Thứ sáu, 22/11/2024 22:20 GMT+7
Thứ hai, 09/12/2019 10:26 GMT+7

Một vài suy nghĩ về việc hoàn thiện cơ chế giúp việc Ban cán sự đảng Bộ KH&CN trong công tác phòng, chống tham nhũng tại Bộ KH&CN

     Thực hiện: (1) Nguyễn Hữu Quân, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ

                                                                                                       (2) Đỗ Thiên Hoàng, Cục Sở hữu trí tuệ

     Thành viên chính Nhóm thực hiện Đề án "Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn để hoàn thiện cơ chế giúp việc cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng tại Bộ KH&CN theo quy định của Ban Nội chính Trung ương".
 
    Công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) đã và đang trở thành một nhiệm vụ cấp thiết trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền và đặc biệt là củng cố niềm tin của nhân dân vào chế độ tốt đẹp của nhà nước. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã đặc biệt chú trọng tới công tác này với việc ban hành hàng loạt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng để lãnh đạo công cuộc đấu tranh PCTN, Quốc hội đã ban hành Luật PCTN (năm 2006 và năm 2018), Chính phủ cũng ban hành hàng loạt các văn bản hướng dẫn thi hành, các bộ, ngành trung ương cũng ban hành nhiều văn bản hướng dẫn về công tác PCTN trong lĩnh vực ngành quản lý… Về thực thi pháp luật, hàng loạt vụ án tham nhũng được các cơ quan chức năng xử lý, những kẻ vi phạm đã bị nghiêm trị. Điều này đã nhận được sự đồng tình ủng hộ rất lớn của nhân dân. Tuy nhiên công cuộc đấu tranh PCTN của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta vẫn được xác định là cuộc chiến lâu dài, đòi hỏi sự nỗ lực của tất cả các cấp, các ngành và sự giám sát mọi tầng lớp nhân dân, trong đó, trước hết là sự nỗ lực của các cấp ủy Đảng trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo đối với công tác tác này.
 

  Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về KH&CN, nhiều nội dung quản lý của Bộ liên quan đến trực tiếp đến giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân cần phải được thực hiện theo quy định của Luật PCTN. Những năm qua, Ban cán sự Đảng Bộ KH&CN đã có sự quan tâm chỉ đạo kịp thời đối với công tác PCTN tại Bộ KH&CN từ việc công khai, minh bạch các thủ tục hành chính nhà nước, đến các hoạt động thanh tra, kiểm tra thường xuyên theo chức năng, đồng thời củng cố, tăng cường trách nhiệm cho cơ quan tham mưu giúp việc và đơn vị liên quan đến công tác này. Ban cán sự đảng đã cụ thể hóa Hướng dẫn số 08-HD/BNCTW ngày 20/4/2018 về việc kiện toàn đầu mối tham mưu, giúp việc cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan tổ chức ở Trung ương (gọi tắt là Hướng dẫn số 08-HD/BNCTW), giao Thanh tra Bộ KH&CN thực hiện nhiệm vụ đầu mối tham mưu, giúp việc công tác PCTN của Ban cán sự đảng Bộ KH&CN (theo Quyết định số 35-QĐ-BCSĐ ngày 04/5/2018), đồng thời giao Thanh tra Bộ KH&CN chủ trì thực hiện Đề án “Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn để hoàn thiện cơ chế giúp việc cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN tại Bộ KH&CN theo quy định của Ban Nội chính Trung ương”.

    Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, nhóm nghiên cứu đã tiến hành nghiên cứu một số văn bản quan trọng của Đảng, Nhà nước, Bộ KH&CN về công tác PCTN, nghiên cứu một số cơ chế, mô hình của Bộ, ngành trung ương, tiến hành khảo sát, điều tra mẫu đối với cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc tại các cơ quan của Bộ KH&CN về công tác PCTN hiện nay, từ đó đề xuất phương án để hoàn thiện cơ chế, quy trình, mô hình tổ chức bộ phận tham mưu, giúp việc Ban cán sự đảng, lãnh đạo Bộ KH&CN nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác giúp việc Ban  cán sự đảng Bộ KH&CN trong công tác PCTN tại Bộ KH&CN.

