vi bán xăng không chì RON 92 có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia; xử phạt với số tiền là 30.000.000 đồng.
4. Xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực chất lượng đối với Cửa hàng Xăng dầu Phố Lồ; địa chỉ: Phố Lồ, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc về hành vi bán dầu Điêzen có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia; xử phạt với số tiền là 30.000.000 đồng.
5. Xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực chất lượng đối với Cửa hàng Xăng dầu số 2 Kim Bình; địa chỉ: Xã Kim Bình, huyện Kim Bôi về hành vi bán dầu Điêzen có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia; xử phạt với số tiền là 30.000.000 đồng.
6. Xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực đo lường đối với Cửa hàng Xăng dầu Thái Dương; địa chỉ: Thị trấn Mường Khến, huyện Tân Lạc về hành vi sử dụng phương tiện đo (cột đo nhiên liệu xăng dầu) không đạt yêu cầu kỹ thuật về đo lường, có sai số vượt quá giới hạn cho phép gây thiệt hại cho người tiêu dùng; xử phạt với số tiền là 9.500.000 đồng và tạm đình chỉ 02 cột đo nhiên liệu vi phạm.
7. Xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực đo lường đối với Cửa hàng Xăng dầu Tây Bắc; địa chỉ: Phường Đồng Tiến, thành phố Hòa Bình về hành vi sử dụng phương tiện đo (cột đo nhiên liệu xăng dầu) không đạt yêu cầu kỹ thuật về đo lường, có sai số vượt quá giới hạn cho phép gây thiệt hại cho người tiêu dùng; xử phạt với số tiền là 7.000.000 đồng và tạm đình chỉ 01 cột đo nhiên liệu vi phạm.
8. Xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực đo lường đối với Cửa hàng Xăng dầu Phúc Chấn; địa chỉ: Xã Phú Lão, huyện Lạc Thủy về hành vi sử dụng phương tiện đo (cột đo nhiên liệu xăng dầu) đã hết hiệu lực kiểm định; xử phạt với số tiền là 5.500.000 đồng và tạm đình chỉ 02 cột đo nhiên liệu vi phạm.
9. Xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực đo lường đối với Cửa hàng Xăng dầu Đăng Thuận; địa chỉ: Thị trấn Lương Sơn, huyện Lương Sơn về hành vi sử dụng phương tiện đo (cột đo nhiên liệu xăng dầu) không đạt yêu cầu kỹ thuật về đo lường, có sai số vượt quá giới hạn cho phép gây thiệt hại cho người tiêu dùng và hành vi tự ý tháo, dỡ dấu kẹp chì; thay thế IC chương trình (làm thay đổi tình trạng kỹ thuật, đặc tính đo lường của phương tiện đo); xử phạt với số tiền là 22.000.000 đồng và tạm đình chỉ hoạt động 02 cột đo nhiên liệu vi phạm.
10. Xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực đo lường đối với Cửa hàng Xăng dầu Hòa Sơn; địa chỉ: Xã Hòa Sơn, huyện Lương Sơn về hành vi sử dụng phương tiện đo (cột đo nhiên liệu xăng dầu) đã hết hiệu lực kiểm định; xử phạt với số tiền là 4.000.000 đồng và tạm đình chỉ hoạt động 01 cột đo nhiên liệu vi phạm.
Trong thời gian tới, để hoạt động kinh doanh xăng dầu đi vào ổn định, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng cho người tiêu dùng và người kinh doanh chân chính, các đối tượng quản lý và kinh doanh cần phải thực hiện những nội dung cụ thể sau:
Đối với công tác quản lý nhà nước:
Tăng cường công tác tuyên truyền, đặc biệt là công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực này.
Hàng năm cấp nguồn kinh phí phục vụ công tác lấy mẫu và thử nghiệm mẫu, kinh phí đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra về lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng xăng dầu.
Đối với các cơ sở kinh doanh:
Thường xuyên cập nhật các văn bản của các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này để tổ chức kinh doanh theo đúng các quy định của pháp luật;
Thường xuyên tự kiểm tra các cột đo nhiên liệu của mình, cũng như các điều kiện đảm bảo trong quá trình hoạt động kinh doanh.
Không được tự ý tháo dỡ các dấu hiệu niêm phong, kẹp chì của tổ chức kiểm định tại các cột đo nhiên liệu, khi chưa được cơ quan có thẩm quyền đồng ý.
Trang bị các ca đong, bình đong có dung tích 1 L, 2 L, 5L, 10 L và các ống đong chia độ có phạm vi đo phù hợp; sẵn sàng thực hiện phép đo đối chứng khi được yêu cầu. Các ca đong, bình đong và ống đong chia độ này phải được kiểm định và còn trong thời hạn giá trị của chứng chỉ kiểm định; và được đặt tại vị trí thuận lợi để người có trách nhiệm hoặc người mua xăng dầu có thể kiểm tra kết quả đo.
Đối với người tiêu dùng:
Khách hàng khi mua xăng dầu được quyền yêu cầu người bán hàng sử dụng các ca đong dung tích để thực hiện phép đo đối chứng xem có đảm bảo yêu cầu về số lượng hay không.
Mặt khác, khi mua hàng, khách hàng yêu cầu người bán hàng phải thực hiện việc đưa đồng hồ của cột đo nhiên liệu về chỉ số 0 trước khi bán hàng, nhằm tránh sự sai lệch trong quá trình đếm số của cột đo, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng.
( Phạm Hùng Sơn - Chánh Thanh tra Sở KH&CN Hòa Bình).