Trên cơ sở Nghị quyết số 83/NQ-CP, trong thời gian những Nghị định thay thế các Nghị định hiện hành chưa được ban hành và có hiệu lực, nhằm tháo gỡ những vướng mắc và nâng cao hiệu quả trong công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa, sở hữu công nghiệp, năng lượng nguyên tử, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn như sau:
1. Đối với những vấn đề chỉ được quy định trong các Nghị định hiện hành mà không được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính: áp dụng quy định trong các Nghị định hiện hành. Ví dụ: các quy định về hành vi vi phạm.
2. Đối với những vấn đề chỉ được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính mà không được quy định trong các Nghị định hiện hành: áp dụng quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính. Ví dụ: quy định giải trình (Điều 61); quy định giảm, miễn tiền phạt (Điều 77).
3. Đối với những vấn đề đồng thời được quy định về trong cả các Nghị định hiện hành và Luật xử lý vi phạm hành chính nhưng có quy định khác nhau giữa hai văn bản: áp dụng Luật Xử lý vi phạm hành chính. Ví dụ: Nghị định 97/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp quy định hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc không thời hạn (Điểm b Khoản 2 Điều 3), nhưng Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định hình thức xử phạt bổ sung này chỉ là có thời hạn (Điểm c Khoản 1 Điều 21). Trong thời gian chờ các Nghị định thay thế được ban hành và có hiệu lực: áp dụng quy định tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề có thời hạn.
4. Về xác định mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm của cá nhân và hành vi vi phạm của tổ chức:
(a) Nếu các Nghị định hiện hành quy định rõ hành vi vi phạm và mức tiền phạt đối với cá nhân hoặc tổ chức: áp dụng theo quy định của các Nghị định hiện hành.
Ví dụ 1: Theo quy định của Nghị định 54/2009/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường chất lượng sản phẩm, hàng hóa (Khoản 2 Điều 9), nếu tổ chức kiểm định thực hiện một trong các hành vi sau đây thì bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng: (i) Kiểm định phương tiện đo vượt quá phạm vi được công nhận khả năng kiểm định; (ii) Tiến hành kiểm định phương tiện đo khi quyết định công nhận khả năng kiểm định đã hết hiệu lực; (iii) Sử dụng giấy chứng nhận kiểm định chuẩn đo lường đã hết hiệu lực; (iv) Sử dụng chuẩn đo lường khi chưa có quyết định về việc chứng nhận chuẩn đo lường để kiểm định phương tiện đo của cơ quan có thẩm quyền hoặc quyết định này đã hết hiệu lực. Trong thời gian chờ các Nghị định thay thế được ban hành và có hiệu lực: tiếp tục áp dụng quy định này.
Ví dụ 2: Theo quy định của Nghị định 97/2010/NĐ, nếu một người “Sử dụng thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp của người khác hoặc cho người khác sử dụng thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp của mình để hành nghề giám định” thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng (Điểm d Khoản 2 Điều 8). Trong thời gian chờ các Nghị định thay thế được ban hành và có hiệu lực: tiếp tục áp dụng quy định này.
(b) Nếu các Nghị định hiện hành quy định về hành vi vi phạm và mức tiền phạt chung cho cả tổ chức và cá nhân: coi mức tiền phạt quy định trong Nghị định hiện hành áp dụng đối với tổ chức và mức tiền phạt đối với cá nhân giảm đi một nửa.
Ví dụ 1: Theo Nghị định 111/2009/NĐ-CP ngày 11/12/2009 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử (Khoản 1 Điều 17), tổ chức hoặc cá nhân thực hiện một trong các hành vi sau đây thì bị phạt tiền từ 12.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng: (i) Không thực hiện các biện pháp lưu giữ, xử lý vật thể bị nhiễm bẩn phóng xạ theo quy định; (ii) Thanh lý vật thể nhiễm bẩn phóng xạ có mức nhiễm bẩn phóng xạ cao hơn mức quy định. Trong thời gian chờ các Nghị định thay thế được ban hành và có hiệu lực: (i) Nếu tổ chức vi phạm thì giữ nguyên mức tiền 12.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng; (ii) Nếu cá nhân vi phạm thì mức tiền phạt từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Ví dụ 2: Theo Nghị định 97/2010/NĐ-CP (Khoản 9 Điều 11) thì mức tiền phạt đối với tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền đối nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp quy định tại Khoản 1 Điều 11 là 300.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng trong trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm từ trên 300.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng. Trong thời gian chờ các Nghị định thay thế được ban hành và có hiệu lực: (i) Nếu tổ chức vi phạm thì giữ nguyên mức tiền 300.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng; (ii) Nếu cá nhân vi phạm thì mức tiền phạt từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các Sở trao đổi với Thanh tra Bộ để xử lý kịp thời./.
Tải chi tiết Công văn tại đường dẫn:
Công văn 251_TTra.pdf