Qua nghiên cứu các vấn đề đặt ra, nhóm nghiên cứu có một số nhận định và kiến nghị hoàn hiện cơ chế giúp việc Ban cán sự đảng Bộ KH&CN chỉ đạo công tác PCTN tại Bộ KH&CN như sau:

1.  Thực trạng mô hình và tổ chức thực hiện nhiệm vụ đầu mối tham mưu, giúp việc Ban cán sự Đảng trong công tác PCTN của Bộ KH&CN hiện nay

     Theo Hướng dẫn số 08-HD/BNCTW của Ban Nội chính Trung ương, hầu hết các Bộ, ngành đều giao cơ quan Thanh tra Bộ làm nhiệm vụ đầu mối tham mưu, giúp việc Ban cán sự đảng các Bộ, ngành trong công tác PCTN. Tại Thanh tra các Bộ, nhiệm vụ này lại được giao về một phòng cụ thể, ví dụ: Phòng Thanh tra Hành chính và PCTN; Phòng Xử lý sau thanh tra và PCTN,… Đối với Bộ KH&CN, Ban cán sự đảng cũng có Quyết định số 35-QĐ/BCSĐ ngày 04/5/2018 giao cho Thanh tra Bộ nhiệm vụ đầu mối tham mưu, giúp việc về cho Ban cán sự đảng về công tác này (Quyết định số 35-QĐ/BCSĐ).

     Theo đó, Thanh tra Bộ KH&CN có những nhiệm vụ cụ thể sau:

1. Tham mưu, giúp Ban cán sự đảng, Bí thư Ban cán sự đảng lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và triển khai thực hiện các chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN; xây dựng chương trình, kế hoạch công tác PCTN của Bộ.

          2. Chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng và thẩm định các đề án, văn bản quan trọng về công tác PCTN trình Ban cán sự đảng, Bộ trưởng xem xét, quyết định.

          3. Chủ trì tham mưu giúp Ban cán sự đảng, Bộ trưởng chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ PCTN trong nội bộ Bộ.

          4. Tham mưu giúp Ban cán sự đảng, Bộ trưởng hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác PCTN trong các đơn vị trực thuộc Bộ.

          5. Chủ trì phối hợp với Văn phòng Ban cán sự đảng, Vụ Tổ chức cán bộ và các đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất Ban cán sự đảng, Bộ trưởng chỉ đạo phát hiện và xử lý các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng trong nội bộ Bộ; giải quyết đơn thư tố cáo, phản ánh, kiến nghị liên quan đến tham nhũng thuộc thẩm quyền của Bộ.

          6. Tham mưu, đề xuất Ban cán sự đảng, Bộ trưởng chỉ đạo công tác phối hợp giữa các đơn vị trực thuộc Bộ và phối hợp với các cơ quan liên quan trong thực hiện các nhiệm vụ về PCTN.

          7. Theo dõi, tổng hợp, báo cáo tình hình, kết quả công tác PCTN theo quy định.

          8. Thực hiện các nhiệm vụ khác về PCTN do Ban cán sự, Bộ trưởng giao.

    Việc giao nhiệm vụ trực tiếp cho Thanh tra Bộ KH&CN có mặt tích cực là sử dụng được bộ máy tổ chức sẵn có, có kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ về PCTN, không làm tăng biên chế. Tuy nhiên, đây cũng là điểm hạn chế khi việc thực hiện nhiệm vụ này đều dựa trên “nền” công tác thanh tra (từ nhân lực, pháp luật, quan điểm, phương pháp đến cách thức thực hiện nhiệm vụ). Vì vậy, với việc giao trực tiếp cho Thanh tra Bộ như hiện nay dẫn tới việc cơ quan này khó đáp ứng tốt yêu cầu đặt ra của Ban cán sự Đảng. Bởi lẽ, công tác PCTN là nhiệm vụ không chỉ thuẩn túy về mặt chuyên môn, nghiệp vụ thanh tra mà còn phải tiếp cận, nhận thức vấn đề và tham mưu, giúp việc trên phương diện của công tác đảng, đúng với tầm lãnh đạo của Ban cán sự đảng.

    Mặt khác, nếu xét về mặt lý luận thì việc giao cho Thanh tra Bộ nhiệm vụ "đầu mối" tham mưu, giúp việc cũng được hiểu là sẽ có những cơ quan, đơn vị khác cũng có nhiệm vụ tham mưu, giúp việc về công tác PCTN cho Ban cán sự đảng, nhưng hiện nay chưa có văn bản nào quy định cụ thể về vấn đề này. Ngoài ra, trên thực tế cũng đã phát sinh các đơn thư khiếu tố được gửi đến Ban cán sự đảng, Bộ trưởng với đa nội dung, đa lĩnh vực, có cả nội dung thuộc phạm vi trách nhiệm của chính quyền và cả nội dung thuộc phạm vi thẩm quyền của tổ chức đảng. Do vậy, trong một số trường hợp, Thanh tra Bộ gặp khó khăn, chậm trễ khi thực hiện yêu cầu giải quyết khẩn trương, toàn diện, triệt để vì hạn chế về phạm vi thẩm quyền và chuyên môn sâu.

    Quyết định số 1104/QĐ-BKHCN ngày 27/4/2018 của Bộ trưởng Bộ KH&CN về quy định về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Bộ KH&CN và Quyết định số 35-QĐ/BCSĐ của Ban cán sự đảng đều quy định các nhiệm vụ cụ thể của Thanh tra Bộ KH&CN về công tác PCTN, trong đó có những quy định tương tự nhau và có những quy định mới được nêu trong Quyết định số 35-QĐ/BCSĐ.

    Do đó, hầu hết công tác tham mưu, giúp việc Ban cán sự đảng về công tác PCTN hiện nay do Văn phòng Ban cán sự đảng và Thanh tra Bộ KH&CN phối hợp thực hiện là chủ yếu, với hai nội dung chính: (i) Chuẩn bị dự thảo các văn bản (kế hoạch, báo cáo, thông báo,…); (ii) Tham dự các buổi họp cùng các bộ, ngành liên quan để nắm bắt tình hình công tác PCTN tại Ban Nội chính Trung ương, bên cạnh đó là phối hợp, tham mưu giải quyết đơn thư khiếu tố của hai đơn vị.

    Trong thời gian qua, Thanh tra Bộ KH&CN và Văn phòng Ban cán sự đảng đã cơ bản hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao theo theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại cả hai văn bản nêu trên. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, việc xử lý nội dung đơn thư về PCTN nhưng chủ thể bị tố cáo là đảng viên/tổ chức đảng, nội dung liên quan đến công tác đảng, thuộc phạm vi của Đảng bộ các cấp thì Thanh tra Bộ và Văn phòng Ban cán sự đảng không có thẩm quyền xác minh làm rõ theo quy định của pháp luật hay quy định của Đảng.

2. Cơ sở và yêu cầu của việc thành lập Tổ tham mưu, giúp việc Ban cán sự đảng Bộ KH&CN trong công tác PCTN

    Việc thành lập đầu mối tham mưu, giúp việc cho Ban cán sự đảng đã được Ban Nội chính Trung ương yêu cầu tất cả các cấp ủy, tổ chức đảng ở Trung ương phải có một đầu mối tham mưu, giúp việc về công tác PCTN.

    Đơn vị đầu mối cần có các tiêu chí: (i) Gọn nhẹ, hiệu quả; (ii) Quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, cơ chế hoạt động của đầu mối theo dõi, tổng hợp tham mưu, đề xuất trực tiếp thực hiện công tác PCTN; (iii) có quy chế hoạt động theo cơ chế đề cao trách nhiệm, trực tiếp, bảo đảm hiệu quả.

    Theo yêu cầu của Ban Nội chính Trung ương, đơn vị đầu mối được tổ chức theo hướng: (i) Đối với các cấp ủy, tổ chức đảng đã thành lập các ban chỉ đạo PCTN và đang phát huy hiệu quả thì tiếp tục duy trì hoạt động; nếu chưa hiệu quả thì học tập kinh nghiệm những nơi làm tốt để ban chỉ đạo PCTN hoạt động có hiệu quả hơn. Trưởng Ban Chỉ đạo PCTN phải là Bí thư BCSĐ, Đảng đoàn, Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị; (ii) Những nơi không thành lập ban chỉ đạo thì giao bộ phận làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo làm công tác tham mưu, giúp việc cấp ủy, tổ chức đảng ở Trung ương về công tác PCTN; đối với các ban đảng thì giao cho bộ phận tổ chức - cán bộ kiêm nhiệm công tác này. Tất cả mô hình trên đều không được phép tăng biên chế.

    Ban cán sự đảng Bộ KH&CN đang giao đầu mối giúp việc về công tác PCTN cho Thanh tra Bộ KH&CN là đã đáp ứng đúng yêu cầu của Ban Nội chính Trung ương về vấn đề này. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên thì việc giao cho Thanh tra Bộ KH&CN là đơn vị đầu mối tham mưu, giúp việc cho Ban cán sự đảng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Bên cạnh đó, theo khảo sát của Thanh tra Bộ KH&CN về đến nhận thức của cán bộ, công chức, người lao động đang công tác tại các đơn vị thuộc Bộ về công tác PCTN, có lớn tỷ lệ cán bộ, công chức, người lao động được hỏi đã lựa chọn phương án “nên thành lập Tổ công tác [giúp việc Ban cán sự đảng] do Thanh tra Bộ làm thường trực, thành viên là lãnh đạo các đơn vị liên quan” (chiếm 37%, đây là tỷ lệ lựa chọn lớn nhất trong nhiều phương án) và có tới 56% ý kiến cho rằng Tổ công tác cần có Quy chế hoạt động riêng.

Do đó, yêu cầu tìm ra một mô hình mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hơn cho công tác tham mưu, giúp việc PCTN dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban cán sự đảng Bộ KH&CN là nhiệm vụ cần thiết, khách quan và không trái với hướng dẫn của Ban Nội chính Trung ương.

3. Đề xuất mô hình và tổ chức thực hiện nhiệm vụ tham mưu giúp việc Ban cán sự đảng Bộ KH&CN đối với công tác PCTN trong tình hình mới

          Việc xây dựng một mô hình tổ chức nhằm thực hiện tốt chức năng tham mưu, giúp việc Ban cán sự đảng Bộ KH&CN về công tác PCTN là một nhiệm vụ cần thiết. Yêu cầu của việc xây dựng mô hình là vẫn phải đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Ban cán sự đảng về công tác này, đồng thời phát huy được vai trò của các đơn vị liên quan, đặc biệt là không làm giảm đi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Thanh tra Bộ KH&CN trong công tác PCTN theo quy định của Luật Thanh tra và Luật PCTN. Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu đề xuất:

          Một là, thành lập Tổ tham mưu, giúp việc Ban cán sự đảng Bộ KH&CN về công tác PCTN (sau đây gọi tắt là Tổ công tác) do Chánh Thanh tra Bộ làm Tổ trưởng, Thanh tra Bộ làm Bộ phận thường trực, thành viên là lãnh đạo của một số đơn vị liên quan đến các nội dung về phòng ngừa, phát hiện tham nhũng theo quy định của pháp luật về PCTN·. Việc này sẽ bảo đảm Tổ công tác sẽ có khả năng bao quát toàn bộ phạm vi hoạt động và chuyên môn tương ứng theo yêu cầu của công tác PCTN.

          Tổ công tác có nhiệm vụ tham mưu, giúp việc Ban cán sự đảng trong công tác PCTN, tập trung thực hiện 08 nhóm nhiệm vụ chính theo Hướng dẫn số 08/HD/BNCTW của Ban Nội chính Trung ương. Chánh Thanh tra Bộ là Tổ trưởng, Thanh tra Bộ là Bộ phận thường trực của Tổ công tác thực hiện các nhiệm vụ của Bộ phận thường trực theo Quy chế hoạt động của Tổ công tác và các nhiệm vụ theo Quyết định số 35-QĐ/BCSĐ. Nếu xem xét trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao của các đơn vị thuộc Bộ KH&CN thì tương ứng với các đơn vị gồm: Thanh tra Bộ, Vụ Tổ chức cán bộ, Văn phòng Bộ; Vụ Kế hoạch tài chính, Vụ Pháp chế, Trung tâm Công nghệ thông tin. Ngoài ra nội dung kiểm tra, giám sát cũng có một phần do Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Bộ thực hiện. Do vậy, Tổ công tác có các thành viên là đại diện của các đơn vị nêu trên sẽ bảo đảm bao quát toàn bộ phạm vi hoạt động và chuyên môn tương ứng theo yêu cầu của công tác PCTN.

          Hai là, ban hành quy chế hoạt động của Tổ công tác. Quy chế cần quy định rõ về các nội dung cơ bản gồm:

    - Về phạm vi, đối tượng áp dụng: Quy chế sẽ quy trình về về nguyên tắc, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc và quan hệ công tác của Tổ tham mưu, giúp việc, được áp dụng đối với Tổ công tác, các thành viên Tổ công tác và các đơn vị thuộc Bộ KH&CN có liên quan.

    - Về nguyên tắc làm việc: Để bảo đảm cho Tổ công tác hoạt động thường xuyên, liên tục, đạt kết quả cao, cần thực hiện theo các nguyên tắc: (i) Làm việc theo chế độ tập thể, bảo đảm yêu cầu phối hợp công tác, trao đổi thông tin trong giải quyết công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; (ii) Đề cao trách nhiệm cá nhân của các thành viên trong Tổ công tác và trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công; giải quyết công việc theo đúng thấm quyền và trách nhiệm được phân công, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật và quy định của Quy chế; (iii) Các thành viên Tổ công tác chủ động giải quyết công việc trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ về phòng chống, tham nhũng tại Bộ KH&CN; (iv) Khi có Thành viên không thể tiếp tục tham gia, Tổ công tác tiến hành thủ tục đề nghị cơ quan, đơn vị thay thế nhân sự kịp thời nhằm bảo đảm việc thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng được liên tục, hiệu quả.

    - Về nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ công tác: Đây là những quy định hết sức quan trọng và cần thiết của Quy chế bởi nó sẽ xác định ranh giới quyền, trách nhiệm của Tổ. Do vậy, cần quy định nhiệm vụ, quyền hạn chung và nhiệm vụ quyền hạn riêng của các thành viên[1].

    - Về quy trình công tác của Tổ công tác: Cần quy định Bộ phận thường trực (Thanh tra Bộ) có trách nhiệm chủ động chuẩn bị toàn bộ các nội dung và điều kiện cần thiết để thực hiện nhiệm vụ của Tổ. Các thành viên trong Tổ có trách nhiệm nghiên cứu, cho ý kiến trong thời hạn nhất định và Tổ trưởng có trách nhiệm tổng hợp, quyết định trước khi trình Bộ trưởng, Ban cán sự đảng.

    - Về chế độ làm việc của Tổ công tác: Để bảo đảm yêu cầu nhanh, gọn, hiệu quả, phù hợp với tinh thần cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động, cần quy định đa dạng về các hình thức lấy ý kiến của các thành viên trong Tổ, tùy từng trường hợp cụ thể có thể thực hiện một các hình thức như: họp; lấy ý kiến bằng văn bản; trao đổi qua email hoặc điện thoại.

    - Về kinh phí hoạt động: Theo quy định của pháp luật về thanh tra, Thanh tra Bộ là cơ quan có con dấu, tài khoản riêng nên có thể quy định kinh phí hoạt động của Tổ công tác được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của Bộ KH&CN phê duyệt và giao cho Thanh tra Bộ quản lý, sử dụng theo quy định.

    - Về vấn đề sửa đổi, bổ sung Quy chế: Việc thành lập Tổ công tác và ban hành Quy chế hoạt động của Tổ công tác là mô hình mới trong lãnh đạo công tác PCTN của Ban cán sự đảng các cơ quan Trung ương nói chung và Bộ KH&CN nói riêng. Chắn chắn quá trình thực hiện sẽ cần tiếp tục hoàn thiện thêm. Do vậy, cần có quy định giao trách nhiệm cho Tổ trưởng Tổ công tác tổng hợp những khó khăn, vướng mắc để trình cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh kịp thời.

    Có thể nói, Quy chế hoạt động của Tổ công tác sẽ là cơ sở quan trọng tạo điều kiện để Tổ công tác và các thành viên trong Tổ công tác phát huy khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đồng thời cũng là căn cứ xác định và nâng cao trách nhiệm của Tổ công tác, các thành viên.

          Kết luận:

    Công tác PCTN là nhiệm vụ khó khăn, nhưng có ý nghĩa sống còn của chế độ, điều này đã cấp ủy đảng, các ngành luôn quan tâm coi trọng. Việc Ban cán sự đảng Bộ KH&CN tiếp tục giao Thanh tra Bộ KH&CN nghiên cứu và đề xuất hoàn thiện cơ chế giúp việc cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN tại Bộ KH&CN theo quy định của Ban Nội chính Trung ương đã thể hiện sự tin tưởng của Ban cán sự, Lãnh đạo Bộ KH&CN đối với vai trò, trách nhiệm chính của Thanh tra Bộ về nội dung này. Việc đề xuất xây dựng một mô hình Tổ công tác tham mưu, giúp việc cho Ban cán sự đảng về công tác PCTN mới chỉ là một phần trong nhiều nội dung cần tham mưu của Thanh tra Bộ để giúp Ban cán sự đảng, lãnh đạo Bộ thực hiện tốt công tác lãnh đạo việc PCTN tại Bộ KH&CN hiện nay, thực hiện nghiêm túc yêu cầu của Ban Nội chính Trung ương tại Hướng dẫn số 08-HD/BNCTW, theo đó “người đứng đầu các cơ quan, tổ chức ở Trung ương căn cứ tình hình thực tế của cơ quan kiện toàn đơn vị đầu mối tham mưu, giúp việc công tác PCTN; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ chế hoạt động của đơn vị này”. Tuy nhiên, mô hình mà nhóm nghiên cứu đưa ra là mô hình mới, có thể thể thực hiện tạm thời, quá trình vận hành mô hình này sẽ dần rút kinh nghiệm để bảo đảm ngày càng hoàn thiện và hiệu quả hơn./.

             

· Công khai, minh bạch trong hoạt động của tổ chức, cơ quan, đơn vị (mục 1 Chương 2 Luật PCTN); Xây dựng và thực hiện định mức tiêu chuẩn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị (mục 2 Chương 2 Luật PCTN); Thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị (mục 3 Chương 2 Luật PCTN); Chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị (mục 4 Chương 2 Luật PCTN); Cải cách hành chính, ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt (mục 5 Chương 2 Luật PCTN); Kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị (mục 6 Chương 2 Luật PCTN); Phát hiện tham nhũng qua kiểm tra và tự kiểm tra của cơ quan, tổ chức, đơn vị (mục 1 Chương 3 Luật PCTN); Phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm toán (mục 2 Chương 3 Luật PCTN); Phản ánh, tố cáo, báo cáo về hành vi tham nhũng (mục 3 Chương 3 Luật PCTN).

[1] Chi tiết có thể tham khảo dự thảo Quy chế hoạt động Tổ công tác kèm theo

 

 

 

Lượt xem: 12615

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:63811
Lượt truy cập: 46254845